(TSVN) – Chất lượng nước ao nuôi đóng vai trò quan trọng trong việc tạo môi trường sống tốt nhất cho tôm, giúp tôm phát triển khỏe mạnh, phòng chống nhiều loại bệnh.
Nước nguồn được vận chuyển qua lưới lọc vào ao lắng để hạn chế rác và ngăn chặn sinh vật tự nhiên xâm nhập. Quá trình để lắng sẽ từ 3 – 5 ngày, thời gian này các chất hữu cơ có đủ thời gian để phân hủy muối dinh dưỡng cho sự phát triển của tảo, đồng thời giúp tiêu giảm bớt mật độ của vi khuẩn gây bệnh. Cần thiết nếu có thể chạy quạt nước để cung cấp thêm ôxy hòa tan để thúc đẩy quá trình phân hủy của các vật hữu cơ, vậy nên thời gian lắng càng lâu thì hiệu quả càng cao. Quá trình bơm nước qua ao nuôi nên sử dụng túi lọc hoặc vải kate để có thể loại bỏ các địch hại, vật chủ trung gian gây bệnh hay vi sinh vật cạnh tranh…
Trong 3 ngày đầu, tiến hành chạy quạt liên tục để giáp xác và trứng cá nở hết rồi tiến hành cho rotenone (rễ cây thuốc lá); saponin; hay có thể một số hóa chất với liều lượng vừa phải.
Cần đảm bảo nguồn nước tốt nhất cho sự sinh trưởng của tômẢnh: ST
Sau khoảng 2 ngày sau khi diệt tạp, tiến hành diệt khuẩn để loại trừ bớt mầm bệnh có trong ao. Người nuôi có thể sử dụng các chất diệt khuẩn như TCCA, Chlorine, BKC, Iodine, PVP-Iodine, thuốc tím… để có thể xử lý vi khuẩn hiệu quả. Tuy nhiên, Chlorine được người nuôi sử dụng phổ biến nhất hiện nay, với pH < 7,5, liều lượng của Chlorine cần để xử lý khoảng 25 – 30 ppm, có thể tăng giảm tùy thuộc vào hàm lượng chất hữu cơ và độ pH của nước. Ở các vùng nuôi xuất hiện bệnh hoại tử gan tụy cấp tính thì nên sử dụng BKC liều lượng 0,3 ppm.
Nước bị đục: Khi độ đục trong nước cao, người nuôi cần tiến hành thay nước. Tuy nhiên không phải thay lúc nào cũng được mà cần phải chọn lựa thời điểm để thay. Nên cấp vào thời điểm nước sông đang lớn, tránh thời điểm lũ đang về. Ngoài ra, để xử lý những chất lơ lửng trong ao, người nuôi có thể sử dụng muối vô cơ như nhôm sunfat để tạo chất kết tủa, lắng tụ.
Nếu độ đục trong ao nuôi thấp, cần kiểm tra lại độ pH thấp. Trong trường hợp độ pH thấp cần được bón thêm vôi kết hợp với bón phân, sử dụng hóa chất gây màu nước nhằm mục đích cung cấp chất dinh dưỡng đồng thời kích thích sự phát triển của tảo để tăng độ đục đến mức tiêu chuẩn.
Bên cạnh đó, cần gom tụ các chất thải, tránh sự khuấy động trong ao, loại bỏ các chất thải ra khỏi ao nuôi. Song song với đó là quản lý tốt lượng thức ăn và màu nước trong ao nuôi.
Xuất hiện bọt trắng: Hiện tượng nổi bọt trắng hình thành là do lượng khí độc H2S nổi lên tạo bọt bong bóng lâu tan, gây thiếu lượng ôxy hòa tan trong ao nuôi. Thường H2S hình thành từ lượng chất thải tích trữ quá lâu dưới đáy ao, khiến tôm khó hô hấp và dễ nhiễm độc. Bên cạnh đó, hiện tượng tảo tàn cũng là nguyên nhân khiến ao tôm có bọt trắng xuất hiện, đây là yếu tố khiến chất lượng nước xấu đi, tạo nên các bọt trắng lâu tan dù có chạy quạt nước.
Khi phát hiện bọt nhớt trong ao tôm, cần kiểm tra trong ao có xuất hiện các loại khí độc như H2S, NH3. Nếu có thì sử dụng chế phẩm sinh học để hấp thụ khí độc với liều lượng theo hướng dẫn ghi trên bao bì. Đồng thời, giảm lượng thức ăn xuống còn 1/2 so với mức thông thường trong quá trình xử lý đến khi hết lượng khí độc thì tăng lượng thức ăn trở lại bình thường.
Khi bọt nổi dày lúc quạt tạt vào bờ thì cần vớt bọt khỏi ao. Vớt váng tảo tàn nổi trên mặt ao. Thay nước một phần nếu có thể. Tăng cường chạy và ôxy đáy để cung cấp đủ ôxy hòa tan, tối thiểu trên 4 ppm. Rải vôi ở các khu vực có quy tụ chất thải, bùn đáy ao, nhất là khi pH nước ao thấp, duy trì pH trong khoảng 7,5 – 8,3. Đồng thời, bổ sung thêm các loại vitamin, khoáng chất và men tiêu hóa có lợi vào khẩu phần thức ăn của tôm, giúp tôm hồi phục sức khỏe, cải thiện hệ miễn dịch tiêu hóa và kích thích ăn bình thường.
Nguyễn Hằng