(TSVN) – Hậu COVID-19, căng thẳng địa chính trị và lạm phát trong năm 2022, đã khiến thị trường thủy sản toàn cầu cũng bị cuốn vào vòng xoáy khủng hoảng chung. Tuy nhiên, ngành thủy sản vẫn giữ vững vị trí sản phẩm protein động vật được giao dịch nhiều nhất thế giới, với hai mặt hàng chủ lực là cá hồi và tôm.
Ông Robins McIntosh, Phó Giám đốc Công ty Charoen Pokphand Foods (CPF) cho biết, xu hướng nuôi tôm sú đang quay trở lại, nhờ các chương trình nhân giống tôm sú của CPF và Moana. Các quốc gia khác như: Bangladesh, Indonesia, Malaysia và Madagascar cũng tận dụng cơ hội để chạy đua sản lượng tôm sú nuôi bán thâm canh. CPF ước tính tổng sản lượng tôm sú ở Trung Quốc đã tăng từ 100.000 tấn năm 2020 lên 150.000 tấn vào năm 2021 và 180.000 tấn năm 2022. Bắt tay với Moana Technologies, các doanh nghiệp tại Indonesia cũng theo đuổi mục tiêu hồi sinh ngành tôm sú. Tuy nhiên, các khách hàng ở châu Âu phần lớn cho rằng ngay cả trong phân khúc bán lẻ hay dịch vụ ẩm thực, tôm sú cũng khó cạnh tranh về giá bán với TTCT. Thậm chí khi mức chênh lệch giá vượt quá 1 USD/kg, những “tín đồ” của tôm sú cũng sẽ cân nhắc TTCT.
Ảnh: Aquaculture
Hậu COVID-19 và lạm phát khiến giá cả tăng vọt và sức mua suy yếu dần. Căng thẳng chính trị tại châu Âu đã kéo chi phí năng lượng đi lên và cũng là nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát gia tăng. Lạm phát giá thực phẩm tại thị trường châu Âu khoảng 3,8%, trong khi lạm phát giá thực phẩm tươi sống đã lên đến 6,6%. Các loại chi phí đồng loạt leo thang đang tác động đến sức mua thực phẩm của người tiêu dùng châu Âu. Tiêu thụ thực phẩm tại Pháp trong tháng 3/2022 đã giảm 2,5% về giá trị so cùng kỳ năm ngoái. Các nhà hàng và dịch vụ ẩm thực đang điêu đứng trước bão giá, bởi họ buộc phải tăng giá từng món ăn trên thực đơn. Các quốc gia châu Âu khác cũng rơi vào tình trạng tương tự Pháp. Giá cá và các loại thủy, hải sản tại châu Âu đã không ngừng tăng suốt mùa lễ Phục sinh và chỉ giảm nhẹ không đáng kể vào tháng 5/2022, nhưng nhìn chung vẫn cao hơn rất nhiều so với mức giá cùng kỳ năm 2021.
Anh áp thuế 35% đối với các sản phẩm thủy sản nhập khẩu từ Nga, gồm cả hải sản chế biến như trứng cá tầm, khiến giá một số loại cá thịt trắng như cá tuyết và cá tuyết chấm đen càng đắt đỏ hơn. Công ty khai thác hải sản xa bờ UK Fisheries ước tính, sản lượng cá tuyết cod Bắc Cực mà Anh được đánh bắt trong năm 2022 đã giảm 40% so với thời điểm trước Brexit. Xung đột quân sự cũng ảnh hưởng đến nguồn lợi cá tuyết cod và cá tuyết chấm đen có nguồn gốc biển Barents, phía Bắc Na Uy và Nga. Tại thị trường Mỹ, Cơ quan nghề cá quốc gia (NFI) phải kêu gọi các thành viên “chừa đường lui” cho cá thịt trắng nhập khẩu từ Trung Quốc (xuất xứ Nga), bởi các nhà máy chế biến tại Alaska sẽ điêu đứng, nếu thiếu đi nguồn cung mặt hàng giá rẻ này. Trước đó, Chính phủ Mỹ đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Nga, trong đó có thủy sản; đồng thời loại bỏ quốc gia này khỏi quy chế ưu đãi thương mại đặc biệt Tối huệ quốc.
Chiến sự giữa Nga và Ukraine bùng nổ, kéo theo nhiều chi phí tăng cao và lệnh cấm thương mại bao trùm, từ đó tác động tới thị trường thủy sản toàn cầu và gây ra tình trạng khan hiếm hàng hóa cục bộ ở nhiều khu vực trên thế giới. Nhiều công ty thủy sản Mỹ đối mặt phí chồng phí và nguyên liệu chế biến bị thiếu hụt sau lệnh cấm đối với thủy sản Nga. Tại Nhật Bản, chợ thủy sản Niigata không còn cá hồi Na Uy để bán do không mua được hàng, vì các chuyến máy bay từ Na Uy sang Nhật Bản gián đoạn do chiến sự tại Nga; đồng thời chi phí vận chuyển cũng tăng vọt. Nhiều hãng kinh doanh tại khu chợ cá chuyển sang giải pháp cá hồi đông lạnh, dù vậy giá của sản phẩm này cũng đắt lên từng ngày. Tại châu Âu, nhiều công ty thiếu lao động do ảnh hưởng của dịch COVID-19, cộng với chi phí nhiên liệu tăng phi mã do căng thẳng địa chính trị.
