(TSVN) – Những tháng cuối năm, doanh nghiệp thủy sản đứng trước khó khăn khi đơn hàng giảm, lãi suất tăng. Đây không phải là khó khăn của năm tới mà là khó khăn của cuối năm 2022 chuyển sang năm 2023. Nhưng các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp không nên quá bi quan mà phải tiếp tục thích ứng và đón bắt các cơ hội trong thời gian tới.
Theo VASEP, nếu năm 2021 xuất khẩu thủy sản ngược dòng vào cuối năm để về đích với con số kỷ lục 8,9 tỷ USD thì sang năm 2022 hoàn toàn ngược lại, tăng tốc ngay đầu năm để đạt mốc 10 tỷ USD chỉ trong 11 tháng. Trong số này, tăng trưởng mạnh nhất là ngành cá tra với tốc độ đạt 77% (trong 10 tháng), tương đương kim ngạch xuất khẩu 2,1 tỷ USD. Hai yếu tố quan trọng giúp xuất khẩu cá tra tăng trưởng mạnh đó là xung đột Nga – Ukraine làm nguồn cung cá thịt trắng hạn chế tạo điều kiện cho sản phẩm cá tra Việt Nam mở rộng thị trường. Nhu cầu cao khiến giá xuất khẩu cá tra trung bình tăng 50% so cùng kỳ. Một ngành hàng chủ lực cũng ghi nhận sự tăng trưởng 18% và đạt giá trị 3,8 tỷ USD. Cùng đó, lần đầu tiên, xuất khẩu cá ngừ đạt con số kỷ lục 1 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm, tăng đến 49% so cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, nhóm mực và bạch tuộc cũng tăng trưởng 33% đạt 630 triệu USD…
Kết quả khảo sát trên 117 doanh nghiệp thủy sản theo hình thức trực tiếp và online, kết quả có tới 71% số doanh nghiệp cho rằng triển vọng ngành thủy sản năm 2023 sẽ khó khăn; Ảnh: Phan Thanh Cường
Đạt được kết quả này, theo các chuyên gia do yếu tố tài chính của các thị trường và giá tác động lên doanh số xuất khẩu thủy sản. Bên cạnh đó, do doanh nghiệp kịp thời nắm bắt thông tin từ phía thị trường và đáp ứng đúng mức, đúng thời điểm. Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP nhận định, có 4 bài học cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam đó là: Thứ nhất là sự chủ động trong cả nguyên liệu và sản xuất. Khi dịch COVID-19 lên đỉnh điểm, doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam đã chủ động kiến nghị các cơ quan ban ngành, Chính phủ cần phải tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp nuôi trồng thuỷ sản trong giai đoạn đó. Thực tế, việc này giúp doanh nghiệp phục hồi nhanh hậu COVID-19, việc chủ động giúp doanh nghiệp nắm bắt các cơ hội. Thứ hai là tính linh hoạt, kiên trì với thị trường, xu hướng tiêu dùng. Thứ ba là tính hiện đại, doanh nghiệp thuỷ sản Việt đã theo đuổi mục tiêu này nhiều năm, tính hiện đại cũng là điều giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có trình độ chế biến cao trên thế giới. Thứ tư là tính bền vững bao gồm sản xuất xanh đi kèm trách nhiệm xã hội.
Thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Ngành thủy sản 2023: Nhận diện thách thức và giải bài toán đơn hàng giảm, lãi suất tăng” vừa được tổ chức tại Cần Thơ cho thấy; sau giai đoạn tăng mạnh nửa đầu năm, giá trị xuất khẩu và các đơn hàng của các doanh nghiệp ngành thủy sản đã và đang có xu hướng giảm dù đã vào giai đoạn cao điểm tiêu dùng cuối năm. Doanh số bán hàng trùng xuống khi người tiêu dùng ở nhiều nước thắt lưng buộc bụng để ứng phó với tình trạng vật giá leo thang. Ngoài ra, đồng nội tệ của EU, Anh, Nhật Bản và Hàn Quốc liên tục mất giá so với USD đã làm giảm sức mua của các thị trường trọng điểm này. Ở trong nước, lượng tồn kho của các doanh nghiệp thủy sản cũng đang tăng, trong khi khâu bảo quản, lưu kho và hậu cần nói chung (logistics) vẫn là điểm yếu của nhiều doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn phải huy động nhiều vốn vay để tài trợ nguồn hàng, dẫn tới những khó khăn về tài chính khi tín dụng thắt chặt, lãi suất tăng mạnh khiến cho chi phí đi vay cao và ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh.
