(TSVN) – Đây là một trong những giải pháp mà tỉnh Quảng Ninh đang triển khai, nhằm giúp phát huy tiềm năng thế mạnh về nuôi biển, cùng đó tạo đà cho ngành du lịch phát triển, vừa tạo công ăn việc làm vừa tăng thu nhập chính đáng cho người dân, những người mà đã gắn bó mật thiết với biển.
Ngoài cảnh quan tự nhiên, đảo Phất Cờ nằm trên vịnh Bái Tử Long còn được biết đến là mô hình tiên phong ứng dụng công nghệ tiên tiến trong nuôi biển một số loài thủy, hải sản kết hợp làm du lịch. Tại đây, HTX Phất Cờ được thành lập từ năm 2017 với mục tiêu chung là hỗ trợ, giúp đỡ hội viên cùng phát triển sản xuất. Với quy chế hoạt động chặt chẽ, HTX hướng đến việc vừa sản xuất vừa bảo vệ môi trường vùng nuôi.
Trang trại nuôi biển và trải nghiệm của HTX Phất Cờ. Ảnh: ST
Đặc biệt, HTX Phất Cờ đã kết hợp với Tập đoàn nhựa Super Trường Phát nhằm đầu tư, xây dựng mô hình trang trại nuôi biển kết hợp với du lịch cùng các xã viên. Trang trại nổi được xây dựng trên diện tích 5 ha gồm nhiều phân khu: Nhà điều hành kết hợp đón khách 240 m2 với sức chứa trên 60 người; lồng phục vụ khách tham quan bơi, tắm biển; bè check-in với diện tích 16 m2. Để tăng hiệu quả kinh tế trên một diện tích sản xuất, HTX Phất Cờ đã thử nghiệm thành công việc nuôi xen canh giữa hàu Thái Bình Dương và rong sụn. Một mặt phá thế độc canh của con hàu, giảm sức tải của môi trường do nuôi một đối tượng hàu ở mật độ cao dễ phát sinh dịch bệnh và thiếu thức ăn; mặt khác, tạo ra một ngành hàng mới có giá trị là rong sụn. Đây là phần diện tích thử nghiệm nuôi các loài thủy sản mới có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên, đồng thời cũng là nơi xây dựng mô hình trình diễn các loại vật liệu nổi kết hợp với du lịch trải nghiệm. Đến tham quan, du khách được trao đổi kinh nghiệm thiết kế, vận hành, quản lý mô hình nuôi. Đặc biệt, có thể được trải nghiệm câu cá trên bè và thưởng thức những sản phẩm do tự tay mình khai thác, chế biến…
Được triển khai từ năm 2016, đến nay mô hình NTTS thân thiện môi trường gắn với du lịch trải nghiệm đã có 7/32 nhà bè được lắp đặt hoàn thiện và đi vào hoạt động tại Vung Viêng, Vịnh Hạ Long thu hút hàng trăm lượt khách du lịch tham quan mỗi ngày. Khác với các nhà bè truyền thống của ngư dân làng chài trước đây, tất cả các nhà bè trong dự án đều được làm bằng vật liệu thân thiện với môi trường và đảm bảo tính thống nhất, thẩm mỹ cao cho hoạt động du lịch. Ông Tăng Văn Phiến, Chủ tịch HTX dịch vụ du lịch Vạn Chài cho biết: “Việc triển khai mô hình này là giải pháp thiết thực để nâng cao thu nhập cho người dân làng chài, gia tăng sức hút về du lịch, góp phần ổn định và hỗ trợ công ăn việc làm cho người dân làng chài sau tái định cư cũng như hỗ trợ cải thiện quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên vịnh Hạ Long”.
Thực hiện đúng mục tiêu của mô hình là thay vì hướng tới mục tiêu tạo ra sản lượng nuôi tối đa, mô hình NTTS thí điểm này đã và đang được phát triển thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, gắn với nền tảng hoạt động du lịch sinh thái cộng đồng vốn đã có sẵn mà HTX Vạn Chài đã tổ chức trước đây để phục vụ khách đến tham quan vịnh Hạ Long. Hoạt động du lịch đặc biệt và giàu tiềm năng đã thu hút được nhiều du khách đến tham quan thưởng ngoạn. Du khách đến tham quan làng chài sẽ được rong thuyền nan vào thăm khu NTTS, được cùng ngư dân chăm cá, thả mồi và thưởng thức không gian thanh bình tuyệt vời của làng chài độc đáo này. Vào tháng cao điểm mùa du lịch từ tháng 8 đến tháng 4 hàng năm, làng Vung Viêng đón khoảng 18.000 lượt khách/tháng. Thậm chí có ngày cao điểm đón trên 1.000 lượt khách/ngày, ông Phiến cho biết thêm.
Vân Anh