(TSVN) – Khoa học công nghệ là một trong những trụ cột chính của công cuộc tái cơ cấu ngành thủy sản hiện nay. Thực tế cho thấy, nhiều công nghệ mới, tiên tiến đã được ứng dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả lớn, tăng giá trị và năng suất, góp phần làm giảm chi phí, giảm tác động đến môi trường và hạn chế rủi ro.
Nhằm nâng cao hiệu quả, lợi nhuận cho người dân ở các khu vực nuôi tôm trọng điểm ĐBSCL, đặc biệt là những vùng nuôi tôm có độ mặn thấp, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam đã tung ra thị trường dòng tôm giống chuyên dùng cho vùng độ mặn thấp CPF-Turbo Fresh (TTCT) và tôm sú giống chuyên dùng cho vùng nuôi có độ mặn thấp, “Siêu tăng trưởng CPF: TURBO-M9”. Đặc biệt, một giống tôm khác nổi trội về chống chịu lạnh, phù hợp nuôi trong khí hậu lạnh của mùa Đông tại Quảng Ninh của Tập đoàn Việt Úc đã được thử nghiệm từ tháng 11/2021, dự kiến sớm đưa ra thị trường. Giống tôm này được sản xuất đề phù hợp với nuôi tôm vụ Đông ở các tỉnh miền Bắc. Bởi, nuôi tôm thời điểm đó gặp vô vàn khó khăn, khi biên độ nhiệt giữa ngày và đêm lớn tác động đến nhiệt độ, độ mặn, pH, kiềm trong nước…; con tôm khó thích nghi, tăng trưởng kém, miễn dịch giảm, nên rất dễ bị nhiễm bệnh, thậm chí chết hàng loạt.
Công ty TNHH Uni-President Việt Nam nghiên cứu và ứng dụng giải pháp nuôi tôm tân tiến đó là mô hình nuôi tôm “3 Tốt”: Lợi nhuận tốt – Tăng trưởng tốt – Tỷ lệ thành công tốt. Nuôi tôm “3 Tốt” là mô hình sử dụng diện tích xử lý nước nhỏ chỉ bằng 1/3 diện tích, theo mô hình đang được khuyến cáo hiện nay. Do vậy, ưu điểm của mô hình này là: Hiệu suất sử dụng quỹ đất cao, tiết kiệm chi phí tiền điện, giảm được các chi phí hóa chất xử lý nước; lượng nước thay rất ít và chỉ tương đương 1/5 tổng lượng nước theo các mô hình hiện nay, phù hợp với những khu vực có nguồn cung cấp nước ít, từ đó sẽ tiết kiệm được các chi phí thuốc, giảm lượng khoáng sử dụng, giảm chi phí nhân công. Mô hình tuyệt đối không sử dụng kháng sinh trong suốt quá trình nuôi, góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm tôm. Hiện nay, mô hình đã được nhân rộng tại các tỉnh ven biển khu vực ĐBSCL như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh, Bến Tre cũng như các tỉnh khu vực miền Bắc và miền Trung với hiệu quả tích cực.
Mô hình nuôi tôm “3 Tốt” của Công ty TNHH Uni-President Việt Nam. Ảnh: TSVN
Là phiên bản mới nhất của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam nhằm nâng cao tỷ lệ thành công và hiệu quả nghề nuôi ngày một tốt hơn, góp phần gia tăng sản lượng tôm mà không cần tăng thêm diện tích nhờ nuôi tôm được quanh năm, nuôi trong mọi điều kiện thời tiết. Về cơ bản, CPF-Combine House có quy mô giống với CPF-Combine; tuy nhiên, hệ thống ao ương, ao nuôi ở CPF-Combine House có nhà mái che hình chóp nón, hình tháp. Nhờ đó, CPF-Combine House ổn định nhiệt độ (có thể nâng nhiệt khi nhiệt độ thấp, giảm nhiệt khi nhiệt độ cao và ngăn nước mưa vào trong ao). Ao nuôi không phụ thuộc vào thời tiết, nuôi được quanh năm. Nhờ ổn định môi trường nuôi nên giảm chi phí sản xuất, tôm lớn nhanh hơn từ 15 – 25 ngày nuôi. Hạn chế dịch bệnh tối đa trên tôm, đặc biệt là bệnh đốm trắng, phân trắng, EHP… Riêng năm 2021, dù ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19, nhưng mô hình cũng ghi nhận tỷ lệ thành công đạt trên 95%. Chi phí xây dựng mô hình CPF-Combine House khoảng 70 – 120 triệu đồng/1.000 m2.
