(TSVN) – Hoạt động khai thác hải sản trên biển đang ngày một khó khăn hơn do nguồn lợi đang suy giảm nhanh, vậy nên, để đảm bảo hiệu quả sản xuất và duy trì nghề biển, nhiều tàu cá lựa chọn những mô hình phù hợp để góp phần nâng cao giá trị mỗi chuyến biển.
Theo chia sẻ của ngư dân, lưới rê được đánh bắt theo nguyên tắc thả lưới chặn ngang đường di chuyển của cá. Nghề lưới rê chia thành 3 loại: rê tầng mặt (rê nổi), rê tầng giữa (tức lưới cản) và rê tầng đáy (lưới quét); trong đó nghề lưới rê đáy thường đi xa bờ. Riêng tỉnh Ninh Thuận tính đến năm 2018, toàn tỉnh có 438 tàu cá hành nghề lưới rê, tập trung chủ yếu ở các phường Đông Hải, Mỹ Đông (thành phố Phan Rang – Tháp Chàm).
Đại diện Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết: Mỗi chuyến đánh bắt của nghề lưới rê kéo dài khoảng nửa tháng, thậm chí lên đến 20 – 25 ngày. Nếu đánh bắt đạt, tàu lưới rê có thể thu được 300 – 500 triệu đồng mỗi chuyến biển. Có những tàu đánh được cá có giá trị kinh tế cao, mỗi chuyến biển sản lượng chỉ cần đạt 2 – 3 tấn cũng có thể thu được 1 tỷ đồng. Hơn nữa, nghề lưới rê được nhà nước hỗ trợ, có chính sách khuyến khích, cho vay ưu đãi nên ngư dân có cơ hội phát triển. Và trong 43 dự án vay vốn tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP thì có tới 18 tàu hành nghề lưới rê.
Đến hiện nay, mặc dù điều kiện khai thác có nhiều khó khăn, thế nhưng, so với các nghề khác thì lưới rê vẫn phát huy hiệu quả tốt hơn. Đặc biệt theo chia sẻ của một số ngư dân thì trong bối cảnh khan hiếm lao động biển, với ưu điểm về thời gian đi biển ngắn, nhu cầu lao động ít, hiệu quả khai thác cao, nghề lưới rê đang chứng minh lợi thế, hướng tới cơ giới hóa nghề cá và giảm phụ thuộc vào bạn thuyền.
Huyện Đông Hải (tỉnh Bạc Liêu) rất phát triển nghề khai thác hải sản. Hiện nay, huyện tập trung phát triển là nhân rộng các mô hình khai thác hiệu quả, mang lại lợi nhuận cao.
Toàn huyện Đông Hải hiện có trên 550 phương tiện khai thác với công suất 130.108 CV. Theo đó, có nhiều mô hình khai thác hiệu quả như: mô hình lưới rê xù, mô hình kết hợp câu vàng và lưới rê nổi… Với mô hình lưới rê xù hiện có 84 tàu cá tham gia, trong đó có 30 tàu hoạt động vùng khơi. Kết quả đánh giá cho thấy, trung bình một chuyến biển chủ phương tiện thu lợi nhuận từ 200 – 250 triệu đồng (sau khi trừ các chi phí). Còn với mô hình câu kết hợp lưới rê nổi, hiện trên địa bàn huyện có 19 phương tiện tham gia. Ở mô hình này thì trung bình một chuyến biển chủ phương tiện thu lợi nhuận từ 250 – 400 triệu đồng…
Theo đại diện Sở NN&PTNT Quảng Bình, hiện toàn tỉnh có 86 tổ đoàn kết và 117 tổ hợp tác khai thác hải sản.
Xã Bảo Ninh (TP Đồng Hới) có trên 380 tàu thuyền với tổng công suất trên 93.000 CV thường xuyên bám biển, thu hút hơn 1.600 lao động của xã, trong đó, trên 200 tàu đánh bắt ở vùng biển xa bờ. Để giúp ngư dân sản xuất an toàn và hiệu quả, xã đã thành lập 21 tổ hợp tác khai thác thủy hải sản trên biển, gồm tổ hợp tác khai thác gần bờ với 30 thành viên và 18 tổ hợp tác khai thác xa bờ với gần 120 thành viên.
Xã Đức Trạch (huyện Bố Trạch) có khoảng 450 tàu, thuyền lớn nhỏ, trong đó 244 tàu có công suất 90 CV, sản lượng khai thác hàng năm đạt khoảng 8.000 – 10.000 tấn. Theo ông Trương Quang An, Chủ tịch Hội Nông dân xã, cho biết hiện nay toàn xã có 19 tổ hợp tác, 1 hợp tác xã đánh bắt xa bờ với 200 thành viên. Nhờ những tổ đội này nên mỗi khi có rủi ro, hoạn nạn, các thành viên đã kịp thời ứng cứu.
Các tổ đoàn kết, tổ hợp tác trên biển, nhất là đối với khai thác hải sản xa bờ, từ nhiều năm nay luôn phát huy tối đa hiệu quả, không chỉ nâng cao giá trị mỗi chuyến biển mà còn hỗ trợ tối đa cho công cuộc bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo. Mô hình này đã và luôn được các địa phương quan tâm, nhân rộng, đặc biệt là trong giai đoạn “bão giá” xăng dầu như thời gian vừa qua.
Bảo Hân
(Tổng hợp)