(TSVN) – Thức ăn tươi và sống bao gồm thức ăn cho bố mẹ và thức ăn cho ấu trùng tôm như tảo tươi và Artemia… rất quan trọng cho sự phát triển của tôm giống. Tuy nhiên đây cũng là con đường phổ biến lây lan mầm bệnh cho tôm giống trực tiếp; nếu không được vệ sinh, lựa chọn nguồn thức ăn sạch mầm bệnh trước khi sử dụng.
Phần lớn các nhà nuôi tôm hiểu được các rủi ro an toàn sinh học liên quan việc di chuyển tôm sống (bao gồm cả tôm bố mẹ và tôm giống) từ nước này qua nước khác hoặc từ khu vực này qua khu vực khác, nhưng mối quan tâm về an toàn sinh học liên quan đến thức ăn của tôm và phương pháp quản lý thức ăn trong từng khâu sản xuất, bao gồm thức ăn cho tôm bố mẹ, tôm giống, tôm ươm và tôm thương phẩm, thường không được hiểu rõ.
Trên toàn cầu, người nuôi tôm sử dụng nhiều hệ thống sản xuất thức ăn và nhiều loại thức ăn khác nhau, như thức ăn tự nhiên được đánh bắt hoặc được nuôi, thức ăn tươi sống hoặc được chế biến (Artemia, nauplii, nhuyễn thể, hàu, nghêu, cua và ruốc, vi sinh vật hoặc biofloc và thức ăn tổng hợp được chế tạo và sản xuất chế độ ăn ép hoặc viên).
Việc lựa chọn cũng như quản lý chất lượng thức ăn tươi sống quyết định mật thiết đến thành bại của con giống. Ảnh: ST
Đặc biệt, đối với các loại thức ăn tươi sống và chưa qua chế biến (động vật hai mảnh vỏ và giun nhiều tơ, nhuyễn thể chưa được xử lý và Artemia bị ô nhiễm) được cho ăn ở các giai đoạn tôm khác nhau như: tôm bố mẹ, ấu trùng tôm và cả trên tôm thương phẩm. Có rất nhiều bằng chứng các loại thức ăn tươi sống có thể có rủi ro an toàn sinh học cao do có thể đưa mầm bệnh tiềm tàng vào các trại nuôi tôm như: Hội chứng đốm trắng (WSSV), Hypodermal Hematopoietic Necrosis Baculovirus (HHNBV), Virus gây hoại tử cơ quan lập biểu mô và cơ quan tạo máu (IHHNV), bệnh hoại tử gan cấp tính (AHPND) và các bệnh do ký sinh trùng.
Thức ăn tươi sống là một trong những nguồn mang mầm bệnh trực tiếp vào hệ thống sản xuất. Do đó, việc lựa chọn cũng như quản lý chất lượng thức ăn tươi sống quyết định mật thiết đến thành bại của con giống:
Tảo tươi là thành phần thức ăn bắt buộc trong giai đoạn Zoae 1 – Zoae 3 và được duy trì cho đến cuối giai đoạn Mysis. Mô hình nuôi cấy tảo sinh khối thường gặp thách thức lớn về nhiễm tạp, mặc dù trại sản xuất giống có xử lý nước tốt như thế nào thì vấn đề nhiễm tạp đều có thể xảy ra. Khi tảo bị nhiễm tạp, đặc biệt nhiễm các loại Protozoa, Vibrio thì chất lượng tảo bị ảnh hưởng rất lớn và ảnh hưởng tới sản xuất ấu trùng. Một ví dụ điển hình, khi kiểm tra dưới kính hiển vi một mẫu tảo nhiễm Protozoa (giống Monas spp.), 90% tế bào tảo bị phá hủy sau 12 đến 18 giờ phát hiện nhiễm tạp. Tuy nhiên, màu nước của hồ tảo vẫn bình thường, không đánh giá được tảo bị nhiễm bằng mắt thường. Trong trường hợp này, vi tảo đã bị “tàn” bởi nhiễm ký sinh trùng và không thể làm thức ăn cho ấu trùng (Baptist, 1993). Khi hệ thống tảo tươi không được đầu tư, quản lý khâu vệ sinh không tốt sẽ dễ dàng nhiễm protozoa, vibrio và nấm. Do đó, trước khi bổ sung tảo tươi vào bể ương ấu trùng, đặc biệt sử dụng ở giai đoạn Zoea, cần phải được kiểm tra chất lượng. Hệ thống nuôi kín không hoàn toàn giúp vi tảo tránh nhiễm tạp, mà chỉ hạn chế nhiễm tảo tạp hoặc vi sinh vật không mong muốn. Khi các hệ thống nuôi kín bị nhiễm tạp thường khó xử lý do diện tích bề mặt rộng và trong bể nuôi có nhiều “ngóc ngách” để cho các loại vi sinh vật lưu trú (De Pauw N, 1984).
