(TSVN) – Ngay từ cuối quý III/2022, các doanh nghiệp ngành tôm đều có chung nhận định, lạm phát toàn cầu sẽ còn kéo dài sang tận quý II/2023 và cuộc chiến cạnh tranh thị phần giữa các cường quốc tôm càng thêm gay gắt. Ngành tôm khó càng thêm khó. Điều đó đã và đang được thực tế chứng minh khi xuất khẩu tôm liên tục sụt giảm từ quý IV/2022 đến nay.
Tác động của lạm phát ngày càng trở nên rõ nét hơn đối với ngành tôm khi xuất khẩu bắt đầu giảm dần từ quý IV/2022 và đến tháng 1/2023 chỉ còn 169 triệu USD, tức giảm đến 46% so cùng kỳ năm trước. Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, sự cộng hưởng giữa lạm phát toàn cầu với tình trạng bão tuyết ở Mỹ và mùa đông lạnh giá ở các quốc gia châu Âu đã làm cho lượng tôm tiêu thụ mùa cao điểm cuối năm (Noel, Tết Dương lịch…) tại hầu hết các thị trường lớn đều giảm mạnh. Trong khi đó, mùa vụ thu hoạch tôm tại các nước nuôi tôm lớn vùng Nam bán cầu, như Ecuador, Indonesia… sắp bắt đầu, nên áp lực cạnh tranh về giá sẽ còn gay gắt hơn nữa trong thời gian tới. Ông Hồ Quốc Lực cho biết: “Hiện các nhà nhập khẩu vẫn đang tồn kho khá nhiều, lại thêm sức mua yếu nên doanh nghiệp Việt Nam rất khó tìm được đơn hàng mới vì họ chào giá rất thấp. Đơn cử như tôm loại 40 con/kg kỳ hạn giao quý III/2023 tính ra giá chỉ vào khoảng trên dưới 100.000 đồng/kg, trong khi tôm nguyên liệu trong nước hiện đã là 150.000 đồng/kg”.
Ngành tôm năm 2023 được dự báo sẽ chịu sự cạnh tranh gay gắt hơn. Ảnh: G.B
Tại Sóc Trăng, nơi có nhiều doanh nghiệp nằm trong top 10 xuất khẩu tôm cả nước, theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí thủy sản Việt Nam, hiện phần lớn chỉ hoạt động khoảng 40 – 50% công suất. Trao đổi với chúng tôi mới đây, ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam cho hay, đầu năm đến giờ, do thiếu đơn hàng và giá tôm nguyên liệu cao, nên Công ty chỉ tập trung làm hàng chế biến sâu, công suất chỉ còn 40% so với mọi năm. Ông Phục chia sẻ: “Chúng tôi phải cố gắng tìm kiếm hợp đồng, duy trì sản xuất nhằm giữ chân công nhân, để không để lỡ khi thời cơ đến. Vì vậy, có thể nói, hoạt động chế biến, xuất khẩu tôm trong thời điểm hiện nay chỉ nhằm giữ chân lao động và khách hàng là chính, chứ không có lợi nhuận”.
Nhận định thị trường tôm năm nay, các doanh nghiệp đều cho biết cạnh tranh sẽ gay gắt hơn rất nhiều so với những năm trước. Giám đốc một doanh nghiệp cho biết: “Nếu chỉ nhìn bên ngoài, mọi người chỉ thấy sự canh tranh đến từ các cường quốc tôm khác như: Ecuador, Ấn Độ hay Indonesia… nhưng thật ra doanh nghiệp ngành tôm trong nước cũng đang cạnh tranh với nhau và cạnh tranh với đội ngũ thương lái tiêu thụ nội địa hết sức gay gắt. Từ việc chào giá thấp để lôi kéo khách hàng diễn ra từ năm 2021, đến việc đại hạ giá để giảm tồn kho, quay vòng đồng vốn trong bối cảnh lạm phát từ quý IV/2022 đến nay khiến khó khăn càng thêm chồng chất”. Với tình hình trên, vị giám đốc này dự báo cuối năm nay nhiều khả năng sẽ có một số doanh nghiệp ngành tôm phải rời bỏ cuộc chơi.
