(TSVN) – Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu đã cấm sử dụng ethoxyquin làm chất chống ôxy hóa. Các công ty thức ăn chăn nuôi thủy sản đang ráo riết tìm kiếm các giải pháp bền vững để thay thế chất chống ôxy hóa tổng hợp và ethoxyquin.
Chất chống ôxy hóa đang được sử dụng rộng rãi trong ngành NTTS hiện nay. Các hợp chất này có khả năng hạn chế các tác động của stress ôxy hóa – nguyên nhân gây ra các gốc tự do (ROS) làm tổn thương và rối loạn chức năng bên trong sinh vật. Các chất chống ôxy hóa được sử dụng đển bảo quản thức ăn, duy trì chất lượng của các hợp chất dinh dưỡng ở mức tối đa. Thông qua tiếp xúc với các gốc tự do và ôxy hóa, các chất kháng ôxy hóa sẽ dọn dẹp các gốc tự do và khử chúng bằng cách tạo ra nguyên tử hydro.
Polyphenol là những phân tử chống ôxy hóa hiệu quả nhờ các nhóm phenol. Trong số các nguồn polyphenol tự nhiên, chiết xuất từ hạt và vỏ quả nho được sử dụng rộng rãi vì chúng có hàm lượng polyphenol cao, đặc biệt là tannin cô đặc. Trong số các tannin cô đặc, procyanidin, đặc biệt là hợp chất oligo-procyanidin (OPC), là một trong những chất chống ôxy hóa mạnh nhất. Trung tâm thí nghiệm Innocon, Chilê đã tiến hành nghiên cứu để đánh giá hiệu lực chống ôxy hóa của Olpheel Anto-Ox, một phụ gia thức ăn giàu OPC.
Thử nghiệm đánh giá tác dụng chống ôxy hóa của Olpheel Anti-Ox (OAO) bằng cách đưa thức ăn ép đùn vào thiết bị Oxitest ở nhiệt độ 900C và 6 bar ôxy trong 18 giờ. Qua đó xác định thời gian cảm ứng ôxy hóa – thời gian cần thiết để các phản ứng ôxy hóa chất béo sơ cấp bắt đầu xảy ra trong mẫu thức ăn. Thời gian càng dài, thức ăn càng có khả năng chống lại quá trình ôxy hóa.
Để đo được hiệu quả của các chất chống ôxy hóa, tiến hành đánh giá 4 nghiệm thức:
*Đối chứng âm: thức ăn không có chất chống ôxy hóa
*Đối chứng dương: thức ăn đối chứng + 500 ppm TBHQ (tertiary butylhydroquinone) + 3 ppm BHT (Butylated hydroxytoluene) + 1.300 ppm Vitamin E.
*OAO 50 ppm: thức ăn đối chứng + 50 ppm Olpheel Anti-Ox
*OAO 125 ppm: thức ăn đối chứng + 125 ppm Olpheel Anti-Ox
Về quá trình ôxy hóa thức ăn (hình trên), cả hai nghiệm thức 50 và 125 ppm Olpheel Anti-Ox đều hiển thị kết quả tương tự và vượt trội hơn nghiệm thức còn lại (nghiệm thức đối chứng âm và dương).
Từ các kết quả trên, nhóm nghiên cứu tiếp tục thử nghiệm để đánh giá tác động của Olpheel Anti-Ox đối với thời hạn sử dụng của thức ăn ép đùn. Họ tiến hành phân tích ôxy hóa khác trong thiết bị Oxitest ở nhiệt độ 90, 100 và 1200C, xác định thời gian cảm ứng ở nhiệt độ này với áp suất ôxy 6 bar. Do không có sự khác biệt đáng kể về thời gian cảm ứng ôxy hóa giữa Olpheel Anti-Ox 50 ppm và 125 ppm nên lựa chọn liều lượng 50 ppm sẽ là phương án tiết kiệm chi phí hơn. Trong thử nghiệm thứ 2, nhóm chuyên gia đã sử dụng liều lượng 30 ppm và cũng ghi nhận hiệu quả tương tự.
Olpheel Anti-Ox 30 ppm kéo dài thời hạn sử dụng của thức ăn ép đùn lên 141 ngày trong điều kiện bảo quản 250C, tương ứng với thời gian cần thiết để quá trình ôxy hóa bắt đầu suốt giai đoạn bảo quản. Khoảng thời gian này được đánh giá là dài vì thức ăn ép đùn được tiêu thụ nhanh trong quá trình nuôi cá hồi hoặc tôm. Điều này chứng tỏ Olpheel Anti-Ox là chiến lược bảo quản thức ăn hiệu quả.
Olpheel Anti-Ox, một chất chống ôxy hóa từ hạt và vỏ quả nho đã có tác dụng bảo vệ thức ăn chống lại quá trình ôxy hóa hiệu quả; đồng thời là giải pháp thay thế các chất chống ôxy hóa tổng hợp và ethoxyquin để bảo quản thức ăn ép đùn.
Dũng Nguyên
Theo InternationalAquaFeed