Chủ động tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Năm 2022 đã và đang ghi nhận là một năm thành công rực rỡ của ngành thủy sản Việt Nam với kết quả nuôi trồng, xuất khẩu kỷ lục và mở ra những trang mới quá trình hội nhập sâu rộng vào thị trường toàn cầu.

Tăng trưởng bền vững

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, nửa đầu tháng 11/2022, xuất khẩu thủy sản đạt 369.437.778 USD, giảm 15,64% so cùng kỳ năm trước. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/11, giá trị kim ngạch thủy sản cả nước đạt 9,752 tỷ USD, tăng 29,74%, còn 248 triệu USD là chạm mốc 10 tỷ USD. Xuất khẩu thủy sản tăng trưởng bền vững, thể hiện trong việc kim ngạch tăng trưởng đồng đều trên nhiều lĩnh vực, ngành hàng. Xuất khẩu hải sản tăng 34%; xuất khẩu cá tra tăng 80%; xuất khẩu tôm tăng 19%, xuất khẩu mực, bạch tuộc tăng 32%.

Có thể thấy, chỉ sau 10 tháng đầu năm xuất khẩu thủy sản đã đạt 3 cột mốc quan trọng. Thứ nhất, vượt qua kỷ lục xuất khẩu thủy sản trong một năm đạt được 8,9 tỷ USD (năm 2021). Thứ hai là lần đầu tiên trong lịch sử, xuất khẩu thủy sản vượt mốc 9 tỷ USD trong một năm. Và thứ ba là xuất khẩu trong 10 tháng đã vượt kế hoạch cho cả năm là 9 tỷ USD.

Tính đến 15/11/2022, xuất khẩu thủy sản đạt 9,7 tỷ USD, tăng 29,74% so cùng kỳ năm 2021. Ảnh: Phan Thanh Cường

Đạt được thành tựu tăng trưởng ấn tượng này, theo các chuyên gia có tác động lớn từ những biến động trên thị trường thế giới. Nhu cầu thủy sản tăng cao trong nửa đầu năm nay, cộng với tình trạng lạm phát, giá năng lượng tăng cao trên toàn cầu, xung đột Nga – Ukraine…, khiến cho giá nhiều loại thủy sản trên thế giới nhìn chung tăng rất mạnh. Tuy nhiên, đà tăng trưởng khá mạnh mẽ ngành thủy sản đã bị ngắt ngang từ quý IV. Thậm chí những tháng cuối năm này doanh số xuất khẩu tôm còn có thể thấp hơn cùng kỳ năm trước.

Việt Nam hiện có hơn 830 nhà máy chế biến thủy sản đạt quy mô công nghiệp và đưa Việt Nam trở thành thành quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 của thế giới. Suốt trong 3 năm qua, dù đại dịch thế kỷ, chiến tranh nổ ra tại nhiều nơi trên thế giới, ngành thủy sản vẫn luôn đứng trong top 10 ngành xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Hội nhập sâu rộng

Năm 2022, Trung ương và các địa phương đồng loạt tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người “kiến trúc sư” cho quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam. Sinh thời, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã sớm nhận định về một thế giới đa cực, đa dạng từ đó đề ra chủ trương hội nhập quốc tế theo mô hình “hoa sen nở”, làm bạn với các quốc gia láng giềng và dần mở rộng bang giao khắp thế giới.

Từ chỗ những năm 1980, sản xuất thủy sản chỉ cung ứng nội địa, người ngư dân đem dầu đi bán thay vì khai thác cá, thuyền nằm bờ do cung lớn hơn cầu, đến nay ngành thủy sản là mũi nhọn xuất khẩu của cả nền kinh tế. Sản phẩm thủy sản Việt Nam đang có mặt trên hàng trăm quốc gia, trong đó có 52 thị trường truyền thống (33 thị trường đạt trên 10 triệu USD, 16 thị trường đạt trên 100 triệu USD, 3 thị trường đạt trên 1 tỷ USD). Ngoài ra có 46 thị trường đang tăng trưởng nhanh.

Đặc biệt, các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia đang tạo ra những đòn bẩy cho nuôi trồng, sản xuất trong nước, đồng thời mở ra nhiều cánh cửa xuất khẩu thuận lợi. Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thụy Điển cho hay, Việt Nam đang chi phối cá tra nhập khẩu vào thị trường châu Âu. Hiện tại, không có đối thủ cạnh tranh đáng kể đối với Việt Nam trên thị trường này. Hầu hết các sản phẩm cá tra xuất khẩu sang Bắc Âu đều có xuất xứ từ Việt Nam. Vì vậy, Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ 1/8/2020 đang tạo cơ hội tốt hơn cho cá tra Việt Nam xuất khẩu sang EU khi các sản phẩm cá tra được giảm thuế về 0% theo lộ trình 3 năm.

