(TSVN) – Trong ngày 16 – 17/12/2022, tại thành phố Hồng Ngự, UBND tỉnh Đồng Tháp và Bộ NN&PTNT đã tổ chức thành công Lễ hội cá tra lần thứ nhất năm 2022 với chủ đề “Vươn ra biển lớn” nhằm tôn vinh cá tra với kỷ lục xuất khẩu hơn 2,4 tỷ USD năm 2022 và bàn các giải pháp phát triển.
Trong ngày hội tôn vinh, con cá tra được ôn lại quá trình từ khai thác tự nhiên đến phát triển ngành công nghiệp nuôi, chế biến, xuất khẩu. Cá tra được nuôi từ khoảng năm 1940 với giống bắt trong tự nhiên. Sau năm 1975, cá giống tự nhiên cạn dần, việc nghiên cứu sản xuất nhân tạo được quan tâm và thành công vào giai đoạn 1995 – 1998, từ năm 2000 hình thành những vùng nuôi lớn ở ĐBSCL.
Một thời gian dài cá tra ít được coi trọng, chủ yếu bán ở chợ quê. Cũng do trước đây cá tra nuôi trong ao tù, thường gọi “cá dồ” tạp ăn và dễ nuôi. Sau này nuôi trong ao thay nước, thức ăn sạch nên cho thịt trắng, thơm ngon hơn. Khi thị trường mở cửa, doanh nghiệp đã giới thiệu loài cá này tới các đối tác nước ngoài.
Năm 1997, cá tra xuất khẩu được 1,6 triệu USD. Năm 2008, kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD và 10 năm sau, vào năm 2018 vượt mốc 2 tỷ USD với 2,26 tỷ USD. Những năm sau đó chao đảo với những biến động thị trường và năm 2022, xuất khẩu cá tra đạt mức kỷ lục mới với trên 2,4 tỷ USD, tăng khoảng 70% so với năm 2021.
Thu hoạch cá tra thương phẩm tại ĐBSCL. Ảnh: VC
Tỉnh Đồng Tháp có ngành kinh tế cá tra lớn nhất ĐBSCL, tính đến tháng 11/2022, diện tích nuôi 2.450 ha, sản lượng thu hoạch 505.000 tấn; xuất khẩu ước 270.077 tấn, kim ngạch 847 triệu USD đứng đầu nhóm nông sản xuất khẩu. Tỉnh hiện có 28 doanh nghiệp chế biến thuỷ sản (chủ yếu cá tra fillet đông lạnh xuất khẩu), tổng công suất hơn 500.000 tấn/năm với trên 25.000 lao động.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cho biết tỉnh đã chọn cá tra là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Lễ hội cá tra nhằm giới thiệu và tôn vinh hình ảnh, sản phẩm cá tra, ngành nghề truyền thống, khẳng định giá trị và thương hiệu cá tra Việt Nam. Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nông dân gặp gỡ chia sẻ thông tin thị trường, khoa học kỹ thuật để phát triển.
Số liệu của Tổng cục Thủy sản, diện tích thả nuôi cá tra trong năm 2022 ước 5.750 ha (bằng 101% so với cùng kỳ năm 2021), sản lượng thu hoạch 1,68 triệu tấn (bằng 114% so với cùng kỳ năm 2021), kim ngạch xuất khẩu 2,4 tỷ USD. Để phục vụ nuôi, ĐBSCL đã có 137 điểm quan trắc nước do Tổng cục Thủy sản và các địa phương thực hiện với tần suất định kỳ 2 lần/tháng.
Ước tính xuất khẩu cá tra năm 2022 trên 2,4 tỷ USD
Đối với cơ sở sản xuất giống cá tra bố mẹ, Tổng cục Thuỷ sản đã kiểm tra và cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện cho 2 cơ sở là Trung tâm Quốc gia giống thuỷ sản nước ngọt Nam Bộ và Công ty CP cá tra Việt Úc. Cả nước có 105 cơ sở sản xuất giống tập trung tại tỉnh An Giang và Đồng Tháp; 2.570 cơ sở ương dưỡng giống tại An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Tiền Giang, Long An. Hải Phòng cũng có một cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống với sản lượng 5 triệu con/năm, ước năm 2022 sản xuất 27 tỷ con cá tra bột và 3,8 tỷ con cá tra giống. Tổng số cơ sở nuôi cá tra theo thống kê của các địa phương ĐBSCL là 1.112 cơ sở.
Tổng số cơ sở sản xuất thức ăn cá tra của cả nước là 54 doanh nghiệp, trong đó 16 doanh nghiệp FDA và 38 doanh nghiệp đầu tư trong nước. Hiện tại, có 30.263 sản phẩm thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản (27.947 sản phẩm trong nước và 2.316 sản phẩm nhập khẩu) được cập nhật trên phần mềm.