Artemia bắt đầu sử dụng từ giai đoạn Zoea 3. Artemia rất dễ nhiễm Vibrio nếu không được rửa sạch. Việc cho Artemia cần phải được đảm bảo an toàn sinh học trước khi cho tôm giống ăn. Khử trùng trong quá trình ấp Artemia: Ngâm lượng trứng cần ấp trong nước ngọt khoảng 1 giờ để trứng hút nước. Sau đó ngâm vào dung dịch thuốc tẩy Zaven với nồng độ 1 lon Artemia sử dụng 1 lít dung dịch nước Zaven 10% hoặc sử dụng Chlorine, nồng độ 200 ppm khoảng 20 – 30 phút hoặc khi quan sát trứng có màu vàng cam là được. Tiến hành rửa sạch lại nhiều lần bằng nước ngọt hoặc bằng nước biển và lọc lấy trứng bằng lưới có kích cỡ 125 µm. Trứng Artemia sau khi đã tẩy vỏ cho vào dung dịch Thiosuphat 0,05% trong 2 – 5 phút, rửa lại bằng nước sạch và sẵn sàng để cho nở ngay hoặc có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh ở mức nhiệt 160C là phù hợp, thời gian bảo quản tối đa 3 ngày. Cân trứng đã khử trùng theo mật độ và cho trứng vào bể ấp hình chóp có nước biển đã lọc sạch độ mặn 15 – 30‰. Sục khí mạnh để cung cấp ôxy và đảo trộn nhằm thúc đẩy quá trình hút nước của trứng và kích thích sự phát triển của phôi. Sau 24 – 36 giờ, trứng sẽ nở. Sau khi nở, các ấu trùng Artemia (Nauplius) được tách khỏi các chất thải khác như vỏ bào xác rỗng, bào xác không nở, cặn bã và vi sinh vật khác…) Một số trại sử dụng các hoạt chất Iodine để rửa Artemia khi thu hoạch.
Thức ăn tôm bố mẹ như dời, mực, hàu… có thể sử dụng từ các nguồn không có các tác nhân mang bệnh nguy hiểm (Specific Pathogen Free), hoặc rửa với dòng nước chảy lúc chuẩn bị thức ăn hoặc cấp đông trước khi sử dụng. Không nên lưu trữ quá nhiều thức ăn trong kho nhưng cũng cần đảm bảo thức ăn không không bị thiếu trong quá trình sản xuất. Tất cả các loại thức ăn nên được bảo quản trong tủ đông đặt trong khu vực trại tôm bố mẹ. Thức ăn cũ nên được sử dụng trước khi dùng thức ăn mới. Dựa vào bảng cho ăn để xác định lượng thức ăn cần dùng và lấy đúng lượng đó để chế biến. Trong trường hợp sử dụng rươi đông lạnh thì cần phải rã đông, cân lượng cần dùng và cho vào các khay cho ăn riêng. Đối với mực thì không cần rã đông hoàn toàn. Mực tươi hoặc mực đông lạnh được cắt thành các mảnh vuông 5 cm. Sau đó, cân và để riêng theo khẩu phần cho từng bể. Khu chế biến là nơi tất cả các thức ăn được chuẩn bị, do đó, vệ sinh khu vực này cần được lưu ý. Bảo đảm dụng cụ và khu vực chế biến sạch sẽ giúp giảm nguy cơ lây nhiễm nguồn bệnh đáng kể. Dụng cụ cắt, bề mặt cắt và hộp đựng thức ăn cần được khử trùng và phơi khô. Tất cả các dụng cụ tiếp xúc với hệ thống nuôi cần được vệ sinh và khử trùng và phơi khô. Cần chuẩn bị một thùng Chlorine (nồng độ 540 ppm) tại khu vực chế biến để khử trùng từng dụng cụ và khay đựng thức ăn.
Hoàng Ngân