Ngoài ra, với đặc thù phải huy động nhiều vốn vay để tài trợ nguồn hàng, không ít doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn thời tín dụng thắt chặt và lãi suất tăng mạnh đã ảnh hưởng lớn đến kế hoạch kinh doanh và chi phí vốn của doanh nghiệp. Kết quả khảo sát trên 117 doanh nghiệp thủy sản theo hình thức trực tiếp và online, kết quả có tới 71% số doanh nghiệp cho rằng triển vọng ngành thủy sản năm 2023 sẽ khó khăn. Hơn 22% doanh nghiệp đánh giá sẽ rất khó khăn và chỉ khoảng 7% doanh nghiệp lạc quan vào bức tranh ngành thủy sản trong thời gian tới. Ba nguyên nhân khiến các doanh nghiệp lo ngại trong hoạt động sản xuất kinh doanh từ nay đến 2023 gồm: Biến động tỷ giá, nguồn vốn thắt chặt; kinh tế thế giới suy thoái, lạm phát tăng làm giảm nhu cầu dẫn đến tồn kho tăng và cạnh tranh sẽ gay gắt hơn từ những đối thủ có chi phí thấp và giá bán rẻ như Ecuador hay Ấn Độ.
Bà Trương Thị Kim Liên, đại diện Công ty CP Mekong Logistics cho biết, chuỗi logistics ở ĐBSCL chưa phát triển. Hơn 70% lượng hàng xuất khẩu của khu vực phải vận chuyển lên cụm cảng khu vực TP Hồ Chí Minh và cảng Cái Mép – Thị Vải, gây tốn thời gian và chi phí tăng cao, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh hàng hóa. Đây cũng là một rào cản lớn đối với hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp.
Hóa giải những thách thức về phương diện logicstis của ngành thủy sản, theo bà Trương Thị Kim Liên, cần có sự kết nối giữa các hiệp hội thuộc ngành thủy sản, Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam (VLI)… tìm đầu ra cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản. Ngoài ra, cơ quan quản lý giảm lãi suất ngân hàng cho các doanh nghiệp logistics, nâng cấp hệ thống giao thông và giảm giá điện cho các công ty cung cấp dịch vụ kho lạnh. Về phía các doanh nghiệp, cần thay đổi cách thức sử dụng phương thức vận chuyển, tập trung về bãi tập kết tại các cảng ở khu vực Cần Thơ sau đó lên tàu đi thẳng ra Cái Mép, tiết kiệm chi phí rất nhiều.
Ông Đào Ngọc Long, Giám đốc điều hành Greenpan Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp cần cải tiến, đầu tư công nghệ sản xuất xanh, sạch, nâng cao năng lực cạnh tranh, vượt qua rào cản của các thị trường xuất khẩu. Đây là vấn đề cấp thiết của doanh nghiệp ngành thủy sản. Hiện nay, CE, UL là các tiêu chuẩn sản xuất cao nhất của châu Âu, Mỹ, kho lạnh của doanh nghiệp đạt được các tiêu chuẩn này sẽ tự tin xuất khẩu sang nhiều thị trường trên thế giới.
Phát huy hiệu quả việc liên kết chuỗi trong ngành thủy sản cũng là một hướng đi hiệu quả để vượt qua những thách thức hiện nay. Như chia sẻ của ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, trong ngành tôm, Công ty CP Thực phẩm Sao Ta rất thành công nhờ sớm triển khai hệ thống nuôi tôm ở quy mô trang trại, trên cơ sở đó giúp doanh nghiệp một phần chủ động được nguồn nguyên liệu, thông qua đó hiểu hơn về về chuỗi sản xuất của chính doanh nghiệp. Còn với ngành cá tra, 60% lượng nguyên liệu cá tra xuất khẩu được kiểm soát bởi công ty chế biến trực tiếp thông qua hệ thống trang trại của họ. Chính điều này giúp tăng tính chủ động trong khâu sản xuất, tránh các biến động như trước đây khi có thời điểm tình hình ngành cá tra lộn xộn về giá cả, chất lượng… Nếu doanh nghiệp nuôi theo quy mô trang trại sẽ dễ có các chứng nhận quốc tế như ASC, BAP… là những loại giấy thông hành giúp doanh nghiệp thâm nhập sâu hơn vào các thị trường khó tính như EU.
Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, nhiệm vụ của những người làm thủy sản không chỉ dừng ở giá trị xuất khẩu. Ngoài mục tiêu giảm khoảng 1 triệu tấn khai thác đến năm 2030, ngành thủy sản đồng thời nghiên cứu phương án giảm tổn thất sau thu hoạch, tăng cường công tác bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản…
>> Theo các chuyên gia, dư địa của thị trường đối với thủy sản còn nhiều, cơ hội không ít, nhưng để giành được điều đó trong bối cảnh phải phát triển bền vững và phải cạnh tranh với không ít quốc gia thì ngành phải vượt qua những thách thức. Trọng tâm cần giải quyết trong năm 2023 là các vấn đề về nguồn vốn, sự linh hoạt về sản xuất của doanh nghiệp trong ngắn hạn và dài hạn; các vấn đề liên quan đến thị trường xuất khẩu cũng như giải pháp logistics, lưu kho...
Hải Lý