(TSVN) – Theo dữ liệu thương mại mới nhất, năm 2022, Ecuador đã xuất khẩu hơn 1 triệu tấn tôm và là quốc gia đầu tiên đạt cột mốc này. Dù đã được dự đoán trước nhưng thành tích vẫn không kém phần ấn tượng.
Cột mốc này đạt được sau một tháng xuất khẩu bội thu vào tháng 12 (89.500 tấn), nâng xuất khẩu của quốc gia Mỹ Latinh này lên 1,061 triệu tấn trong cả năm, theo số liệu từ Cơ quan nuôi trồng thủy sản quốc gia của Ecuador (CNA). Tổng giá trị xuất khẩu đạt 6,653 tỷ USD.
Ông Gorjan Nikolik, Trưởng bộ phận phân tích thủy sản tại ngân hàng nông nghiệp Hà Lan Rabobank, cho biết: “Xuất khẩu 1 triệu tấn là rất lớn. Điều này có nghĩa là sản lượng nằm trong khoảng từ 1,25 triệu tấn đến 1,3 triệu tấn tùy thuộc vào mức độ xử lý. Chúng tôi đã kỷ niệm sản lượng 1 triệu tấn vào năm 2021, đây cũng là một cột mốc quan trọng”.
Xuất khẩu tôm Ecuador giai đoạn 2011 – 2022. Nguồn: CNA
Xuất khẩu năm 2022 tăng 26% về lượng và 31% về giá trị so với năm 2021, chủ yếu nhờ xuất khẩu sang Trung Quốc phục hồi. Năm 2022, Trung Quốc đã nhập khẩu 590.000 tấn tôm của Ecuador, trị giá 3,58 tỷ USD, tăng 51% về lượng và 56% về giá trị so với năm 2021.
Bước đột phá này diễn ra sau gần 25 năm khi sản xuất tôm của Ecuador bị tàn phá bởi sự bùng phát của bệnh đốm trắng, dẫn đến lệnh cấm nhập khẩu tôm bố mẹ sạch bệnh cụ thể và đặt ra câu hỏi về sự tồn tại của ngành. Lệnh cấm vẫn còn hiệu lực cho đến ngày nay.
Các chuyên gia về tôm cho biết các yếu tố chính đằng sau sự bùng nổ xuất khẩu tôm của Ecuador bao gồm sự sản xuất đình trệ ở châu Á; một chương trình hiện đại hóa trong vài năm qua đã cải thiện khả năng cạnh tranh của các trang trại nuôi tôm ở Ecuador; và sự gia tăng lớn về nhu cầu từ Trung Quốc.
Đặc biệt, Trung Quốc đang tiêu thụ số lượng lớn tôm xuất khẩu của Ecuador. Năm 2013, Ecuador chỉ xuất khẩu được 37.000 tấn tôm sang Trung Quốc (kể cả qua các nước thứ 3 như Việt Nam); tuy nhiên, xuất khẩu sang cường quốc châu Á này năm 2022 là 590.000 tấn, tương đương với mức tăng trưởng 1.500% trong thời kỳ 10 năm và tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 32%.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc với tư cách là thị trường tiêu thụ tôm của Ecuador – nước này chiếm 56% xuất khẩu của Ecuador vào năm 2022 – sau khi tầng lớp trung lưu nước này tiêu thụ thủy sản nhập khẩu ngày càng tăng và sản xuất tôm của chính Trung Quốc gặp vấn đề. Xuất khẩu tăng mạnh vào năm 2022 cho thấy người tiêu dùng Trung Quốc đã đặt ra mối lo ngại về các gói tôm bị nhiễm virus corona khiến suy giảm nhu cầu trong năm 2020 và 2021.
Tuy nhiên, khả năng cạnh tranh ngày càng tăng của các nhà sản xuất tôm Ecuador đã giúp nước này chiếm lĩnh thị trường ngày càng tăng ở Bắc Mỹ và Châu Âu. Sau khi Trung Quốc đình chỉ nhập khẩu vào năm 2020, Ecuador đã nhanh chóng chuyển hướng sang chế biến cơ bản hơn, cạnh tranh trực tiếp với các nhà cung cấp tôm ở châu Á.
Trong giai đoạn 2019 – 2021, xuất khẩu của Ecuador sang các nước bên ngoài Trung Quốc và Việt Nam – chủ yếu là Bắc Mỹ và châu Âu – sau đó đã tăng gấp đôi và đạt 462.000 tấn trong năm 2022. Trước năm 2019, việc tăng gấp đôi xuất khẩu sang các thị trường bên ngoài Trung Quốc và Việt Nam mất hơn 7 năm.
Sức mạnh của các trang trại nuôi tôm ở Ecuador đã khiến ngay cả Thái Lan cũng sử dụng nguyên liệu thô giá rẻ của Ecuador cho ngành công nghiệp chế biến của mình. Năm 2022, Thái Lan nhập khẩu 17.000 tấn tôm của Ecuador, tăng 209% so với năm 2021. Vào tháng 8/2022, người nuôi tôm Thái Lan đã phàn nàn với Bộ Thủy sản nước này rằng việc nhập khẩu tôm của Ecuador tăng mạnh đã khiến giá giảm.
Dữ liệu hàng tháng gần đây cho thấy xuất khẩu tôm của Ecuador hiện đang chậm lại. Trong tháng 12/2022, Ecuador đã xuất khẩu 89.500 tấn tôm, chỉ tăng 6% so với tháng 12/2021. Con số này giảm so với mức tăng trưởng cao hai con số hồi đầu năm. Sự suy giảm này diễn ra sau sự tăng trưởng chậm chạp ở Mỹ và châu Âu, những nơi đang phải đối phó với lạm phát cao. Năm 2022, xuất khẩu sang Mỹ chỉ tăng 6% lên 196.000 tấn, trong khi xuất khẩu sang Pháp giảm 18% xuống 37.000 tấn.
Trong khi đó, giá tôm Ecuador cũng giảm nhanh trong bối cảnh giá thế giới lao dốc. Trong tháng 12/2022, giá trị đơn vị xuất khẩu tôm trung bình của Ecuador chỉ đạt 5,48 USD/kg, giảm so với mức 5,80 USD/kg của tháng 11 trước đó và thấp hơn 14% so với tháng 12/2021. Giá xuất khẩu sang Trung Quốc thậm chí còn thấp hơn, ở mức 5,24 USD/kg trong tháng 12. Con số này chỉ cao hơn 0,69 USD/kg so với giá trị xuất khẩu trung bình vào tháng 8/2020 (4,55 USD/kg), khi Trung Quốc lần đầu tiên đình chỉ nhập khẩu từ một số nhà sản xuất lớn của Ecuador do vụ bê bối bao bì bị nhiễm virus.
Tại Hội nghị tiếp thị thủy sản toàn cầu gần đây tại Mỹ, trong bối cảnh giá thấp, đã có một cuộc tranh luận về việc liệu Ecuador có thể tiếp tục tăng trưởng xuất sắc vào năm 2023 hay không. Tuy nhiên, chủ công ty tôm Ecuador Sandro Coglitore vẫn tỏ ra lạc quan. Với việc Trung Quốc mở cửa trở lại sau COVID, ông kỳ vọng mức tăng trưởng xuất khẩu lành mạnh là 10% hoặc thậm chí 20% vào năm 2023, đưa đất nước đạt một cột mốc xuất khẩu lớn khác.
Hải Phong
Theo Undercurrent News