Trở lại với mức độ cạnh tranh tại các thị trường lớn, các doanh nghiệp đều có chung nhận định, đối thủ lớn nhất của ngành tôm Việt Nam hiện nay không còn là Ấn Độ mà chính là Ecuador. Đánh giá tương quan điểm mạnh, yếu của tôm Việt trên thị trường thế giới, ông Hồ Quốc Lực cho biết, chỉ riêng ở thị trường Mỹ, hiện có 2 đối thủ lớn là Ecuador và Ấn Độ, với điểm mạnh là sản lượng lớn và giá bán thấp. Đặc biệt, Ecuador có lợi thế lớn nhất, khi giá thành vừa thấp lại gần thị trường Mỹ, nên họ có thể bán thấp hơn tôm Việt Nam đến 2 USD/kg. Còn tại Tây Âu, từ đối thủ vô danh, tôm Ecuador hiện chiếm 18% thị phần trong khi tôm Việt Nam từ 10% xuống chỉ còn 8%. Chỉ trong vòng 2 năm (2021 – 2022) kim ngạch xuất khẩu của Ecuador tăng bình quân 50%. Từ 3,5 tỷ USD năm 2020 lên 5 tỷ USD năm 2021 và năm 2022 gần 7 tỷ USD. Họ chỉ có 220.000 ha nuôi tôm nhưng lại có đến 40.000 ha đạt chuẩn ASC nên việc xâm nhập thị trường châu Âu là rất dễ dàng.
Một trong những kế thoát hiểm được doanh nghiệp đề xuất là làm sao nâng được tỷ lệ nuôi thành công cao hơn, nhằm giảm giá thành sản xuất, giúp tăng tính cạnh tranh trên thị trường, mà một trong những giải pháp cấp bách là quản lý tốt khâu sản xuất, phân phối con giống. Ông Lực chia sẻ: “Chúng ta cũng có nguồn con giống tốt, lớn nhanh, đề kháng mạnh nhưng độ phủ khá hạn chế so với nguồn giống chất lượng chưa đạt yêu cầu. Thứ hai là cần có chủ trương chính sách mới để làm sao có được những trang trại nuôi quy mô lớn hay những HTX được tổ chức một cách thực chất và hiệu quả để gia tăng tỷ lệ diện tích nuôi đạt chuẩn ASC ngày một nhiều hơn, nhằm tăng tính cạnh tranh và thị phần tôm Việt tại thị trường Tây Âu…”.
Về lâu dài, theo các doanh nghiệp cần chú trọng quy hoạch và rà soát định kỳ đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi nhất là về thủy lợi để có được môi trường nuôi tốt, góp phần tăng tỷ lệ nuôi thành công. Ông Lực chia sẻ thêm: “Nếu chúng ta triển khai đồng bộ và có hiệu quả 2 giải pháp (con giống và thủy lợi) sẽ giúp nâng cao tỷ lệ nuôi thành công, từ đó giúp giảm giá thành tôm nuôi, tăng sức cạnh tranh cho con tôm trên thị trường thế giới”.
Đối với doanh nghiệp, điều dễ nhận thấy là ngay từ quý IV/2022, phần lớn các doanh nghiệp đều đã chuyển hướng thị trường về khu vực châu Á và Australia, đồng thời chủ yếu tập trung vào chế biến sâu để chiếm giữ phân khúc cao cấp tại các thị trường lớn. Như ở thị trường Mỹ và Tây Âu, mặc dù Ecuador có lợi thế giá rẻ, tôm đạt chuẩn ASC cao, nhưng điểm yếu của họ là trình độ chế biến chưa thể sánh với ngành tôm Việt Nam. Vì vậy, để tránh cạnh tranh trực tiếp với tôm giá rẻ của Ecuador, các doanh nghiệp Việt Nam phần lớn chỉ xâm nhập ở phân khúc cao cấp. Còn thị trường gần như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, hiện nay họ đang nhập sản phẩm chế biến sâu cao cấp nên là lợi thế của doanh nghiệp Việt Nam và gần như đây là sân chơi riêng cho tôm Việt Nam. Thứ hai là bán vào thị trường này không phải mang giá cả tăng ảo nhờ cước vận chuyển thấp, do cự ly gần. Nhật là thị trường thứ 2 (có khi là thứ 3), Hàn Quốc là thứ 5 và Australia là thứ 7 của tôm Việt. Tuy nhiên, sách lược thị trường cũng cần đi liền với quy mô nuôi mà điều này này cũng còn tùy thuộc vào cách ứng xử của mỗi doanh nghiệp.
>> Ecuador tuyên bố sẽ tăng 20% sản lượng tôm để đạt mức 1,5 triệu tấn trong năm nay. Với mức tăng trên, theo tính toán của các doanh nghiệp, chỉ riêng Ecuador đã đủ sức đáp ứng nhu cầu tăng thêm của thị trường tôm thế giới trong năm 2023 (ước tính 5%). Không chỉ có Ecuador, các nước nuôi tôm lớn, như Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam… đều có kế hoạch tăng thêm, thậm chí cả Trung Quốc. Như vậy có thể thấy sức cung sẽ có xu hướng cao hơn sức cầu, dẫn đến hệ quả là giá tiêu thụ sẽ giảm. Đó là chưa kể đến yếu tố lạm phát đang làm cho sức mua yếu đi, nên để kích cầu tiêu dùng, giá tôm nhiều khả năng buộc sẽ phải giảm thêm.
Xuân Trường