(TSVN) – Sau một thập kỷ nghiên cứu và phát triển, đến nay các chuyên gia dinh dưỡng đều khẳng định, krill là thành phần đạm động vật biển bền vững và có khả năng thay thế bột cá trong thức ăn thủy sản.
Trữ lượng nhuyển thể krill (Euphausia Superba) tại các vùng biển Nam Đại Dương khoảng 62 triệu tấn. Công ty Aker BioMarine đã nghiên cứu krill suốt hơn một thập kỷ qua về hiệu quả đối với năng suất, tăng trưởng, chất lượng thịt và sức khỏe của cá hồi theo thời gian. Nhóm chuyên gia muốn đánh giá toàn diện vai trò của krill trong chế độ ăn của cá so với các chất thay thế khác. Dưới đây là các kết luận của Aker BioMarine về krill.
Bột krill là một nguồn dưỡng chất rất giàu protein, phospholipids, axit béo omega-3 như EPA và DHA, cùng nhiều chất dẫn dụ thức ăn và astaxanthin. Nhờ đó, krill là chất dinh dưỡng “đa tác dụng” trong các khẩu phần của cá hồi. Nghiên cứu đầu tiên về krill diễn ra vào những năm 1970, nhằm đánh giá tác dụng đối với cá hồi vân. Kết quả cho thấy, krill giúp cá ăn khỏe và đạt trọng lượng thân cao hơn. Đầu thập niên 2000, các nhà khoa học kết luận tương tự sau khi thử nghiệm krill trên cá hồi Đại Tây Dương. Các nghiên cứu cho thấy, thay thế một phần bột cá bằng bột krill giúp tăng lượng ăn vào và hiệu suất tăng trưởng.
Mới đây, một thử nghiệm trên cá hồi non đã chứng minh krill làm tăng đáng kể lượng ăn vào, tăng trọng và tốc độ tăng trưởng riêng sau khi cá được chuyển sang môi trường nước biển. Trong một thử nghiệm sử dụng krill thay thế bột cá, kết quả cho thấy, cá lớn nhanh hơn hẳn nhóm đối chứng chỉ ăn bột cá.
Độ săn chắc và màu sắc của cá hồi là tiêu chí quan trọng thể hiện mức độ hài lòng của người tiêu dùng đối với sản phẩm. Khi thịt cá lỏng lẻo hoặc nhợt nhạt, người nuôi sẽ gặp tổn thất lớn. Do đó, các nhà khoa học đã nghiên cứu để tìm ra thành phần thức ăn có khả năng làm thịt cá hồi săn chắc và đậm màu hơn. Trong nghiên cứu trên cá hồi Đại Tây Dương, các nhà nghiên cứu đã phát hiện chỉ 12% bột krill bổ sung vào thức ăn của cá sẽ làm thịt cá săn chắc hơn rất nhiều. Krill duy trì cấu trúc collagen tự nhiên, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì tính toàn vẹn của phần thịt cá.
Astaxanthin trong bột krill giúp cải thiện sắc tố của thịt, vì đây là một loại caroten tự nhiên, một sắc tố mà cá hồi không tự tổng hợp mà bắt buộc phải thông qua thức ăn. Ngoài ra, astaxanthin cũng là chất chống ôxy hóa tự nhiên.
Krill cải thiện thành phần axit béo trong cá. Trong khi chất béo trong bột cá được liên kết với triglyceride, thì axit béo omega-3 trong krill được liên kết với phospholipid, từ đó làm tăng khả năng hấp thụ chất béo vào mô cá. Tác dụng này cũng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe của gan, tim và ruột. Trong nghiên cứu trên cá hồi Đại Tây Dương (Morkore, T et al, 2020), các chuyên gia phát hiện ra rằng bổ sung 12% bột krill vào chế độ ăn làm giảm độ nhợt nhạt của gan cá hồi; đồng thời giúp giảm mỡ tim.
Gần đây, sức khỏe đường ruột trở trở thành vấn đề quan tâm hàng đầu trong nuôi thủy sản. Hệ vi khuẩn đường ruột đóng vai trò đảm bảo chức năng và sức khỏe đường ruột. Krill chứa 2 – 54% chitin hoạt động như các prebiotic và đã được công nhận tác dụng điều chỉnh thành phần vi khuẩn và có lợi cho sức khỏe đường ruột của cá.
Sau nhiều năm nghiên cứu, Aker BioMarine kết luận bột krill mang lại một số lợi ích chính khi bổ sung vào thức ăn của cá hồi. Đầu tiên, chỉ cần liều lượng 8 – 10%, bột krill cải thiện lượng ăn của cá, và thúc đẩy hiệu suất tăng trưởng. Thứ hai, ở tỷ lệ bổ sung 10 – 15%, bột krill làm thịt cá săn chắc và tăng sắc tố. Cuối cùng, với 10 – 15% bột krill, các bộ phận tim, gan và ruột của cá sẽ khỏe hơn, ví dụ ít viêm nhiễm và giảm tích tụ mỡ.
Nếu người nuôi cá chú trọng tính bền vững, dinh dưỡng và tận dụng tối đa hiệu qua của thức ăn, thì chắc chắn bột krill sẽ là một sự lựa chọn hàng đầu. Thành phần thức ăn này sẽ giúp ngành NTTS toàn cầu phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn trong tương lai, góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.
Kiranpreet Kaur
Giám đốc R&D dinh dưỡng thủy sản, Aker BioMarine, Na Uy