Ảnh: Fishfactory
Kẹt đầu ra tại thị trường Trung Quốc, giá tôm hùm Bắc Mỹ, chủ yếu từ các nguồn cung Canada và Mỹ đang lao dốc. Theo hãng nghiên cứu thị trường Urner Barry tại Mỹ, giá bán buôn tôm hùm dao động 7,75 – 8,25 USD/pound cho loại vỏ cứng size 1,25 pound xuất xứ New England, giao hàng theo điều kiện FOB. Như vậy, giá tôm hùm đã giảm 49 – 52% so với mức trung bình 16,25 USD/pound được ghi nhận vào ngày 21/3/2022. Dù giá trung bình đang cao hơn so các năm trước, song nhiều ngư dân khai thác tôm hùm vẫn có nguy cơ thua lỗ nặng, vì chi phí khai thác cao hơn hẳn mọi năm do giá nhiên liệu và xăng dầu không ngừng leo thang.
Chính sách “Zero COVID” của Trung Quốc đã đẩy toàn bộ chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu bị gián đoạn. Phần lớn các thành phố của Trung Quốc yêu cầu thực phẩm lạnh phải đi qua nhà kho giám sát tập trung tại một thành phố cụ thể, trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ – ngay cả khi sản phẩm đã trải qua quá trình tương tự tại cảng đến của Trung Quốc. Chi phí kho bãi và kiểm tra đang đè nặng lên các nhà nhập khẩu và phân phối thủy sản. Trong tháng 3/2022, Hải quan Trung Quốc đã lấy mẫu và kiểm tra hàng loạt lô tôm đông lạnh nhập khẩu và đã tạm dừng nhập khẩu tôm từ Ecuador trong 20 tuần và từ Ấn Độ trong 14 tuần. Một số nhà máy chế biến thủy sản tại Trung Quốc buộc phải đóng cửa do dịch bệnh, các bến cảng và công ty vận tải cũng không hoạt động hết công suất như trước.
Thị trường tôm giống thế giới 2022 chứng kiến sự phục hồi ngoạn mục của nhiều hãng sản xuất. Đáng chú ý, hãng API đã phục hồi về mức trước đại dịch COVID-19 và trở thành hãng TTCT giống lớn nhất thế giới. Hãng Hendrix Genetics – Kona Bay cũng tìm cách mở rộng thị trường châu Á. Từ năm 2019 đến 2022, nguồn cung tôm bố mẹ của công ty này tại châu Á đã tăng gần 50% và dự kiến tăng thêm 15 – 20% vào năm 2023. Trong năm nay, công ty này sẽ bán khoảng 270.000 – 330.000 tôm bố mẹ sang châu Á. Theo ông Willem, chuyên gia ngành tôm tại Shrimpinsight, về lâu dài, cạnh tranh với những công ty toàn cầu lớn như Hendrix Genetics – Kona Bay, CP Foods và Benchmark Genetics không hề dễ dàng với các hãng nhỏ hơn như API hay SyAqua. Do đó, hợp nhất hay sáp nhập sẽ là xu hướng khó tránh trên thị trường tôm giống toàn cầu trong thời gian tới.
10 tháng đầu năm 2022, sản lượng xuất khẩu tôm của Ecuador đạt 886.000 tấn, vượt qua con số 842.000 tấn của năm 2021. Xuất khẩu tôm của Ecuador năm 2022 có thể đạt hơn 1 triệu tấn. Rabobank dự báo Ecuador có thể cán mốc 2,5 triệu tấn vào năm 2026, tiến sát mức nhập khẩu tôm toàn thế giới là 2,8 triệu tấn/năm. Tại châu Âu, Ecuador đang nổi lên là một đối thủ “đáng gờm” với các nguồn cung tôm châu Á. Theo dự báo mới đây của Robins McIntosh, Phó Chủ tịch của Tập đoàn Charoen Pokphand Foods (C.P. Foods), sản lượng tôm của Ecuador ước đạt 2,5 triệu tấn vào năm 2026. Con số này cao gấp gần 2,5 lần so với sản lượng hiện tại và gần bằng lượng tôm mà thế giới nhập khẩu mỗi năm gần đây. Sau khi sản lượng vượt mốc 1 triệu vào năm 2021, ngành tôm Ecuador thừa thắng tiến lên và nhắm mốc sản lượng 2,5 triệu tấn/năm trong vòng vài năm tới.
>> Theo báo cáo “Triển vọng Protein động vật toàn cầu năm 2023” của Rabobank, dự đoán nguồn cung tôm toàn cầu trong năm 2023 có thể sẽ duy trì ở mức cao, bất chấp giá thấp hơn và chi phí sản xuất cao hơn.
Mi Lan
Tổng hợp