(TSVN) – Ngày 9/2/2023, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 47/KH-UBND về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản trên địa bàn thành phố năm 2023. Theo đó, Kế hoạch tập trung vào một số nội dung sau:
Thực hiện theo Quyết định số 434/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi, giai đoạn 2021 – 2030 và Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ NN&PTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản.
Giám sát bị động
– Tuân thủ các quy định về điều kiện cơ sở nuôi, xử lý nước thải, chất thải theo quy định, mùa vụ thả giống, chất lượng con giống được kiểm dịch theo quy định, áp dụng quy trình kỹ thuật nuôi, quản lý chăm sóc ao nuôi (VietGAP, GlobalGAP…); áp dụng các biện pháp hỗ trợ nâng cao sức đề kháng cho thủy sản nhằm giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.
Các hộ dân tăng cường nuôi thủy sản theo hướng an toàn để phòng, chống dịch bệnh; Ảnh: Ngọc Quỳnh
– Áp dụng các biện pháp phòng bệnh, chống dịch, xử lý ổ dịch theo hướng dẫn của Sở NN&PTNT (Chi cục Thủy sản); định kỳ kiểm tra ao, hồ, lồng, bè nuôi thủy sản, xử lý động vật trung gian truyền bệnh; thu mẫu gửi xét nghiệm trong trường hợp nghi ngờ có dịch bệnh phát sinh; xử lý động vật thủy sản nghi mắc bệnh, mắc bệnh, chết; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng và áp dụng các biện pháp xử lý ao hồ, lồng, bè nuôi thủy sản, môi trường nước, thức ăn, phương tiện, dụng cụ sử dụng trong quá trình nuôi…
– Cán bộ chuyên môn của Sở NN&PTNT (Chi cục Thủy sản); các cán bộ chuyên môn cấp huyện, xã và các đơn vị liên quan thực hiện giám sát dịch bệnh thủy sản đến các ao nuôi để phát hiện và báo cáo kịp thời thủy sản bị bệnh hoặc nghi mắc bệnh.
– Sở NN&PTNT (Chi cục Thủy sản) và các đơn vị, cá nhân liên quan lấy mẫu bệnh phẩm, mẫu môi trường để xét nghiệm phát hiện mầm bệnh khi có dịch bệnh xảy ra hoặc khi môi trường biến động bất thường; đồng thời thực hiện báo cáo theo quy định và hướng dẫn tổ chức thực hiện các biện pháp khoanh vùng khống chế kịp thời; huy động hóa chất, vật tư khử trùng triệt để các khu vực xảy ra dịch bệnh.
Giám sát chủ động
– Công tác giám sát thực hiện chủ yếu với cá giống và cá thương phẩm đang là các đối tượng nuôi chủ lực có giá trị kinh tế cao trên địa bàn thành phố (cá chép, cá trắm cỏ, rô phi, các loài thủy đặc sản…).
– Tổ chức giám sát chủ động tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống, cơ sở, vùng nuôi thương phẩm; xây dựng và thực hiện kế hoạch lấy mẫu, tổ chức xét nghiệm tác nhân gây bệnh nguy hiểm và bệnh thường gặp trên thủy sản; kịp thời cảnh báo nguy cơ dịch bệnh, hướng dẫn các biện pháp xử lý, khoanh vùng, cụ thể như sau:
+ Trên cá chép, trắm, trôi, mè: Bệnh xuất huyết mùa xuân ở cá chép (SVC), bệnh do Koi Herpes virus (KHV), bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn Streptococcus, bệnh do vi khuẩn Aeromonas, bệnh do vi khuẩn Pseudomonas, nấm…
+ Trên cá rô phi: Bệnh do Tilapia Lake Virus (TiLV), bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn Streptococcus…
+ Trên tôm càng xanh: Bệnh đầu vàng, bệnh phát sáng…
+ Một số tác nhân gây bệnh nguy hiểm khác, bệnh mới nổi theo quy định của Bộ NN&PTNT.
– Tổ chức điều tra dịch tễ và hướng dẫn các biện pháp xử lý, nhằm loại bỏ tác nhân gây bệnh trong trường hợp mẫu xét nghiệm có kết quả dương tính với tác nhân gây bệnh nguy hiểm.
– Tổ chức giám sát chủ động, các biện pháp ứng phó, xử lý nhằm ngăn chặn tác nhân gây bệnh nguy hiểm, bệnh mới nổi.
– Kiểm tra các chỉ tiêu trong môi trường ao nuôi phục vụ công tác cảnh báo môi trường NTTS và cảnh báo dịch bệnh thủy sản.
– Tổ chức xác định tác nhân gây bệnh trên động vật thủy sản tại một số hồ nội thành và các cơ sở NTTS khi có hiện tượng động vật thủy sản chết bất thường.
Điều tra ổ dịch
Khi nhận được thông tin báo cáo về tình hình dịch bệnh; cán bộ chuyên môn kết hợp với cán bộ thú y cấp xã có trách nhiệm đến cơ sở nuôi để xác nhận thông tin, thực hiện điều tra ổ dịch, xác định nguyên nhân, báo cáo tình hình đến cơ quan cấp trên theo quy định tại Điều 4, Điều 5 và Điều 13 Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT.
Xử lý dịch bệnh
Chủ cơ sở nuôi, người phát hiện thủy sản mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, chết do bệnh hoặc chết nhiều không rõ nguyên nhân, chết nhiều do môi trường, thời tiết có trách nhiệm báo cho cán bộ chuyên môn (lực lượng chăn nuôi thú y cấp xã, cấp huyện) và chính quyền địa phương gần nhất để được tư vấn, lấy mẫu chẩn đoán xác minh dịch bệnh. Đồng thời, phải thực hiện theo các quy định tại Luật Thú y, Luật Thủy sản; áp dụng các biện pháp kỹ thuật phòng, chống đối với một số bệnh thủy sản nguy hiểm theo quy định tại Thông tư 04/2016/TT-BNNPTNT.
Thực hiện nghiêm chế độ kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển theo các quy định của Bộ NN&PTNT tại Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6 2016 quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản và Thông tư số 36/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 26/2016/TT-BNNPTNT.
Tăng cường công tác kiểm dịch thủy sản giống, không để thủy sản giống chưa kiểm dịch lưu thông, vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ trên địa bàn thành phố.
Hướng dẫn cơ sở sản xuất giống thực hiện khai báo kiểm dịch với cơ quan quản lý Nhà nước và thực hiện kiểm dịch con giống trước khi xuất bản, xét nghiệm bệnh của giống thủy sản theo quy định.
Tăng cường công tác rà soát, hướng dẫn, kiểm tra, kiểm soát đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản, vùng NTTS tập trung trong công tác phòng, chống dịch bệnh và kiểm soát nguồn gốc xuất xứ; kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng thức ăn, chế phẩm sinh học, chất xử lý cải tạo môi trường, thuốc thú y thủy sản, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (nếu có).
>> Năm 2022, diện tích nuôi trồng thủy sản của TP Hà Nội ước 24.000 ha. Tổng sản lượng thủy sản ước 123.108 tấn, tăng 2,94% so cùng kỳ năm 2021. Trong đó, sản lượng nuôi trồng ước 121.413 tấn, tăng 3%; sản lượng giống đạt 1.350 triệu cá bột các loại, tương đương cùng kỳ năm trước…