(TSVN) – Cá ngừ là một trong những chủ lực của ngành thủy sản, cả trong khai thác và chế biến xuất khẩu. Để duy trì nguồn lợi và phát triển bền vững nghề khai thác cá ngừ đại dương, ngành thủy sản đã dự thảo một kế hoạch dài hơi trong công tác quản lý đến năm 2030.
Ở nước ta, nghề khai thác cá ngừ đại dương chủ yếu ở các tỉnh ven biển miền Trung, nhưng phát triển mạnh ở các tỉnh: Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa. Cá ngừ đại dương cỡ nhỏ và cá ngừ nhỏ ven bờ cũng được khai thác và lên bến ở các tỉnh ven biển từ Quảng Bình đến Tiền Giang. Cá ngừ đại dương thường được khai thác bằng các loại nghề: câu vàng, câu tay, lưới rê và lưới vây.
Theo các số liệu thống kê (tại 12 tỉnh từ Quảng Trị – Tiền Giang), số lượng tàu khai thác cá ngừ đại dương có xu hướng tăng dần trong thời gian qua và có sự thay đổi khá lớn về cơ cấu nghề khai thác. Số lượng tàu câu vàng cá ngừ đại dương giảm mạnh từ 2014, đến nay chỉ còn một số tàu làm nghề câu vàng cá ngừ đại dương ở tỉnh Phú Yên. Do đó, việc lập quy hoạch, bố trí chuỗi ngành hàng và quản lý số lượng tàu cá ngừ đảm bảo phát triển bền vững nguồn lợi cá ngừ đại dương gặp nhiều khó khăn.
Ảnh minh họa
Năm 2021, tổng sản lượng khai thác cá ngừ đại dương bốc dỡ qua cảng theo thống kê của các tỉnh từ Quảng Trị đến Tiền Giang là 127.068 tấn, tăng khoảng 24.752 tấn so với năm 2020 (tăng khoảng 24,19%).
Việt Nam là nhà xuất khẩu cá ngừ lớn thứ 3 thế giới. Cá ngừ đại dương khai thác ở vùng biển Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu đi các nước Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, các nước ASEAN… Một phần rất nhỏ, khoảng 10% được sử dụng và tiêu thụ ở thị trường nội địa. Sản phẩm cá ngừ xuất khẩu thường ở dạng tươi nguyên con, cắt khúc, đông lạnh, đóng hộp… đến khoảng 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Giá trị xuất khẩu các sản phẩm cá ngừ đóng góp tỷ trọng tương đối lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước.
Cá ngừ đại dương là đối tượng khai thác quan trọng, chủ lực của nghề cá Việt Nam. Nghề khai thác cá ngừ đại dương có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển ngành thủy sản và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Sử dụng hợp lý, công bằng nguồn lợi cá ngừ đại dương góp phần phát triển bền vững nghề cá vùng khơi, tạo công ăn việc làm, góp phần tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, đảm bảo an ninh quốc phòng và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, hoạt động khai thác, thương mại sản phẩm cá ngừ đại dương chưa được quản lý hiệu quả.
Để nâng cao giá trị và thương hiệu cá ngừ Việt Nam trên thị trường quốc tế, nghề khai thác cá ngừ đại dương Việt Nam cần được quản lý theo các tiêu chuẩn quốc tế như tiêu chuẩn của Hội đồng quản lý biển (MSC)… Mới đây, Tổng cục Thủy sản đã xây dựng Kế hoạch quốc gia quản lý nghề khai thác cá ngừ đại dương giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến 2030 phù hợp Luật Thủy sản, Chiến lược phát triển ngành thủy sản đến 2030, tầm nhìn đến 2045 và đáp ứng các chuẩn mực quốc tế liên quan khác.
Mục đích của Kế hoạch này là phát triển bền vững và có trách nhiệm nghề khai thác cá ngừ đại dương ở Việt Nam phù hợp các chuẩn mực quốc tế thông qua áp dụng các quy định quản lý và bảo vệ nguồn lợi cá ngừ đại dương ở các vùng biển. Cùng đó, nguồn lợi cá ngừ đại dương được giữ ở mức bền vững về sinh học, sinh thái, môi trường, kinh tế – xã hội phù hợp điều kiện nghề cá Việt Nam và đáp ứng các tiêu chí quản lý của các tổ chức nghề cá khu vực (như WCPFC…).
Cụ thể, giai đoạn 2022 – 2025, các quy định và cơ chế quản lý nghề khai thác cá ngừ đại dương được hoàn thiện đáp ứng thực thi Luật Thủy sản và phù hợp với các chuẩn mực quốc tế có liên quan; Hoàn thành lắp đặt và duy trì hoạt động của hệ thống thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên toàn bộ số tàu khai thác cá ngừ đại dương theo quy định; Hệ thống thu thập dữ liệu nghề cá thương phẩm tại cảng (sản lượng lên bến, thu mẫu sinh học, nhật ký khai thác) được triển khai đồng bộ theo Thông tư số 01/2022/TT-BNNPTNT ngày 18/1/2022; 100% sản lượng cá ngừ đại dương lên bến tại các cảng cá chỉ định tại các địa phương (đặc biệt ở các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu và Tiền Giang) được giám sát, đảm bảo truy xuất nguồn gốc. Tỷ lệ cá thể cá ngừ đại dương trong sản lượng khai thác được đo kích thước đảm bảo độ bao phủ đáp ứng yêu cầu ước tính cơ cấu sản lượng theo nhóm kích thước; 100% Nhật ký khai thác cá ngừ đại dương theo chuyến biển được ghi, nộp phục vụ đánh giá sản lượng và truy xuất nguồn gốc. Ít nhất 50% 30%tàu cá ngừ đại dương sử dụng Nhật ký điện tử.
Cùng đó, cơ cấu đội tàu khai thác cá ngừ được kiểm soát và báo cáo cập nhật hàng tháng. Sản phẩm cá ngừ đại dương từ khai thác ở Việt Nam được cấp giấy chứng nhận MSC…
Giai đoạn 2026 – 2030, hoạt động khai thác cá ngừ đại dương ở Việt Nam được giám sát hiệu quả, đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật của Việt Nam và quy định quốc tế có liên quan; Hệ thống thu thập và phân tích dữ liệu cá ngừ đại dương được cải thiện và duy trì thường xuyên để phục vụ công tác quản lý và bảo vệ nguồn lợi cá ngừ đại dương.
Ngoài ra, nguồn lợi cá ngừ đại dương tiếp tục được quản lý, mức khai thác đảm bảo bền vững, dưới mức giới hạn cho phép. Cá ngừ đại dương Việt Nam tiếp tục được duy trì chứng nhận MSC và mở rộng đạt tiêu chuẩn của các hệ thống chứng nhận khác…
Phan Thảo