Lưu ý trong chọn, thả giống thủy sản nước ngọt

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hỏi: Cải tạo ao nuôi cá nước ngọt như thế nào thì đạt yêu cầu?

(Bùi Thế Huy, xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang)

Trả lời:

Đối với ao nuôi mới: Cấp và tháo nước vào ao từ 2 – 3 lần để rửa ao, bón vôi giúp ổn định pH đất lượng bón tùy thuộc vào pH của đáy ao, lượng bón từ 8 – 10 kg/100 m2, thay nước ra nước vào 1 – 2 lần nữa sau đó lấy nước vào ao và đo pH, nếu ổn định ở mức trên 6,5 thì tiến hành gây màu nước.

Đối với ao nuôi cũ: Tát cạn nước ao, tu sửa bờ cống cấp thoát nước, vét bùn đáy chỉ để lại mức 20 – 30 cm bùn đáy, san phẳng đáy giúp sinh vật đáy phát triển tốt. Dùng vôi bột rắc đều đáy và quanh bờ ao nhằm làm môi trường đáy tơi xốp, diệt ký sinh trùng gây bệnh, giúp động vật đáy phát triển tạo cơ sở thức ăn cho cá, giúp pH, môi trường nước ổn định. Lượng vôi bón tùy thuộc vào pH đất với ao đất thịt, không chua pH ≥ 6,5 bón 8 – 10 kg/ 100 m2; ao đất sét, có độ pH từ 6,5 trở xuống bón 10 – 15 kg/100 m2, sau đó cấp nước vào tháo rửa 1 – 2 lần. Tiếp theo cần tiến hành phơi ao, thời gian phơi ao phụ thuộc vào thời tiết để đảm bảo ao có phơi khô. Thời gian phơi đáy thường 5 – 7 ngày, phơi đến khi đáy ao khô, nứt chân chim (Lưu ý: nếu đáy ao bị nhiễm phèn thì chỉ nên phơi khô đáy ao không phơi nứt chân chim).  Nước cấp vào ao phải được lọc qua túi lọc gắn vào cửa cống hoặc đầu cấp nước của máy bơm, để tránh cá tạp xâm nhập vào ao. Khi lấy nước vào cần kiểm tra các yếu tố môi trường nước. Khi nước đạt từ 1 – 1,2 m tiến hành bón phân gây màu nước.

Hỏi: Xin tư vấn biện pháp chọn con giống chất lượng và cách thả giống hiệu quả?

(Nguyễn Đình Hà, xã Vũ Bình, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình)

Trả lời:

Lựa chọn các cơ sở cung ứng con giống thủy sản có uy tín, đảm bảo truy xuất được nguồn gốc con giống, có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất giống thủy sản.

Chọn cá khỏe mạnh, không dị hình, dị tật, không có dấu hiệu bệnh lý. Cá đồng đều, cân đối, không bị xây xát, không mất nhớt, bơi lội nhanh nhẹn, bơi chìm trong nước theo đàn.

Cỡ cá giống thả có vai trò rất quan trọng, giống càng lớn thì càng đảm bảo tỷ lệ nuôi sống cao, rút ngắn được chu kỳ nuôi; Kích cỡ giống thả tối thiểu theo quy định như: trắm, chép, mè, trôi, rô phi chiều dài 6 – 12 cm trở lên.

Người nuôi thả theo lịch thời vụ của Sở NN&PTNT. Nên tranh thủ thả sớm, thả từ tháng 3 – 5 (dương lịch). Thời gian thả cá giống tốt nhất vào buổi sáng hoặc chiều mát. Tránh thả cá vào lúc trời đang mưa to hay nắng gắt có thể làm cá bị sốc nhiệt, yếu dẫn đến cá chết. Trước khi thả cá nên tắm cho cá bằng nước muối 2 – 3% (tức 20 – 30 g muối + 1 lít nước) trong thời gian 5 – 10 phút để loại trừ ký sinh trùng và chống nhiễm trùng các vết xây xát trên thân cá bị khi vận chuyển đường dài.

Đối với cá giống được đóng trong túi nilon thì trước khi thả nên ngâm túi đựng cá vào trong nước ao khoảng 5 – 10 phút, để nhiệt độ trong túi nilon cân bằng với nhiệt độ môi trường nước ao nuôi, tạo điều kiện cho cá làm quen với môi trường sống mới. Khi thả mở miệng túi cho nước chảy từ từ vào để cá bơi tự nhiên ra.

Mật độ nuôi phụ thuộc vào cỡ cá dự kiến thu hoạch, khả năng đầu tư và điều kiện ao nuôi. Đối với những ao nuôi quảng canh cải tiến thì mật độ thả 0,7 – 1 con/m2, thả bán thâm canh và thâm canh mật độ 1 – 3 con/m2.

Ban KHKT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!