(TSVN) – Mặc dù vẫn đang ở giai đoạn thử nghiệm và chưa được chứng minh ở quy mô công nghiệp, nhưng nuôi tôm RAS trong nhà vẫn được đánh giá có tiềm năng to lớn để mở rộng chuyển đổi ngành hàng này.
Tại Diễn đàn Tôm Toàn cầu ở Utrecht, Hà Lan hồi đầu tháng 9/2022, bà Barbara Janker, Giám đốc Tiếp thị và Truyền thông toàn cầu của Hội đồng Quản lý Nuôi trồng Thủy sản (ASC), cho biết ngành công nghiệp non trẻ này có thể cách mạng hóa ngành tôm rộng lớn hơn. Việc kiểm soát tất cả các khía cạnh của sản xuất và áp dụng các công nghệ mới của hệ thống NTTS tuần hoàn (RAS) có thể giải quyết các vấn đề nhức nhối tái diễn của ngành tôm như bùng phát dịch bệnh, dư lượng kháng sinh và liên kết vận chuyển yếu. Bà cho biết các trang trại nuôi tôm trong nhà, trên đất liền là công nghệ “thế hệ tiếp theo”.
Nuôi tôm thương mại bắt đầu vào những năm 1970 trên khắp các vùng nông thôn của Trung Mỹ, Ecuador và Nam Á. Những trang trại này có xu hướng đi theo chu kỳ bùng nổ, phá sản và bị chững lại bởi tỷ lệ tử vong vượt quá 40%. Các ao sử dụng quạt nước điện để cung cấp ôxy cho nước và cung cấp sự tuần hoàn thô sơ. Nông dân cũng phải dựa vào mạng lưới thương nhân phức tạp để đưa tôm từ ao đến tay người tiêu dùng trên toàn cầu. Mặc dù vẫn có lãi, nhưng các trang trại khó kiểm soát đối với chu kỳ nuôi.
Trại sản xuất giống tại trang trại nuôi tôm trong nhà. Ảnh: Homegrown Shrimp
Bà Janker cho biết các trang trại nuôi tôm thế hệ tiếp theo đang đổi mới những điểm khó khăn này. Các hệ thống tuần hoàn hiện đại đang chuyển hoạt động sản xuất sang các môi trường nuôi trong nhà, được kiểm soát nhiệt độ, nằm gần các thị trường tiêu dùng lớn. Người vận hành các cơ sở nuôi tôm trong nhà có thể thực hiện kiểm soát sinh học tốt hơn đối với chu kỳ sản xuất. Các cơ sở được đảm bảo an toàn sinh học và hoàn toàn khép kín, giảm thiểu khả năng bùng phát dịch bệnh và các thách thức khác bắt nguồn từ sự biến động về chất lượng nước. Mặc dù hầu hết các cơ sở nuôi tôm trong nhà đang trong giai đoạn thử nghiệm, nhưng những người trong ngành đều đang theo dõi liệu những cơ sở tiên phong có thể đạt đến quy mô công nghiệp hay không.
Hai hệ thống RAS chính đang được sử dụng phổ biến hiện nay: nước sạch và biofloc cải tiến. Các hệ thống nước sạch sử dụng bộ lọc sinh học để loại bỏ chất rắn và chất thải amoniac. NaturalShrimp và SwissShrimp là hai ví dụ nổi bật. Những thiết lập này yêu cầu nhiều thiết bị lọc hơn, thường đi kèm với chi phí vận hành và vốn cao hơn.
Các hệ thống biofloc cải tiến cho phép các nhà sản xuất tôm tận dụng chu trình nitơ và để các vi khuẩn dị dưỡng sinh sôi nảy nở trong nước. Khi tôm lớn, người nuôi phải duy trì tỷ lệ carbon : nitơ trong nước cao hơn. Các hệ thống này giữ lại nhiều chất dinh dưỡng hơn, yêu cầu ít thiết bị và chi phí vốn hơn so với các hệ thống nước sạch. Noray Seafood và Sun Shrimp là hai nhà sản xuất tôm bằng hệ thống này.
Theo phân tích của Spheric Research, hiện có 33 trang trại nuôi tôm trong nhà, khép kín, sử dụng công nghệ tuần hoàn. Theo bà Janker, rất khó để có được số liệu thống kê về sản xuất và rất ít cơ sở vượt qua được giai đoạn thử nghiệm. Trong đó, 9 trang trại được đặt tại Mỹ – nước tiêu thụ tôm nuôi hàng đầu thế giới; 5 trang trại tại Đức và 4 trang trại ở Singapore. Tính đến hết năm 2021, 21 dự án đang trong giai đoạn thử nghiệm; 4 trang trại đang được xây dựng và 5 trang trại đang trong giai đoạn lên ý tưởng. Và hiện chỉ có 3 trang trại nuôi tôm RAS trong nhà đang hoạt động ở quy mô lớn hơn. Sun Shrimp tại Florida, Mỹ đang sở hữu công suất sản xuất từ 230 – 300 tấn/năm, Homegrown Shrimp của CP Foods có công suất 190 tấn/năm và NaturalShirmp hoạt động ở mức 70 tấn/năm.
Bể nuôi tôm thương phẩm trong nhà. Ảnh: Andrew Ray, KSU
Tại thị trường châu Âu, Spheric Research cho biết hiện có 13 dự án nuôi tôm trên đất liền, trong đó Noray Seafood của Tây Ban Nha đang dẫn đầu. Tuy nhiên, Đức mới là quốc gia có nhiều cơ sở sản xuất trên đất liền nhất. Bà Janker giải thích rằng các quốc gia Trung Âu như Đức, Áo và Thụy Sỹ có cơ sở khách hàng hiểu biết và những người mua sắm sẵn sàng trả phí cao cho hàng hóa bền vững. Điều này chứng tỏ có một thị trường sẵn sàng để các dự án rời khỏi giai đoạn thử nghiệm.
Trong khi đó, Singapore đang dẫn đầu thị trường châu Á. Kế hoạch cung cấp 30% thực phẩm tới năm 2030 đầy tham vọng của chính phủ nước này hy vọng sẽ xây dựng năng lực sản xuất lương thực của đất nước một cách bền vững và đang thúc đẩy các khoản đầu tư lớn. Hiện có 9 dự án nuôi tôm trên đất liền trên khắp châu Á nhưng ngành này có thể phải đối mặt với những khó khăn kinh tế đáng kể trong năm 2023.
Mặc dù nuôi tôm RAS trong nhà đang tạo ra tiếng vang lớn, tuy nhiên khối lượng sản xuất từ các cơ sở tuần hoàn hiện đại chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng sản lượng tôm của thế giới. Theo phân tích của Spheric Research, sản lượng tại các cơ sở thí điểm vào khoảng 20 tấn tôm/năm và các cơ sở mở rộng đạt 75 tấn/năm. Công suất dự kiến tối đa cho các cơ sở này là 1.750 tấn/năm. Sản lượng này vẫn thấp hơn so với các nhà sản xuất tôm truyền thống thâm canh như Thủy sản Minh Phú với khoảng 6,2 triệu tấn/năm. Trong năm 2023, sản lượng tôm nuôi trong nhà trên toàn thế giới có thể sẽ giảm xuống dưới 1.000 tấn và vẫn còn nhiều khó khăn đối với các nhà sản xuất khi thu hút các nhà đầu tư.
Tường Vy
Theo TFS