Cá ngừ Việt Nam xuất khẩu sang EU cũng đang có những lợi thế nhờ Hiệp định EVFTA. Theo VASEP, sau khi sụt giảm trong quý II, xuất khẩu cá ngừ sang EU trong quý III đã phục hồi mạnh và tăng tới 47% so cùng kỳ, đạt 47 triệu USD. Một trong những nguyên nhân của sự tăng trưởng này là do các thị trường chuẩn bị vào mùa cao điểm cho dịp lễ cuối năm, trong khi nguồn cung cá ngừ cho thị trường EU từ khu vực EPO (Đông Thái Bình Dương) bị giảm do lệnh cấm veda kéo dài trong 12 ngày. EU đang có xu hướng tăng nhập khẩu cá ngừ từ châu Á vì giá cạnh tranh hơn so với cá ngừ Manta, Ecuador. Mà trong những nước xuất khẩu cá ngừ ở châu Á, cá ngừ Việt Nam nhờ có Hiệp định EVFTA, nên đang có sức cạnh tranh tốt hơn so với cá ngừ Philippines, Indonesia hay Thái Lan.

Chủ động trong liên kết tiêu thụ

2022 vẫn là một năm khó khăn thử thách đối với nền kinh tế thế giới khi chiến tranh leo thang tại châu Âu và dịch bệnh COVID-19 vẫn bùng phát tại một số quốc gia. Lạm phát tăng cao, chi phí đầu vào của ngành thủy sản tăng mạnh. Trong khi đó, ngành thủy sản Việt Nam nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung vẫn còn phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, chịu tác động trực tiếp từ chi phí vận chuyển, xăng dầu, nguyên liệu và tỷ giá hối đoái.

Nguồn: VASEP; Đồ họa: TSVN

Trong bối cảnh thị trường thế giới nhiều biến động, thời gian qua Chính phủ và các bộ ngành, chủ lực là Bộ NN&PTNT đã có nhiều chỉ đạo thực hiện việc xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng thủy sản trong nước và trên quy mô toàn cầu. Mới đây, Hội thảo “Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng thủy sản” với sự tham gia của 9 hội và hiệp hội ngành hàng thủy sản đã thống nhất về việc tăng cường liên kết để tạo động lực đưa ngành thủy sản lên tầm cao mới. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, cần phối hợp giữa các hội và hiệp hội với Bộ NN&PTNT phát huy tiềm năng lợi thế toàn ngành để phát triển nhanh và bền vững, hiện thực hóa mục tiêu Chiến lược phát triển thủy sản bền vững đến năm 2030.

Ngày 14/11/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký Quyết định số 1415/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Thúc đẩy Doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030”. Đề án phấn đầu tổ chức 10.000 lượt kết nối, giao thương với các mạng phân phối nước ngoài; hỗ trợ trên 10.000 sản phẩm xuất khẩu trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài; phấn đấu đến năm 2030, hàng hóa Việt Nam có mặt tại các chuỗi phân phối truyền thống và trực tuyến tại tất cả quốc gia có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia thương mại toàn cầu châu Âu cho biết: “Việc xuất khẩu trực tiếp vào các mạng phân phối toàn cầu là một thử thách không nhỏ, vì ngoài đáp ứng các tiêu chí xuất khẩu truyền thống, mỗi mạng phân phối còn có các tiêu chí riêng về sản phẩm của kênh họ phân phối, mà thông thường là cao hơn, khó khăn hơn đối với các nhà sản xuất chế biến. Song, việc trực tiếp xuất khẩu vào các kênh phân phối, các hệ thống siêu thị tại châu Âu, liên kết với các thương hiệu cung ứng danh tiếng toàn cầu sẽ giúp sản phẩm thủy sản Việt Nam tiếp cận trực tiếp với khách hàng trên thế giới và tạo uy tín thương hiệu bền vững cho sản phẩm của Việt Nam trên thị trường toàn cầu”.

>> Ước tính đến cuối tháng 11/2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản vào thị trường các nước thành viên Hiệp định CPTPP đạt khoảng 2,6 tỷ USD, tăng 40% so năm 2021 và tăng 13,6% so năm 2018. Theo đó, xuất khẩu vào từng nước trong khối cũng tăng trưởng hai con số so năm 2021, như: Nhật Bản tăng 33%, Canada tăng 67%, Australia tăng 53%, Malaysia tăng 34%, Mexico tăng 59% và đặc biệt đã mở cửa được thị trường Peru với giá trị gần 12 triệu USD, tăng 100%.

Nguyễn Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!