(TSVN) – Đó là dự báo được Rabobank đưa ra trong Báo cáo “Thương mại thủy sản toàn cầu: Những người chiến thắng trong thập kỷ ngày càng có ảnh hưởng”.
Theo báo cáo của Rabobank, nuôi trồng thủy sản cao cấp (cá hồi, tôm) là động lực chính cho tăng trưởng thương mại thủy sản toàn cầu trong những năm qua.
Thương mại cá hồi toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trưởng. Ảnh: AquaBounty
Ngành cá hồi từ năm 2016 đến nay tăng trưởng nhanh nhờ nhu cầu các loại protein lành mạnh và tiện lợi ngày càng tăng. Trong giai đoạn trước đại dịch COVID-19, từ năm 2013 – 2019, thương mại cá hồi nuôi đạt 4,8 tỷ USD/năm. Năm 2020, thương mại cá hồi giảm 8,4% so năm 2019, nhưng đã tăng trưởng trở lại trong năm 2021. EU và Anh là thị trường tiêu dùng cá hồi hàng đầu thế giới trong năm 2021, đóng góp 41% tổng trị giá nhập khẩu; trong khi nhập khẩu cá hồi của Mỹ đạt mức cao kỷ lục 505.571 tấn, với trị giá nhập khẩu tăng 27%, mức tăng trưởng cao nhất trong một thập kỷ.
Trong khi đó, tăng trưởng thương mại tôm toàn cầu tăng thêm 7,6 tỷ USD từ năm 2013 tới nay, chủ yếu nhờ nhu cầu cao và sản lượng tăng. Trong năm 2021, thương mại tôm toàn cầu đạt 24 tỷ USD và tôm trở thành loài thủy sản được giao dịch thương mại lớn nhất thế giới. Mỹ và Trung Quốc là 2 thị trường nhập khẩu tôm hàng đầu thế giới, tổng cộng chiếm 1 triệu tấn.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, nhập khẩu tôm của Mỹ sẽ giảm so mức kỷ lục vào năm 2021 và trở lại bình thường trong 2 – 3 năm tới, chủ yếu là do kinh tế khó khăn và lạm phát cao khiến một bộ phận người tiêu dùng giảm chi tiêu. Trong khi nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc sẽ phục hồi.
Trong dài hạn, Rabobank dự báo, thương mại cá hồi và tôm toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trưởng. Trong đó, Mỹ và Trung Quốc được cho là vẫn “còn nhiều tiềm năng tiếp tục định hình các luồng thương mại thủy sản toàn cầu và sẽ là các động lực chính trong ngắn và trung hạn”.
Hải Băng