(TSVN) – Ngày 4/10 vừa qua, Công ty Evonik và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Cải thiện tính bền vững và hiệu quả trong NTTS ở Việt Nam”, nhằm công bố kết quả Dự án nghiên cứu do hai bên đồng thực hiện.
Tại Hội thảo, PGS.TS Trần Thị Thanh Hiền, thay mặt cho nhóm nghiên cứu của Đại học Cần Thơ triển khai nội dung của Dự án hợp tác giữa Evonik và GIZ đã trình bày giải pháp tăng lợi nhuận nuôi TTCT bằng thức ăn cân bằng axit amin, có hàm lượng protein thô thấp. Theo đó, thức ăn có hàm lượng protein thô cao, sử dụng nhiều bột cá thường có chi phí cao, không thân thiện với môi trường sẽ ảnh hưởng đến tính bền vững của nghề nuôi tôm. Động vật thủy sản nói chung và con tôm nói riêng có nhu cầu về các chất dinh dưỡng nhưng không có nhu cầu về một loại nguyên liệu cụ thể nào; không có nhu cầu về protein thô nhưng có nhu cầu về các loại axit amin thiết yếu. Tuy nhiên, khi thay thế bột cá bằng các nguồn nguyên liệu khác, nhất là nguyên liệu có nguồn gốc thực vật thường dẫn đến sự thiếu hụt một vài axit amin thiết yếu. Do đó, việc bổ sung các axit amin thiếu hụt từ nguồn tổng hợp sẽ làm giảm hàm lượng protein thô trong thức ăn, từ đó giúp giảm giá thành thức ăn, duy trì ổn định thành tích tăng trưởng và giảm phát thải nitơ ra môi trường.
Nhằm đạt được mục tiêu giảm sử dụng bột cá, giảm protein thô trong thức ăn nuôi tôm và giảm phát thải, Dự án đã thực hiện nghiên cứu qua hai bước, thí nghiệm quy mô nhỏ tại Đại học Cần Thơ để phát triển và lựa chọn thức ăn tối ưu và bước hai là triển khai ở trang trại nuôi tôm thương phẩm của Hợp tác xã Toàn Thắng, xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Châu, Sóc Trăng nhằm khẳng định tính thực tiễn của thức ăn do Dự án phát triển.
Nghiên cứu 1: Khảo sát ảnh hưởng của thức ăn thí nghiệm lên tăng trưởng tôm
Tôm giống có khối lượng trung bình ban đầu 2,5 g (± 0,04 g, SD) được nuôi bằng 5 loại thức ăn có mức protein thô giảm dần: 40%, 38%, 36%, 34%, 32% và đối chứng là thức ăn thương mại, trong thời gian 2 tháng. Mỗi nghiệm thức thí nghiệm được lặp lại trong 4 bể tuần hoàn chứa 800 l nước biển, có độ mặn 15 ppt duy trì ở nhiệt độ 29 – 31,5oC, mỗi bể thả nuôi 80 con tôm. Tôm được cho ăn 4 lần/ngày ở mức thỏa mãn theo quan sát (3 – 8% khối lượng) vào lúc 7h, 10h, 13h và 17h bằng thức ăn thí nghiệm (Hình 1).
Hình 1: Thành phần thức ăn trong thí nghiệm 1
Kết quả cho thấy, khi giảm hàm lượng protein thô trong thức ăn cân bằng axit amin từ 40% xuống 34%, thành tích tăng trưởng, hệ số thức ăn của tôm thí nghiệm được duy trì ổn định. Kết quả thí nghiệm cho thấy có thể giảm tỷ lệ bột cá trong khẩu phần từ 14% xuống 7% bằng nguồn protein thay thế; giảm chi phí thức ăn tới 14%; tăng hiệu quả sử dụng protein lên 4% và giảm nitơ ammonia phát thải tới 10% (Hình 2).
Hình 2: Kết quả thí nghiệm 1
Nghiên cứu 2: Đánh giá tăng trưởng và hiệu quả sử dụng thức ăn của tôm trong điều kiện nuôi thương phẩm
Thí nghiệm nuôi tôm tại HTX Toàn Thắng được thực hiện trong 16 ao có diện trung bình 1.200 – 1.500 m2. Thí nghiệm gồm 4 nghiệm thức với 4 lần lặp lại: Thức ăn do Dự án sản xuất có 2 mức protein: 40% và 34% có tỷ lệ các axit amin thiết yếu được cân bằng từ nguồn bổ sung, và 2 loại thức ăn viên (CMF 01, CMF 02); tôm thí nghiệm có khối lượng trung bình 2 – 3 g/con, được nuôi với mật độ 75 con/m2 trong thời gian 3 tháng. Tôm được cho ăn 3 lần/ngày ở mức thỏa mãn bằng 4 loại thức ăn thí nghiệm (Hình 3).
Hình 3: Thành phần thức ăn trong thí nghiệm 2
Kết quả, tôm nuôi ao cho ăn thức ăn do Dự án sản xuất có hàm lượng protein thô 34 – 36%, cân bằng về axit amin cho kết quả tăng trưởng và hiệu quả sử dụng thức ăn tương đương với thức ăn cao đạm và thức ăn viên công nghiệp. Thức ăn với 34 – 36% protein thô cân bằng axit amin sử dụng các nguồn nguyên liệu thay thế bột cá là loại thức ăn hiệu quả nhất, cải thiện trên 13,2 – 83,7% lợi nhuận so với thức ăn thương mại đối chứng và có thể được sử dụng hiệu quả cho nuôi TTCT ở mô hình mật độ trung bình, khoảng 75 con/m2 tại Việt Nam.
Hình 4: Phân tích hiệu quả kinh tế thức ăn Evonik 34% CP, tăng lợi nhuận 84% so với thức ăn viên 01
Sử dụng các loại axit amin tổng hợp như AQUAVI® Met-Met, L-Lys, L-Thr giúp cân đối hàm lượng các axit amin thiết yếu theo nhu cầu đã giúp cải thiện chất lượng thức ăn nuôi tôm ở cả góc độ tăng trưởng, hiệu quả kinh tế và môi trường. Thức ăn cân bằng axit amin, có hàm lượng protein thô từ 34 – 36%, tỷ lệ bột cá 7% là phù hợp cho mô hình nuôi TTCT ở mật độ trung bình, khoảng 75 con/m2. Trong thời gian tới, cần thêm các nghiên cứu thức ăn cân bằng axit amin và protein thấp cho mô hình nuôi tôm ở mật độ cao hơn, góp phần phát triển nuôi tôm bền vững, hiệu quả tại Việt Nam.
Thanh Phương