Phòng, trị bệnh do virus gây ra trên tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hỏi: Làm thế nào để phát hiện sớm bệnh đốm trắng do virus gây ra trên tôm? Tư vấn biện pháp phòng bệnh hiệu quả?

(Phạm Văn Hậu, xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An)

Trả lời:

Virus gây hội chứng đốm trắng trên tôm là White Spot Syndrome Virus – WSSV, hay còn gọi là virus Baculovirus thuộc họ Nimaviridae. Virus này ký sinh trong nhân, có dạng hình trứng. Đốm trắng gây ra bởi virus là một bệnh cấp tính, WSSV có độc lực rất mạnh, có trường hợp chưa phát đốm trắng tôm đã chết. Tính từ thời điểm bùng phát cho đến khi tôm chết chỉ khoảng 2 – 3 ngày. Triệu chứng thường gặp nhất khi tôm bị đốm trắng là ăn nhiều đột ngột, sau giảm dần, bơi lờ đờ ở mặt nước hay dạt vào bờ ao, cơ thịt hơi đục. Bệnh thường xuất hiện 1 – 2 tháng sau khi thả nuôi, giai đoạn này tôm nhỏ nên khó phát hiện các đốm trắng. Các nguồn của gây bệnh có thể đến từ bên ngoài thông qua nguồn nước, các động vật trung gian bị ký sinh. Môi trường nuôi tôm xấu sẽ tạo điều kiện lý tưởng cho bệnh phát tác. Bệnh do virus gây ra nên hiện nay đều chưa có thuốc đặc trị. Nên các biện pháp phòng tránh gom chung về các biện pháp phòng bệnh tổng hợp như:

– Chọn tôm bố mẹ, tôm giống chất lượng tốt, sạch bệnh, có chứng nhận kiểm dịch;

– Nguồn nước phải qua lắng lọc, xử lý trước khi đưa vào ao;

– Loại bỏ các vật chủ trung gian truyền bệnh như các loài giáp xác, nhuyễn thể;

– Quản lý và theo dõi chặt chẽ môi trường ao nuôi, thường xuyên kiểm tra màu sắc, khả năng bắt mồi, tình trạng sức khỏe của tôm để phát hiện kịp thời;

– Tăng cường bổ sung Vitamin C, men vi sinh, khoáng chất, các chế phẩm vi sinh hỗ trợ vào thức ăn tôm.

Hỏi: Tôm sú có dấu hiệu giảm ăn, bơi lờ đờ, một số con đã chết. Một số con toàn thân nhợt nhạt, kiểm tra mang và gan tụy có màu vàng nhạt. Hỏi nguyên nhân và biện pháp khắc phục?

(Hoàng Thị Hoa, xã Láng Biển, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp)

Trả lời:

Theo mô tả, có thể tôm đã bị bệnh đầu vàng. Tuy nhiên, để có kết quả chính xác nhất, nên xét nghiệm mẫu tôm bằng kỹ thuật PCR. Tác nhân gây bệnh đầu vàng là một loại virus hình que. Tôm mắc bệnh đầu vàng có tỷ lệ chết rất cao, nặng có thể đạt mức 60 – 70% gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho hộ nuôi tôm. Bệnh thường xảy ra ở các ao nuôi có điều kiện môi trường xấu và những vùng có mật độ thả nuôi cao. Bệnh có thể xuất hiện sau khi thả giống từ 20 – 70 ngày. Bệnh đầu vàng lây truyền theo hướng ngang, lây nhiễm từ việc tôm khỏe ăn thịt hoặc chất bài tiết của tôm bệnh. Thường thì giáp xác được xem là vật mang virus và là vật chủ trung gian truyền virus vào ao nuôi tôm. Bệnh cũng có khả năng được các loài chim ăn tôm từ nơi có dịch bệnh mang đến ao tôm khỏe. Hiện, cách hạn chế thiệt hại do bệnh hiệu quả nhất chính là phòng bệnh. Người nuôi cần thực hiện tốt các biện pháp sau: Chọn con giống chất lượng, khỏe mạnh, không nhiễm bệnh. Tuyệt đối không chọn mua tôm giống ở những cơ sở cung cấp thiếu uy tín; chuẩn bị ao nuôi thật tốt, diệt các loài giáp xác mang mầm bệnh trong ao nuôi, rào lưới… Nạo vét vùng đáy ao và bón vôi, sau đó phơi ao từ 5 – 7 ngày rồi cấp nước vào ao. Trong suốt vụ nuôi, cần bổ sung các chế phẩm vi sinh xử lý nước ao nuôi tôm để kiểm soát mầm bệnh; thường xuyên theo dõi sự phát triển của tôm, nếu thấy xuất hiện dấu hiệu bệnh tốt nhất là thu hoạch ngay. Nếu thấy tôm còn quá nhỏ thì cần xử lý nước ao nuôi tôm trước khi tháo bỏ. Bên cạnh đó, tránh vận chuyển tôm từ nơi có bệnh đến nơi chưa phát bệnh để hạn chế sự lây lan thành dịch bệnh. Đối với những con tôm bệnh được vớt khỏi ao, cách tốt nhất là tiêu hủy, nước từ ao tôm bệnh không được thải ra ngoài môi trường mà phải được xử lý bằng vôi nung hoặc Clorua vôi trước.

Ban KHKT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!