(TSVN) – Trong nuôi tôm, chi phí thức ăn chiếm ít nhất 60% tổng chi phí. Do đó, việc tăng hiệu quả sử dụng thức ăn thông qua giảm FCR là rất quan trọng để giảm chi phí và cải thiện lợi ích kinh tế cho người nuôi.
FCR bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố trong đó có chất lượng thức ăn. Nên chọn các loại thức ăn có tính dẫn dụ cao, có độ tiêu hóa, chuyển hóa cao, có khả năng tăng cường sức khỏe và tỷ lệ sống của tôm. Ngoài ra, mỗi loài tôm sẽ có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau, chế độ cho ăn khác nhau và tập tính bắt mồi khác nhau (ăn tầng mặt, giữa hoặc đáy) nên phải chọn loại thức ăn phù hợp cho từng đối tượng nuôi để đảm bảo cho chúng tăng trưởng và phát triển tốt nhất. Đồng thời, từng giai đoạn phát triển của tôm cũng đòi hỏi thức ăn cỡ khác nhau bởi mỗi giai đoạn hoạt tính enzyme có những thay đổi. Do đó, độ tiêu hóa các dưỡng chất đặc biệt protein và carbohydrate sẽ thay đổi.
Người nuôi không nên cho ăn quá muộn, bởi việc tiêu hóa thức ăn là một quá trình tiêu thụ ôxy, cho ăn quá muộn có thể dễ dàng dẫn đến tình trạng thiếu ôxy. Vào thời điểm ban đêm, trong nhiều khu vực nuôi ao, ôxy hòa tan dưới 3 mg/l. Khi rải thức ăn cho tôm ăn trong khu vực ôxy hòa tan thấp 3 mg/l thì FCR lớn hơn ít nhất là 1 lần so với khu vực có hàm lượng ôxy hòa tan 6 mg/l. Do đó cần thiết kế ao có thể gom tụ chất thải và định kỳ xiphong giúp giảm tiêu hao ôxy của chất thải đáy ao. Cùng đó, cần sử dụng thiết bị sục khí trong khu vực cho ăn để cung cấp ôxy hòa tan liên tục và ổn định để giúp duy trì sự thèm ăn của tôm từ đó cải thiện khả năng tiêu hóa thức ăn.
Bình thường TTCT được cho ăn 3 – 5 lần/ngày, khoảng cách thích hợp giữa 2 lần cho ăn là 4,5 giờ với nhiệt độ nước 28 – 30ºC. Với phương pháp cho ăn thủ công, hoạt động cho tôm ăn thường diễn ra vào thời điểm ban ngày. Nếu cho ăn 4 lần/ngày thì khoảng cách giữa 2 lần cho ăn chỉ khoảng 3 giờ, và như vậy thức ăn thừa giữa 2 lần cho ăn sẽ tăng lên. Tốt nhất là giảm số lần cho ăn từ 4 còn 3 lần/ngày – để đảm bảo khoảng cách giữa 2 lần cho ăn là 4,5 giờ – sẽ giúp tôm ăn hiệu quả hơn và giảm FCR.
Ở mật độ nuôi cao, các ao cần được trang bị quạt nước để bảo đảm ôxy ở mức ≥ 4 mg/l. Tuy nhiên do bố trí quạt nước không phù hợp nên tạo ra dòng chảy quá nhanh trong ao, đặc biệt ở những ao lót bạt. Nếu tất cả quạt nước hoạt động trong lúc cho ăn, dòng nước có thể mang thức ăn vào giữa ao. Ở những giai đoạn cuối của vụ nuôi, số lượng lớn chất đáy và chất thải có khuynh hướng tích tụ vào giữa ao, và nếu thức ăn bị lẫn vào thì tôm không thể ăn và sẽ trở thành chất thải. Do đó, cách để ngăn chặn vấn đề này là tắt một số quạt nước trong thời điểm cho ăn để tránh dòng nước mang thức ăn vào giữa ao. Tuy nhiên, không nên tắt tất cả các quạt nước cùng lúc, đặc biệt khi tôm lớn hơn.
Nếu không có đủ máy sục khí để cung cấp ôxy hiệu quả trong ao, vấn đề thiếu ôxy có thể không nhận thấy rõ ở 50 ngày đầu của vụ nuôi do chất lượng nước vẫn còn tốt. Thế nhưng, sau khi một số các chất thải tích lũy, hàm lượng ôxy ở gần đáy sẽ giảm dưới mức tối thiểu cho tôm ăn mồi và sinh trưởng. Vì vậy, tôm sẽ tăng trưởng chậm đi và trở nên yếu hơn. Đặc biệt ở giữa ao, các chất thải sẽ tích tụ cho đến khi ôxy không còn hiệu quả cho các vi khuẩn hiếu khí phân hủy chất hữu cơ, thì các vi khuẩn kỵ khí sẽ thực hiện các quá trình này, nghĩa là sự phân hủy chất hữu cơ sẽ chậm đi đồng thời với việc sản sinh các chất độc hại như ammonia (NH3), nitrite (NO2–) và hydrogen sulfide (H2S) diễn ra nhanh hơn. Nếu tôm được tiếp tục nuôi đến kích cỡ thu hoạch, FCR sẽ cao và chi phí sản xuất cũng cao. Do đó, biện pháp để khắc phục tình trạng này là cần hạn chế mật độ tôm thả trong giới hạn thích hợp; như thế sẽ có ôxy hiệu quả và duy trì đáy ao sạch trong suốt vụ nuôi.
Đường ruột là cơ quan quan trọng nhất để tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng thức ăn. Do đó, sức khỏe của ruột có ảnh hưởng trực tiếp đến hệ số thức ăn. Trong quá trình nuôi, việc bổ sung men vi sinh đường ruột như dòng B. subtilis, chiết xuất nấm men và phụ gia khác có thể bảo vệ ruột tôm và cá, giúp duy trì chức năng tiêu hóa và hấp thu thức ăn của ruột. Những nghiên cứu trước đây cho thấy bổ sung nucleotide từ 30 – 50 g/kg men sẽ giúp kích thích tăng trưởng, khả năng miễn dịch và tăng độ dày thành ruột của TTCT…
Thái Thuận