Trong năm qua, mô hình nuôi TLSS của Công ty TNHH Khoa Kỹ Sinh vật Thăng Long tiếp tục được nhân rộng trên khắp cả nước. Mô hình là sự kết hợp cùng lúc các sản phẩm chuyên dụng của Công ty như: thức ăn chuyên dùng cho tôm ương, thức ăn chức năng gia tăng sắc tố tôm, thức ăn phòng trị bệnh phân trắng và thức ăn bảo vệ chức năng gan. Mang đến hiệu quả như giảm rủi ro, nâng cao năng suất và giảm giá thành trong vụ nuôi. Góp phần giúp người nuôi thực hiện được mục tiêu nuôi thành công và tăng lợi nhuận. Ngoài ra, sự thành công của mô hình này, còn nhờ ưu điểm có thể thích ứng được với các trang trại có diện tích không lớn, chi phí đầu tư ban đầu thấp. Các công trình hệ thống nuôi được thiết kế đảm bảo tính an toàn sinh học. Quá trình nuôi được chia ra nhiều giai đoạn, nên thuận tiện cho khâu chăm sóc và quản lý.
Đây được xem là một trong những sáng kiến thành công nhất của Skretting. SUCCESS hoạt động trên những nguyên tắc: Thân thiện với môi trường; phòng bệnh hơn chữa bệnh; không sử dụng kháng sinh; an toàn cho sức khỏe con người và vật nuôi; tiết kiệm chi phí sản xuất. Theo ghi nhận, SUCCESS đã giúp các người nuôi cải thiện lợi nhuận hiệu quả, trung bình từ 30 – 40% so với mô hình nuôi truyền thống. Dựa trên những đánh giá nguy cơ tiềm ẩn từ NTTS trong hệ thống thâm canh và biến đổi khí hậu bất thường như hiện nay, chương trình SUCCESS còn cung cấp các thông số cụ thể trong hệ thống nuôi, để người nuôi có được biện pháp đối phó hữu hiệu nhất. Điều này giúp người nuôi giảm thay nước, tiết kiệm nhân công và năng lượng, thông qua việc áp dụng các giải pháp xử lý nước (sử dụng các giải pháp sàng lọc cơ học, hóa học và chế phẩm sinh học) và tái sử dụng nước đã được xử lý đúng cách.
Ương tôm theo mô hình Raceway của Vinhthinh Biostadt đã chứng minh được khả năng khống chế hoàn toàn 100% bệnh chết sớm trong suốt thời gian nuôi. Đây là hệ thống ương dành cho TTCT với mật độ siêu cao, được đặt trong điều kiện an toàn sinh học nghiêm ngặt, với các thiết kế lắp đặt hệ thống sục khí, tạo dòng, lọc nước một cách khoa học với chi phí phù hợp, mà bất kỳ người nuôi nào cũng có thể thực hiện được. Với quy trình Raceway, người nuôi có thể ương với mật độ siêu cao, đạt 10.000 – 12.000 con/m3, thời gian ương khoảng 20 – 35 ngày tùy thuộc vào quy trình ương 1 hay 2 giai đoạn. Do ương mật độ cao nên hệ thống không tốn nhiều diện tích ương, khoảng 100 – 420 m2 tùy điều kiện hộ nuôi. Đồng thời, hệ thống Raceway cần được thiết lập gần với ao nuôi, để đảm bảo việc vận chuyển tôm ra ao được nhanh chóng và thuận tiện.
Là giải pháp kỹ thuật nuôi TTCT siêu thâm canh với mật độ cao của Công ty TNHH Grobest Industrial Việt Nam. Mô hình đang được nhân rộng triển khai tại các tỉnh ven biển, với mục tiêu quản lý môi trường nuôi tôm tốt nhất, chi phí thấp nhất và hiệu quả cao nhất. Quy trình GroFarm yêu cầu diện tích mặt bằng tối thiểu là 1 ha, được chia theo tỷ lệ: ao xử lý nước đầu vào (ao chứa lắng, ao xử lý, ao sẵn sàng) chiếm khoảng 50%; ao ương giai đoạn 1 chiếm từ 5 – 10%; ao nuôi giai đoạn 2 và 3 chiếm 30%; ao xử lý nước thải, nhà kho, nhà ở, bờ bao, đường đi chiếm 10 – 15%. Các ao xử lý và ao nuôi được thiết kế nổi cao hơn kênh thoát nước, tận dụng cao trình để nước sẽ tự chảy qua các ao giúp tiết kiệm chi phí bơm nước giữa các ao. GroFarm giúp các trại nuôi xoay vòng chu kỳ nuôi rất nhanh, có thể nuôi được 3 – 4 đợt/năm. Năng suất có thể đạt trên 30 tấn/ha/năm. Ngoài ra, mô hình còn tiết kiệm điện bơm nước, chất thải trong ao nuôi được thu gom dễ dàng và đẩy ra ngoài, thông qua hệ thống xiphong thu gom xử lý tập trung giúp giảm lao động, tiết kiệm nước, giảm ô nhiễm môi trường.
