(TSVN) – Việc gỡ “thẻ vàng”, tuyệt đối không để EC rút “thẻ đỏ” là rất cấp bách, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đến đời sống của ngư dân, ngành xuất khẩu thủy sản cũng như uy tín, thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế. Điều này cần sự vào cuộc và quyết tâm của toàn hệ thống từ Trung ương đến các địa phương.
Theo Bộ NN&PTNT, sau 5 năm EC cảnh báo “thẻ vàng” đối với hoạt động khai thác IUU, đến nay các Bộ, ngành, địa phương vùng biển đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ được giao và đạt được một số kết quả. Như đã hoàn thiện hệ thống pháp luật về thủy sản, nhằm đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế, chống khai thác IUU và đang tiếp tục sửa đổi, bổ sung để tăng cường hiệu lực, hiệu quả. Ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa dữ liệu tàu cá lên Hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia để quản lý đội tàu cá, theo đó công tác quản lý đội tàu đã từng bước đi vào nề nếp. Tổ chức triển khai nhiều giải pháp để theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển, ngăn chặn và xử lý các hành vi khai thác IUU, nhất là hành vi vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài. Công tác chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác đã được tổ chức triển khai thực hiện theo quy định của Luật Thủy sản và cơ bản đáp ứng theo khuyến nghị của EC. Công tác xử phạt các hành vi khai thác IUU đã được tăng cường so với trước.
Thông tin từ Tổng cục Thủy sản, các lực lượng thực thi pháp luật trên biển tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát; đặc biệt là tại các khu vực vùng biển trọng điểm. Từ quý IV/2021 đến nay đã kiểm tra, kiểm soát gần 80.000 lượt tàu cá. Các lực lượng thực thi pháp luật trên biển đã triển khai nhiều giải pháp như duy trì trên 30 tàu, sử dụng máy bay không người lái để tuần tra, kiểm soát; lập danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm để theo dõi, giám sát… Các địa phương như Quảng Ngãi, Tiền Giang, Khánh Hòa đã làm tốt, giảm đáng kể các vụ việc tàu cá vi phạm; đặc biệt là Phú Yên từ năm 2021 đến nay chưa phát hiện vụ việc vi phạm.
Lực lượng Cảnh sát Biển tuyên truyền pháp luật cho ngư dân. Ảnh: CSB
Theo Sở NN&PTNT Phú Yên, đến thời điểm này có 636 tàu cá đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT), đạt 96%, 28 tàu cá còn lại không còn đủ năng lực vươn khơi khai thác thủy sản. Từ hệ thống thiết bị kỹ thuật công nghệ, gần 3 năm qua các cơ quan chức năng ở Phú Yên đã giám sát, cảnh báo 939 trường hợp tàu cá mất kết nối GSHT, phát hiện và kịp thời ngăn chặn 17 tàu cá có nguy cơ xâm phạm vùng biển nước ngoài.
Từ đầu năm đến nay, tỉnh Kiên Giang đã thành lập 16 đoàn thanh tra gồm các lực lượng như: Hải quân Vùng 5, Cảnh sát Biển 4 và Hải đoàn 28, Kiểm ngư cùng với các lực lượng của tỉnh Cà Mau tiến hành thanh tra, kiểm tra trên vùng biển, qua đó xử lý vi phạm hành chính gần 150 vụ, nộp ngân sách là hơn 8,57 tỷ đồng. Phối hợp với Cảnh sát Biển 4 xử lý 13/24 vụ tàu vi phạm khai thác IUU và nộp ngân sách là 67 tỷ đồng. Trong thời gian tới, Kiên Giang sẽ thành lập 2 tổ công tác kiểm tra các cảng biển, cảng tàu, sổ sách, nhật trình cũng như củng cố các hồ sơ liên quan, hồ sơ vi phạm đảm bảo thực hiện đúng quy trình, quy định.
Tuy đạt được nhiều kết quả trong thực hiện chống khai thác IUU, nhưng theo Bộ NN&PTNT trên thực tế vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục, như: Khung pháp lý vẫn còn một số bất cập; việc theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động của tàu cá còn nhiều hạn chế; tỷ lệ hải sản được truy xuất nguồn gốc còn thấp; thiết bị, hạ tầng nghề cá còn hạn chế, gây khó khăn trong thực hiện các giải pháp ngăn chặn khai thác IUU…
Mặt khác, việc đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá, đặc biệt là tại các cảng cá còn nhiều hạn chế, so với sản lượng hải sản khai thác 3,67 triệu tấn năm 2021 thì cả nước mới kiểm soát được khoảng 15 – 18%. Trong khi đó, theo quy hoạch, Việt Nam xây dựng 125 cảng cá với công suất đảm bảo bốc dỡ 1,92 triệu tấn, tuy nhiên đến nay mới bố trí được 18,5% tổng nhu cầu nguồn vốn. Mặc dù đã đầu tư cho 83/125 cảng nhưng các tiêu chí, hạng mục được đầu tư chưa đảm bảo. Hiện mới công bố mở 76 cảng và chỉ định 53 cảng cá đủ điều kiện xác nhận thủy sản và 61 cảng cho tàu cá vùng khơi cập cảng…
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác IUU, sáng 20/9; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh, “thẻ vàng” đã gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu thủy sản của nước ta và đồng thời gây ảnh hưởng đến đời sống của ngư dân; đặc biệt ảnh hưởng đến uy tín của ngành thủy sản Việt Nam và hình ảnh quốc gia trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực hội nhập sâu rộng trong khu vực và quốc tế. Do đó, không thể để tình trạng này kéo dài. Chúng ta phải nghĩ thật, nói thật, làm thật, có hiệu quả thật, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, có như thế mới sớm gỡ cảnh báo của EC.
Phó Thủ tướng yêu cầu thành lập ngay các đoàn liên ngành, ở Trung ương do lãnh đạo Bộ NN&PTNT chủ trì, ở địa phương do lãnh đạo UBND tỉnh phụ trách đi kiểm tra cụ thể, kịp thời phát hiện, xử lý thật nghiêm những hành vi vi phạm các quy định về chống khai thác IUU. Các lực lượng Cảnh sát Biển, Bên phòng, Kiểm ngư, Công an các địa phương đẩy mạnh tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trên biển và tại các cảng cá. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để ngư dân hiểu rõ rủi ro, tác hại, từ đó nâng cao ý thức trong chống khai thác IUU.
Hoài Phương