T6, 23/12/2022 10:45

Bàn giải pháp quản lý các khu bảo tồn biển

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Sáng 21/12/2022, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị “Bàn giải pháp tăng cường công tác quản lý các khu bảo tồn biển, ven biển Việt Nam nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết 36-NQ-TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Việt Nam là một quốc gia biển, có nhiều tiềm năng, lợi thế từ biển; nằm trong vùng có tính đa dạng sinh học khá cao với khoảng hơn 11.000 loài sinh vật đã được phát hiện. Trong số đó có khoảng 6.000 loài động vật đáy, 2.038 loài cá, 225 loài tôm biển, 15 loài rắn biển, 12 loài thú biển, 5 loài rùa biển và 43 loài chim nước (trên 100 loài cá kinh tế), 653 loài rong biển, 657 loài động vật phù du; 94 loài thực vật ngập mặn, 14 loài cỏ biển, khoảng hơn 400 loài san hô. Các loài này cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình, có năng suất sinh học cao và quyết định toàn bộ năng suất sơ cấp của toàn vùng biển. Các đặc trưng nêu trên tạo nên tính đa dạng về cảnh quan tự nhiên, sinh thái và nguồn lợi hải sản, có vai trò vô cùng quan trọng cho phát triển kinh tế biển nói chung, phát triển nghề cá và kinh tế thủy sản nói riêng. 

Hội nghị diễn ra ngày 21/12/2022 tại Thanh Hóa

Thực tế đã chứng minh khu bảo tồn biển giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc duy trì, bảo tồn đa dạng sinh học biển, bảo tồn các hệ sinh thái biển; bảo tồn các loài thủy sản có giá trị khoa học, kinh tế; bảo vệ các dải đất ven biển, ven đảo chống xói lở bờ biển; góp phần quan trọng trong ứng phó biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro do thiên tai đối với vùng ven bờ, ven đảo… 

Cả nước hiện đã có 11 Khu bảo tồn biển và vùng biển thuộc Vườn quốc gia được thành lập và quản lý; có 9/11 Ban quản lý Khu bảo tồn biển đã phối hợp với các đơn vị tư vấn triển khai thực hiện các đề án/dự án liên quan đến rà soát, điều chỉnh các phân khu chức năng và ranh giới các khu bảo tồn biển.

Hiện nay, các Khu bảo tồn biển đang gặp nhiều khó khăn như việc tạo nguồn kinh phí để triển khai hoạt động bảo tồn; Hệ thống pháp luật vẫn còn thiếu và chưa đáp ứng được yêu cầu; Chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề cho ngư dân sinh sống trong và xung quanh các khu vực này còn chậm… Để đảm bảo hoạt động của các khu bảo tồn biển hiện tại và tiến tới thành lập các khu mới, tại cuộc họp, đại diện Tổng cục Thủy sản đã kiến nghị cần xây dựng cơ chế, chính sách phục vụ công tác quản lý và phát triển bền vững, hiệu quả; củng cố, kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức của các Ban quản lý Khu bảo tồn biển theo hướng thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương; nâng cao hiệu quả chỉ đạo, phối hợp thực hiện giữa các cơ quan Trung ương với địa phương về công tác quản lý bảo tồn biển; xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách/dự án chuyển đổi nghề, tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư sống trong và xung quanh khu bảo tồn biển và khu bảo tồn đất ngập nước ven biển, cộng đồng ngư dân khai thác thủy sản ven bờ… 

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Bảo tồn biển là một trong ba trụ cột của ngành thủy sản. Nếu không thực hiện bảo tồn thì sẽ không có khai thác bền vững. Trong những năm qua, ngành thủy sản đã có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đứng đầu về xuất khẩu thủy sản trên thế giới. Nhưng thời gian vừa qua, công tác bảo tồn biển chưa được quan tâm, khi phát triển kinh tế, du lịch chưa chú trọng phát triển đồng bộ với công tác bảo tồn. 16 khu bảo tồn đến nay mới thành lập được 12 khu, nhưng hoạt động của các khu rất ít hiệu quả và đồng bộ, cơ sở vật chất trang thiết bị hạ tầng, trang thiết bị, hạ tầng, công cụ, bộ máy chưa đủ, do vậy chất lượng bảo tồn còn rất yếu. 

Sau hội nghị lần này, Bộ NN&PTNT sẽ rà soát, tổng hợp lại các giải pháp đã triển khai, đề án đã phê duyệt, có quy hoạch quốc gia về bảo tồn và khai thác. Sau quá trình thẩm định, Bộ đã trình Hội đồng quốc gia và chuẩn bị cho cuộc họp thống nhất để ký quyết định quy hoạch quốc gia về bảo tồn biển… Đây chính là những căn cứ pháp lý rất quan trọng để chúng ta có thể hoàn thành mục tiêu theo tinh thần của Nghị quyết 36.

Hồng Hà

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!