(TSVN) – Các kết quả nghiên cứu cho thấy, khô đậu inca (sacha inchi) có khả năng thay thế 50% bột cá trong thức ăn của TTCT mà không ảnh hưởng đến tăng trưởng của vật nuôi.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện nhiều hợp chất hoạt tính sinh học khác trong khô đậu Inca như carotenes, polyphenolic, tocopherols và phytosterols. Do đó, hạt đậu Inca được đánh giá là nguồn dinh dưỡng quan trọng để tăng cường sức khỏe. Hiện nay, dầu đậu Inca đã được thương mại hóa trong lĩnh vực mỹ phẩm và thực phẩm chức năng. Công đoạn chế biến dầu đậu Inca cũng gồm các bước cơ bản từ ép hạt, tách dầu và thu gom phụ phẩm làm thức ăn chăn nuôi. Bã dầu đậu Inca có hàm lượng protein cao (59%), chiếm 62 – 70% trọng lượng khô của hạt và chứa 12 – 17% dầu. Bã đậu Inca được xem là chất thay thế bột cá tiềm năng trong thức ăn của một số loại cá, như điêu hồng, cá nước ngọt Amazon và cá hồi vân.
Nghiên cứu được thực hiện tại trại nuôi tôm công nghiệp Noblecilla Salas thuộc địa bàn tỉnh El Oro, Ecuador. Tôm được thả vào bể 1 m3 đặt trong một ao rộng 1 ha. Trước thử nghiệm, cho tôm thích nghi với môi trường trong 3 tuần với thức ăn thương mại (Nicovita). Sau đó, lựa chọn 120 TTCT, trọng lượng trung bình ban đầu 3,41 ± 0,31 để thử nghiệm. Phân chia ngẫu nhiên số tôm này vào 8 bể dung tích 1 m3 với mật độ 15 con/bể.
Chuẩn bị 4 chế độ ăn cùng mức protein thô 350 g/kg (isonitrogenous) tại Khoa NTTS, Đại học Kỹ thuật Machala, Ecuador. Hạt đậu Inca do Hợp tác xã Nông nghiệp Aso-Inchi Cantón Las Lajas, tỉnh El Oro, Ecuador cung cấp. Công thức của 3 chế độ ăn thử nghiệm gồm bã đậu Inca thay thế một phần bột cá và chế độ đối chứng không chứa đậu Inca. Lượng đậu Inca thay thế bột cá trong 3 chế độ ăn thử nghiệm lần lượt như sau: 15% (D-15), 25% (D-25) và 50% (D-50).
Mỗi khẩu phần thử nghiệm được kiểm tra lặp lại 2 lần trong 10 tuần. Tất cả các nhóm tôm được cho ăn theo khẩu phần thử nghiệm 3 lần/ngày với lượng thức ăn tương đương 7% trọng lượng thân. Đo chiều dài và trọng lượng tôm hàng tuần, cuối thử nghiệm lấy mẫu tôm để phân tích trong phòng thí nghiệm.
Trong quá trình thử nghiệm, các chuyên gia đã đánh giá hiệu quả của đậu Inca ở 3 tỷ lệ thay thế bột cá trong thức ăn của TTCT: 15%; 25% và 50%. Kết quả cho thấy, khô đậu Inca làm tăng trọng lượng thân cuối của tôm. Ở nghiệm thức bổ sung 50% khô đậu Inca, tôm có chỉ số tăng trưởng cao hơn và hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) tốt hơn.
Nhóm tôm ở nghiệm thức D-25 có tốc độ tăng trưởng riêng (SGR) thấp nhất do trọng lượng gan tụy nặng hơn hoặc do nhiễm độc gan, dẫn đến tiết enzyme kém và hiệu quả tiêu hóa thấp hơn. Hiện tượng này cũng được ghi nhận trên gia cầm khi cho ăn bổ sung dầu đậu Inca. Tuy nhiên, nhóm tôm ở nghiệm thức D-50 (thay thế 50% bột cá bằng khô đậu Inca) có SGR cao hơn so với nhóm đối chứng và D-25. Do đó, nhóm chuyên gia đã đặt giả thuyết khô đậu Inca có thể là nguyên nhân khiến SGR thấp hơn hoặc trọng lượng gan tụy nặng hơn ở nhóm D-25. Cũng trong nhóm D-25, các chuyên gia quan sát thấy hiện tượng enzyme tiêu hóa chymotrypsin bị giảm hoạt tính, mà nguyên nhân có thể liên quan đến SGR thấp hơn.
Các nghiên cứu trước đây cũng chưa đề cập đến ảnh hưởng của đậu Inca đối với thành phần dinh dưỡng của tôm. Nhưng kết quả nghiên cứu trên cho thấy hàm lượng protein ở phần thân tôm được ăn bổ sung khô đậu Inca thấp hơn nhóm đối chứng, nhưng hàm lượng chất béo thô không thay đổi. Bù lại, tôm được ăn đậu Inca lại có trọng lượng thân cuối cao hơn.
Thành phần dinh dưỡng của đậu Inca thấp hơn bột cá, cụ thể protein thô 51,12% ± 1,08; chất béo thô 10,51% ± 0,06. Các loại đạm động vật làm từ cá, như cá trích chứa 71% protein, 9% chất béo và 8% nước cùng 12% chất khoáng; bột cá thịt trắng và nội tạng cá chứa 66% protein, 5% chất béo, 8% nước và 21% khoáng chất.
Kết quả thử nghiệm cũng cho thấy hoạt tính của enzyme tiêu hóa tripsin giảm nhẹ khi tôm được cho ăn bổ sung khô đậu Inca. Trái lại, hoạt tính của enzyme tiêu hóa chymotrypsin và enzyme phân giải protein alkaline protease lại giảm khi lượng khô đậu Inca tăng lên.
Nhiệt độ tăng trong quá trình chiết xuất chất béo của hạt đậu Inca có thể làm mất tác dụng của chất ức chế tripsin cũng như các yếu tố kháng dinh dưỡng khác. Mặc dù hoạt tính của enzyme tiêu hóa chymotrypsin bị giảm đi, nhưng tôm vẫn tăng trưởng bình thường, thậm chí những con tôm được nuôi bằng khẩu phần bổ sung đậu Inca đạt tốc độ tăng trưởng tương tự khẩu phần đối chứng.
Theo các nghiên cứu trước đây, tỷ lệ bổ sung đạm thực vật trong thức ăn của TTCT không được vượt quá 40%, nhưng trong nghiên cứu này, khô đậu Inca có khả năng thay thế 50% bột cá mà không ảnh hưởng đến các chỉ số dinh dưỡng và tăng trưởng của tôm. Từ đây có thể khẳng định khô đậu Inca là một nguồn protein thay thế tiềm năng cho bột cá trong thức ăn của TTCT. Dù vậy vẫn cần nghiên cứu thêm để tìm ra tỷ lệ bổ sung tối ưu, cũng như xác định phương pháp xử lý thích hợp nhất để loại bỏ các yếu tố kháng dinh dưỡng có trong đậu Inca.
Dũng Nguyên
Theo Fishfarmingexpert