(TSVN) – Điều kiện thị trường không thuận lợi đang khiến nhiều nông dân Trung Quốc chuyển cá rô phi sang nuôi các loài khác và tổng sản lượng có thể sẽ giảm đáng kể vào năm 2023.
Ông Liu Rongjie, Chủ tịch của Hainan Xiangtai Fishery, một trong những nhà xuất khẩu cá rô phi lớn nhất khu vực, đã đưa ra một triển vọng không mấy lạc quan cho nghề nuôi cá rô phi trong năm tới.
“Từ quý III đến quý IV, xuất khẩu cá rô phi của Trung Quốc đã giảm mạnh và giá tiếp tục giảm xuống dưới giá thành sản xuất”, ông Liu cho biết tại Hội nghị Thượng đỉnh Thủy sản Trung Quốc ở Hạ Môn vào ngày 16/11 vừa qua.
Nhiều nông dân Trung Quốc đã tạm dừng thả nuôi cá rô phi do chi phí sản xuất liên tục tăng cao
Quý IV là cao điểm trong mùa có nhiều đơn hàng xuất khẩu nhất, đặc biệt là từ nay đến tháng 3 năm sau. Tuy nhiên, ông Liu cho biết xuất khẩu năm nay giảm chủ yếu là do lạm phát toàn cầu và xung đột Nga – Ukraine, cũng như các biện pháp kiểm soát COVID-19 của Trung Quốc.
“Xuất khẩu cá rô phi đang đối mặt với những thách thức lớn. Nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng mạnh khiến giá thức ăn tăng lên hơn 6.000 CNY/tấn (843 USD/tấn), đây là mức chưa từng thấy. Chi phí sản xuất liên tục tăng, cá từ tháng 6 xuống giá nên năm nay người nuôi lỗ nặng. Theo tính toán của chúng tôi, nếu Hải Nam thu hoạch 1.400 tấn cá mỗi ngày, thiệt hại của toàn bộ khu vực Hải Nam sẽ lên tới 200 triệu CNY”, ông Liu nói.
Theo thống kê, năm 2021, tổng sản lượng cá rô phi của Trung Quốc là 1,66 triệu tấn, với 738.000 tấn được sản xuất ở tỉnh Quảng Đông, 316.000 tấn ở Hải Nam và 253.000 tấn ở Quảng Tây. Cũng trong năm này, Trung Quốc xuất khẩu 78.834 tấn sản phẩm cá rô phi đông lạnh sang thị trường nước ngoài, giảm so với mức 92.070 tấn của năm 2020. Giá trị xuất khẩu giảm từ 191 triệu USD năm 2020 xuống còn 172 triệu USD năm 2021.
Trong 10 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc đã xuất khẩu 60.371 tấn cá rô phi đông lạnh, giảm so với 64.759 tấn cùng kỳ năm ngoái. Giá trị xuất khẩu giảm từ 140 triệu USD năm ngoái xuống còn 137,2 triệu USD.
Theo ông Liu, việc bán các sản phẩm cá rô phi tại thị trường nội địa cũng đang đối mặt với những thách thức do loài này không cạnh tranh được với các loài cá nước ngọt khác. “Các loài như cá lóc, cá vược và cá da trơn phù hợp hơn để chế biến tiêu thụ trong nước. Nông dân sẽ chọn nuôi các loài khác, dẫn đến sản lượng cá rô phi giảm trong năm tới. Sản xuất cá rô phi ở Đông Nam Á cũng đang tăng lên và việc Indonesia phát triển toàn bộ chuỗi cung ứng từ nuôi trồng đến chế biến cũng sẽ có tác động đến xuất khẩu của Trung Quốc”, ông Liu nói thêm.
Cuối cùng, ông cũng vẫn tin rằng cá rô phi Trung Quốc vẫn có nền tảng thị trường. Người tiêu dùng nước ngoài đã nhận diện sản phẩm này, người tiêu dùng trong nước đang dần chấp nhận và triển vọng thị trường vẫn có những điểm sáng.
Hải Phong
Theo Undercurrent News