(TSVN) – Sáng nay (29/9), Hội nghị Bàn giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đã diễn ra tại TP Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định: Sau 5 năm nhận cảnh cáo của EC, việc chống khai thác IUU của Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập. Nếu không quyết liệt gỡ “thẻ vàng”, nguy cơ nước ta chuyển sang “thẻ đỏ” là rất cao. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới kim ngạch xuất khẩu hải sản sang EU và các thị trường chính khác như Mỹ.
Cũng trong buổi làm việc, Tổng cục Thủy sản đã đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp cấp bách để chuẩn bị làm việc với đoàn thanh tra EC vào cuối tháng 10/2022. Cụ thể, đối với hệ thống MCS, hiện tàu cá đã đăng ký đạt 82%, có giấy phép đạt 64,4%, tàu được đánh dấu đạt 96,5% và tàu lắp thiết bị giám sát hành trình (VMS) đạt 95,3%; tuy nhiên, tàu ngắt kết nối chiếm 45 – 55%. Theo đó, nhiệm vụ cần phải triển khai ngay là: Tổng rà soát tàu cá, cập nhật lên phần mềm VNFishbase, giám sát chặt các tàu không có giấy phép; không để tàu không lắp VMS, không niêm phong hay mất kết nối khi đi khai thác; giám sát các tàu chưa lắp VMS hoặc mất kết nối; rà soát, phân loại, xử lý các tàu mất kết nối.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: HL
Đối với vấn đề truy xuất nguồn gốc, cần phải rà soát CC và SC đi EU, bổ sung hồ sơ đầy đủ; các nguồn nguyên liệu từ nước ngoài (PSMA) cần phải phối hợp quốc tế, củng cố hồ sơ có bằng chứng, xác minh giấy phép, loài, vùng hoạt động của tàu.
Đối với thực thi pháp luật, cần tăng cường tuần tra, kiểm soát trên biển, kiểm soát vùng giáp ranh trọng điểm (Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Campuchia), giám sát chặt tại cộng đồng, giám sát chặt khi rời bến; tăng cường thanh tra, kiểm tra tại cảng, kiểm soát bến cá chưa công bố, kiểm soát tàu cá từ 15 m trở lên, kiểm tra tại các cảnh và đồn biên phòng…; về xử lý vi phạm, cần tăng cường nguồn lực, triển khai đồng bộ tại các địa phương.
Đối với tổ chức thực hiện, cần có kế hoạch thống nhất, liên tỉnh, thực hiện nghiêm túc Quyết định số 1077/QĐ-TTg; hoàn thiện phần mềm VNFishbase, VMS và các phần mềm liên quan khác; phối hợp với các lực lượng trên biển; các tỉnh/huyện/xã đồng loạt thực hiện đồng bộ.
Cần cấp bách rà soát lại các hoạt động tại các cảng cá và tuần tra, kiểm tra tàu cá trên biển. Ảnh: ST
Bên cạnh đó, đại diện Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD) cũng trình bày những hướng dẫn kỹ thuật cho các doanh nghiệp trong việc kiểm soát truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm khai thác xuất khẩu đi châu Âu.
Cụ thể, về quy định/quy trình/thủ tục nội bộ thực hiện kiểm soát nguyên liệu, các doanh nghiệp đáp ứng quy định của Việt Nam và EU phù hợp với thực tế sản xuất, tổ chức bộ máy sản xuất, trong đó đảm bảo: Khả năng truy xuất nguồn gốc thủy sản đáp ứng quy định IUU trong toàn chuỗi, đủ yêu cầu các hồ sơ kèm theo, cách thức kiểm soát; có thủ tục theo dõi trừ lùi, cấn trừ và có đối chiếu dữ liệu theo dõi với thực tế sản xuất; tính toán và công bố đầy đủ các định mức sản xuất; có biện pháp quản lý chặt chẽ, tách biệt; có biện pháp xử lý đối với nguyên liệu trong nước, nhập khẩu chưa đủ thông tin, hồ sơ xác định đáp ứng IUU.
Về phân công thực hiện quy định nội bộ, các cán bộ chuyên trách IUU phải có đủ kiến thức hiểu biết và nắm vững quy định của pháp luật, của doanh nghiệp, kỹ năng thực hành thực tế với nhiệm vụ được giao. Bộ phận đảm bảo chất lượng (thường trực IUU) cần liên kết với các bộ phận khác của doanh nghiệp (thu mua, kho bảo quản thành phẩm, nguyên liệu, bộ phận xuất nhập khẩu…), tránh tình trạng đứt gãy thông tin, dữ liệu gây khó khăn cho việc thực hiện yêu cầu truy xuất trên hồ sơ và thực tế sản xuất.
Về hồ sơ thực hiện, đối với nguyên liệu trong nước: Nhật ký tàu cá, hành trình tàu cá, giấy biên nhận bốc dỡ tại cảng và xác nhận khối lượng thủy sản khai thác được thu mua (trước khi tiếp nhận về nhà máy); giấy chứng nhận khai thác do cơ quan thủy sản địa phương cấp. Đối với nguyên liệu nhập khẩu: Hồ sơ nhập khẩu (tờ khai hải quan, hợp đồng mua bán…); biên bản kiểm tra của cơ quan nhà nước (biên bản PSMA), các chứng nhận/xác nhận cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu; các thông tin về tàu khai thác, quốc gia xuất khẩu.
NAFIQAD cho biết các doanh nghiệp cần khẩn trương, nghiêm túc và thực hiện có hiệu quả văn bản hướng dẫn của Bộ và văn bản số 1328/QLCL-CL1 ngày 23/9/2022 của Cục. Hoàn thành trước ngày 15/10/2022.
Thảo luận tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo phụ trách vấn đề IUU tại các địa phương cũng đã trình bày, trao đổi những ý kiến, khó khăn còn vướng mắc với mong muốn kịp thời có hướng giải quyết trong thời gian cao điểm sắp tới.
Linh Linh