(TSVN) – Nghề nuôi cá tra ở kênh Tám Khệnh (ấp Đá Bạc A, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) có từ khoảng 20 năm nay; đây được xem là nghề phụ của bà con nuôi và làm khô cá bổi, tuy vậy bà con đồng bào dân tộc Khmer nơi đây vẫn có thu nhập khá đáng kể từ cá tra. Hiện tại vùng nuôi cá tra của bà con đã được mở rộng, từ đó giúp người dân có nguồn kinh tế ổn định.
Đa số bà con nuôi cá tra ở khu vực kênh Tám Khệnh là hộ đồng bào dân tộc Khmer, theo thống kê có khoảng hơn 10 hộ nuôi. Mỗi khi bà con thu mua cá bổi, sơ chế cá bổi để làm khô thì phần ruột cá, vây cá đều tận dụng; riêng phần nội tạng của cá bổi sẽ được người dân sử dụng làm thức ăn cho cá tra. Theo bà con, với hình thức nuôi như thế sẽ có lãi, đây được xem là nguồn tiền “bỏ ống” của người dân vì nuôi khoảng 2 năm mới thu hoạch.
Thời điểm này bà con nuôi cá tra ở ấp Đá Bạc A nói riêng đang bắt đầu thu hoạch để bán cho thương lái
Dạo quanh kênh Tám Khệnh mùa này rất nhiều hộ nuôi cá tra đang thu hoạch, chủ yếu là hình thức kéo lưới (giống như thu hoạch cá bổi), những con nào không đủ kích cỡ sẽ được thả lại để bà con “gối đầu” vụ sau. Ông Danh Dươl (dân tộc Khmer), ấp Đá Bạc A, cũng là hộ nuôi cá tra có kinh nghiệm khoảng 10 năm, hiện tại ông nuôi 1 hầm khoảng 500 m2, nhờ không cho ăn thức ăn nên cá đạt chất lượng, được nhiều thương lái tìm đến mua. Ông Danh Dươl, cho biết: “Đầu ra của cá tra tương đối ổn định, có bao nhiêu thương lái cũng mua hết. Tuy nhiên, giá cá vẫn giữ mức như vậy (20.000 đồng/kg) và không thay đổi, nếu giá cá tăng nhẹ thì bà con cũng phấn khởi hơn”.
Theo người dân, giai đoạn cá gần thu hoạch khoảng từ 1 đến 2 tháng thì cá ăn rất mạnh nên bắt buộc phải mua thêm ruột cá và thức ăn để cá đạt kích cỡ chuẩn mới xuất bán. Vụ này ông Danh Dươl thu hoạch 4 tấn cá, dự kiến khoảng 80 triệu đồng, đây cũng là nguồn vốn để ông tái sản xuất vụ cá bổi truyền thống.
Cá tra đạt trọng lượng khoảng 3 con/kg thì bà con bắt đầu thu hoạch
Ông Trần Hữu Trang, Bí Thư Chi bộ ấp Đá Bạc A, cho biết: “Thời gian trước đây cá tra chỉ bán lẻ một số ở địa phương, sau này bà con có đầu ra ổn định nhờ tận dụng con cá bổi nên không chỉ đồng bào dân tộc mà những hộ khác cũng tận dụng để nuôi, chủ yếu lấy công làm lời”.
Dọc theo tuyến đường thuộc ấp 3, xã Trần Hợi, một số hộ cũng đang thu hoạch cá tra. Hầm cá tra của ông Từ Thanh Hùng (Tư Hùng) phải thu hoạch 3 lần mới hết lượng cá tra. Theo ông Tư Hùng, đợt này thu hoạch hơn 3 tấn cá; với đặc tính cá tra rất ít bệnh, có thể nuôi ở mật độ cao nên ông đánh giá rất cao. Riêng thức ăn thì tận dụng từ ruột cá, mang cá bổi… nên cũng không lo lắng về chi phí. “Xong vụ này tôi cũng thả cá giống để tái sản xuất”- ông Tư Hùng chia sẻ.
Anh Hữu Sĩ thu mua cá tra của bà con để xuất bán cho các tỉnh miền Tây
Hiện tại cá tra của bà con thu hoạch sẽ được thương lái vận chuyển đến tỉnh Sóc Trăng, Đồng Tháp, sau đó sẽ được phân phối về các tỉnh miền Tây. Anh Hữu Sĩ (dân tộc Khmer), ấp Đá Bạc A, cho biết: “Làm nghề thương lái thu mua cá tra cũng được 2 năm nay, vừa đi giao cá bổi khô cũng vừa thu mua cá tra của bà con. Riêng công việc thu mua cá tra thường vận chuyển vào ban đêm (phải chạy ôxy), vì thế người dân phải thu hoạch vào buổi chiều tối để tránh tình trạng nắng nóng ảnh hưởng chất lượng cá”. Bình quân mỗi ngày anh Hữu Sĩ thu mua khoảng 2 tấn cá tra, tuy nhiên vẫn không đủ cung cấp cho các đầu mối, vì thế anh Sĩ phải liên kết, đặt hàng những hộ nuôi mới trong tỉnh phần nào đáp ứng đủ nguồn cung.
Để nghề nuôi cá tra được phát triển bền vững, ngành chuyên môn khuyến cáo người dân không nên thả nuôi ồ ạt, nuôi với mật độ vừa phải trên cùng một diện tích; đặc biệt phải quản lý môi trường nước, tránh ô nhiễm môi trường. Hiện tại giá thức ăn cá đang xu hướng tăng, nếu người dân đầu tư mạnh vùng nuôi sẽ không đạt lợi nhuận cao.
Nhật Minh
Xin sđt của bên thu mua cá tra tại cà mau. Tại ấp 4 khánh lâm, khoảng 2 tấn