Công nghệ điện hóa – siêu âm hoạt động theo nguyên lý chuyển hóa mật độ bọt khí của dung dịch điện hóa thành vi bọt khí, bằng cách sử dụng chuỗi phản ứng ôxy hóa từ nhóm gốc tự do hydroxyl để tạo ra tác động nhanh, mạnh trong thời gian ngắn. Hay nói cách khác, đây là phương pháp tận dụng điện hóa, để phân hủy các hợp chất hữu cơ và xử lý các vấn đề độc hại, hợp chất hóa học tồn đọng trong nước thải ao nuôi. Được ra đời từ năm 2016, hiện nay, mô hình đã được ứng dụng rộng khắp các tỉnh, chủ yếu ở ĐBSCL như Đồng Tháp, Bến Tre, Kiên Giang… mang lại hiệu quả kinh tế đáng kinh ngạc cho các trại nuôi. Không chỉ giúp hạn chế xả thải ra môi trường, chi phí thuốc, hóa chất xử lý nước giảm, mà còn kéo theo chi phí nuôi thấp hơn. Đây là giải pháp góp phần tăng tỷ lệ thành công mùa vụ lên đến 90%.
Những năm gần đây, lồng làm bằng chất liệu HDPE đã được triển khai và mang lại hiệu quả tại nhiều địa phương trên cả nước. Hệ thống lồng nhựa HDPE có khả năng chịu được bão lớn: Với chất liệu nhựa siêu bền, lưới và dây giềng của lồng có tuổi thọ lên tới 10 năm. Toàn bộ hệ thống lồng được neo trên biển bằng công nghệ neo lồng đặc biệt tiên tiến nhất của Na Uy có tác dụng cố định, giảm lực tác dụng của sóng gió lên khung lồng. Đặc biệt, trong năm 2020 và 2021, dù trải qua một số đợt sóng lớn do ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, nhưng cá nuôi trong lồng HPDE không bị ảnh hưởng. Ngoài lồng nuôi, phao xốp cũng đang dần được thay thế bằng phao nhựa HDPE. Qua quá trình sử dụng, có thể thấy phao nhựa có độ nổi không kém phao truyền thống, nhưng có ưu điểm độ bền cao và không bị phân hủy, rất thân thiện với môi trường. Ngoài ra, các phao nổi HDPE còn được bảo hành, đổi mới trong 10 năm và bảo trì vĩnh viễn.
Không thể phủ nhận rằng hiện nay, công nghệ thông minh đang “phủ sóng” ngành tôm. Nhiều doanh nghiệp/hộ nuôi tôm đã ứng dụng internet vạn vật (Internet of Thing – IoT) thu thập dữ liệu, giám sát tôm và môi trường nước, dự đoán dịch bệnh (bằng nhiều loại phương tiện truyền thông). Khả năng ghi nhận các biến động theo thời gian trong hệ thống nuôi giúp việc điều chỉnh kịp thời, có hiệu quả nhằm làm giảm tổn thất. Hay công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) giúp phát hiện các vấn đề dưới nước (ô nhiễm, sức khỏe, thiệt hại công trình nuôi…), giúp cảnh báo người nuôi trước khi xảy ra thiệt hại, tổn thất. Người nuôi có thể đưa giải pháp và gửi robot tự hành động để khắc phục; trong tương lai, các quyết định sẽ được thực hiện một cách tự động. Đồng thời, hệ thống tích hợp AI và IoT có thể liên tục thu thập thông tin về tình trạng sức khỏe, hoạt động của thủy sản, tỷ lệ sống cũng như lượng thức ăn dư thừa.
>> Những bước tiến từ khoa học và công nghệ đã mang lại nhiều thành tựu quan trọng trong NTTS. Trong thời gian tới khoa học công nghệ sẽ còn tác động mạnh hơn nữa tới khả năng nuôi trồng, chế biến, sản xuất và xuất khẩu thủy sản.
Thái Thuận
Tổng hợp