Giá mua cá tra nguyên liệu trung bình 11 tháng đầu năm 2022 ở mức 29.500 – 30.000 đồng/kg loại I, cao hơn mức trung bình 11 tháng đầu năm 2021 là 7.500 – 8.500 đồng/kg. Với mức giá hiện nay, người nuôi đang có lãi.
Theo VASEP, giá xuất khẩu cá tra fillet trung bình tăng từ 28 – 66% so với cùng kỳ năm 2021. Doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất, tiêu thụ cá tra đều có lãi. Các sản phẩm từ cá tra đã có mặt trên 134 quốc gia, trong đó các thị trường chủ lực là Trung Quốc, Mỹ, ASEAN, EU, Anh, Mexico, Brazil, Colombia. Hai thị trường chi phối xu hướng xuất khẩu cá tra là Trung Quốc chiếm 30%, Mỹ chiếm 23%.
Sở NN&PTNT Đồng Tháp đánh giá, khoa học công nghệ đã góp phần không nhỏ duy trì ổn định việc nuôi, chế biến cá tra. Thời gian qua, hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ có sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp.
Tập đoàn Việt Úc cho biết, công nghệ chọn tạo giống cá tra giúp nâng cao chất lượng xuất khẩu. Cụ thể, số hóa chuỗi sản xuất và phát triển quy trình nhà màng đảm bảo an toàn sinh học, tăng tỷ lệ sống và chủ động sản xuất quanh năm. Lợi ích toàn chuỗi là tăng trưởng nhanh hơn 20,7 %, tỷ lệ sống từ 21 – 35 %, tỷ lệ fillet tăng, thịt đỏ giảm. Kết quả đưa đến giá trị gia tăng cho người nuôi, cơ sở chế biến, nhà xuất khẩu và người tiêu dùng.
Công ty CP Vĩnh Hoàn ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi, chế biến. Giai đoạn sinh sản đến cá hương thực hiện chương trình chọn lọc gien; ương nuôi cá bột trong nhà màng, ao lót bạt. Giai đoạn cá thịt đã thử nghiệm quy trình nuôi cá hạn chế thay nước (IPRS, vi sinh xử lý môi trường); ưu tiên sử dụng vi sinh có lợi, kiểm soát vi sinh gây hại. Giai đoạn chế biến thực hiện giết mổ nhân đạo theo tiêu chuẩn châu Âu, Mỹ; sử dụng phụ phẩm để chế biến collagen và gelatin từ da cá, dầu ăn từ mỡ cá.
Công ty IDI sản xuất dầu ăn cao cấp từ mỡ cá, tinh luyện mỡ cá thành các sản phẩm công nghiệp mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm dinh dưỡng. Công ty Pharma Việt Nam sản xuất vaccine phòng bệnh.
Tuy nhiên, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng thẳng thắn chỉ ra cơ cấu sản phẩm chưa hợp lý: Sản phẩm đông lạnh chiếm trên 97% (fillet, nguyên con, cắt khúc, xẻ bướm). Một số phụ phẩm được chế biến sản phẩm nhưng hầu hết còn thô, chưa nhiều sản phẩm cao cấp dùng trong dược phẩm, mỹ phẩm. Nguyên nhân chính là thiếu công nghệ, thiết bị sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng đáp ứng yêu cầu thị trường. Cho nên, giải pháp hàng đầu để nâng cao chất lượng sản phẩm cá tra là “Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra điều kiện sản xuất, chất lượng, an toàn thực phẩm, đầu tư, nâng cấp cơ sở chế biến sản phẩm giá trị gia tăng, sản phẩm từ phụ phẩm cá tra, sản phẩm phi thực phẩm”.
Tổng cục Thủy sản cũng cho rằng để phát triển cần phải đa dạng hóa sản phẩm theo hướng tiện lợi cho tiêu dùng. Ứng dụng công nghệ xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử đối với chuỗi xuất khẩu – nhà máy chế biến – cơ sở nuôi, ao nuôi được cấp mã số nhằm minh bạch thông tin. Chú trọng phát triển thị trường nội địa.
Thống nhất quan điểm phát triển thị trường nội địa, Công ty CP Tập đoàn Masan cho hay, trong 3 năm qua đã tăng được lượng cá tra tiêu thụ. Năm 2020 tiêu thụ 250 tấn, năm 2021 trên 300 tấn và năm 2022 khoảng 400 tấn. Với mục tiêu chiếm khoảng 15% sản lượng tiêu thụ nội địa, Masan kiến nghị: “Cần chính sách phù hợp để tập hợp các nguồn lực phát triển chuỗi giá trị cá tra, từ quy trình giống, nuôi, chế biến đến các kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, đảm bảo tính minh bạch, quyền tiếp cận và chứng thực chất lượng sản phẩm của người tiêu dùng”.
Sáu Nghệ