(TSVN) – Nuôi cá thát lát cườm bằng thức ăn công nghiệp có thể chủ động được nguồn thức ăn, đồng thời nguồn nước ít bị nhiễm bệnh, cá lớn nhanh, khỏe. Tuy nhiên, việc cho ăn và quản lý thức ăn đóng vai trò vô cùng quan trọng để tiết kiệm chi phí và tránh gây ô nhiễm môi trường nuôi.
Trong những ngày đầu khi mới thả xuống ao nuôi, cá có thể sử dụng nguồn thức ăn tự nhiên có sẵn trong ao đó là các loài phù du động thực vật, động vật đáy. Cá thát lát cườm là loài ăn thiên về động vật; thức ăn tốt nhất là cá tạp, nhưng trong quá trình nuôi cá có thể sử dụng được thức ăn công nghiệp. Tuy nhiên, trong tháng đầu tốt nhất nên cho cá ăn bằng cá tạp vì lúc này hệ tiêu hóa cá chưa phát triển việc cho cá ăn thức ăn công nghiệp làm cá dễ bị kiệt sức dẫn tới tỷ lệ hao hụt cao. Thời gian mới thả cần cho ăn cám công nghiệp dạng bột hoặc viên nhỏ nhất phù hợp cho cá. Cần kết hợp thức ăn tự chế và cám công nghiệp đều trong quá trình nuôi giúp cá thát lát phát triển nhanh hơn. Sau khi thả 12 giờ với lượng thức ăn 4% khối lượng thân khi cá mới thả không nên cho cá ăn nhiều làm cá rất dễ sình bụng. Sau 3 – 5 ngày tăng lên 7 – 10% trọng lượng thân.
Từ tuần thứ 3 trở đi, cho cá ăn thức ăn viên công nghiệp kích cỡ vừa với miệng của cá (theo hướng dẫn nhà sản xuất in trên bao bì), nên sử dụng thức ăn chìm, có hàm lượng đạm từ 25 – 30%, tỷ lệ phối hợp 30% thức ăn viên công nghiệp. Khẩu phần ăn thức ăn viên công nghiệp tính bằng 1,5 – 2%/ngày tổng trọng lượng thân. Có thể tăng giảm tỷ lệ thức ăn công nghiệp tùy theo điều kiện cụ thể.
Trong hai tuần đầu, mỗi ngày cho cá ăn 3 lần, sau đó cho ăn ngày 2 lần. Định kỳ một lần/tuần trộn thêm các loại khoáng chất, Vitamin C (1 – 2 g/kg thức ăn) và men tiêu hóa để tăng sức đề kháng cho cá. Nên cho cá ăn 2 lần/ngày, do cá hoạt động mạnh vào ban đêm nên cho ăn vào buổi sáng lượng thức ăn bằng 1/3 khẩu phần ăn trong ngày, buổi chiều bằng 2/3 trọng lượng khẩu phần ăn trong ngày.
Kiểm tra nhu cầu ăn bằng cách: Sau khi cho ăn 30 phút giờ, nếu trong sàng ăn còn thức ăn thì giảm lượng thức ăn, nếu sau 30 phút đã hết thức ăn thì nên tăng thêm lượng thức ăn. Thức ăn được cho vào sàng. Thường xuyên quan sát hoạt động ăn của cá, kiểm tra cá ăn bằng cách đặt thêm vài sàng ăn cố định trong ao để theo dõi mức độ ăn, kịp thời tăng giảm lượng thức ăn theo mức ăn của cá. Phải rửa sạch sàng ăn sau khi cá ăn (khoảng 1 – 2 giờ) và trước khi cho cá ăn bữa mới.
Một trong những lưu ý quan trọng khi cho cá ăn là không cho ăn quá nhu cầu, bởi sẽ gây lãng phí, ô nhiễm môi trường, làm giảm lượng ôxy hòa tan trong nước, tăng nhu cầu ôxy sinh hóa và vi khuẩn có hại. Chỉ nên cho cá ăn lượng thức ăn mà cá có thể ăn hết trong 25 phút.
Thức ăn cần được bảo quản nơi khô ráo, tránh ánh nắng trực tiếp. Trong điều kiện độ ẩm cao, thức ăn dễ bị mốc; do vậy quá trình vận chuyển, bảo quản tránh làm vỡ hay rách bao bì. Thời gian bảo quản thức ăn không quá 2 tháng. Tốt nhất, chỉ nên mua, phân phối và sử dụng thức ăn trong 1 tháng. Tuân thủ nguyên tắc “nhập trước, xuất trước”, nghĩa là bao thức ăn mua về trước phải dùng trước, bao hỏng hoặc quá hạn phải bỏ.
Thường xuyên quan sát, kiểm tra bờ ao, lưới chắn, cống cấp thoát nước, phát hiện sớm những vấn đề như lở bờ, hang hố rắn, chuột, mưa ngập tràn bờ để kịp thời tu bổ sửa chữa để tránh thất thoát cá ra ngoài. Thường xuyên tìm cách đuổi những loài chim ăn hại cá.
Theo dõi màu và mùi nước ao để điều chỉnh mực nước và thay nước kịp thời. Định kỳ hàng tuần thay nước mới cho ao, mỗi đợt thay từ 30 – 50% lượng nước ao. Khi thấy nước ao có mùi hôi hoặc màu xanh quá đậm hay màu nâu đen, phải tháo bỏ nước cũ và cấp ngay nước mới vào ao. Vào mùa mưa khi nồng độ pH giảm thấp dưới 6, có thể dùng vôi hòa nước lắng lấy nước trong và tạt đều xuống ao để pH trở lại trung tính.
Bích Hòa