Lưu ý trong vận chuyển cá

Đánh giá bài viết

(TSVN) – Hỏi: Làm thế nào để có thể giảm chất thải trong quá trình vận chuyển cá?

(Hoàng Văn Khải, xã Tân Thành, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang)

Trả lời:

Cho cá nhịn đói: Trước khi vận chuyển cá phải “luyện cá” khoảng 1 – 2 ngày (tức là cho cá nhịn đói) để hạn chế tối đa các chất thải của cá và nên tắm cho cá bằng NaCl nồng độ từ 2 – 3% trong thời gian từ 7 – 10 phút vừa có tác dụng ức chế quá trình hoạt động của các vi sinh vật và vừa có thể phòng bệnh cho cá.

Phun mưa: Là phương pháp khá đơn giản nhưng hiệu quả cao trong việc tăng lượng ôxy hòa tan và loại trừ sản phẩm thải. Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi có một thùng chứa nước đặt ở vị trí cao hơn so thùng chứa cá và thường được áp dụng khi vận chuyển cá trong các thùng chứa lớn, vận chuyển đường dài, thời gian dài và có định kỳ thay nước.

Sục khí: Biện pháp này hiện nay được dùng khá phổ biến. Có thể dùng một máy nén khí nhỏ (150 – 200W) hoặc dùng bình chứa ôxy để sục khí. Biện pháp này vừa có tác dụng loại bớt các khí độc sinh ra trong quá trình vận chuyển vừa làm tăng hàm lượng ôxy hòa tan.

Gây mê: Việc gây mê giúp đảm bảo thành công, nâng cao tỷ lệ sống trong quá trình vận chuyển. Ngoài ra, trong một số trường hợp, việc nhúng cá vào chất gây mê rồi chuyển cá sang thiết bị vận chuyển còn có tác dụng giữ cho cá được đẹp, không bị bong tróc vẩy hay trầy xước. Hiện nay, người nuôi có thể gây mê bằng MS222 (Tricaine methane sulphonate) với nồng độ 30 – 50 mg/l (tùy thuộc vào loài thủy sản).

Hỏi: Xin tư vấn một số biện pháp vận chuyển cá?

(Nguyễn Văn Trường, xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh)

Trả lời:

Hiện nay có hai hình thức vận chuyển cá giống là vận chuyển hở và vận chuyển kín.

Vận chuyển hở bằng ô tô quây bạt: Phương pháp này chở được nhiều, không tốn thời gian đóng cá và lợi dụng được lúc xe chạy tạo thành sóng trên tầng mặt làm tăng hàm lượng ôxy vào trong nước khi vận chuyển.

– Mật độ cá vận chuyển: Cá bột 50 – 70 vạn/m3 nước; Cỡ cá 4 – 5 g: mật độ 60 – 80 kg/m3; Cỡ cá 10 – 15g : mật độ 90 – 100 kg/m3. Vận chuyển từ 5 – 6 giờ phải thay nước, lượng nước thay bằng ½ lượng nước trong bạt. Nếu sau 15 giờ cần thay toàn bộ.

Phương pháp vận chuyển kín: Vận chuyển kín bằng túi PE hay PVC (túi nilon) có bơm ôxy là phương pháp vận chuyển được nhiều nơi áp dụng. Do vận chuyển được mật độ cao, thời gian dài và tỷ lệ sống của cá cao.

Túi nilon có màu trắng, dạng hình ống, chiều dài túi 1,2 – 1,4 m; chiều cao túi 60 – 70 cm. Mật độ cá vận chuyển phụ thuộc vào nhiệt độ, quy cỡ túi nilon

Mực nước trong túi vận chuyển: Nếu thời gian vận chuyển không quá 8 giờ thì mực nước trong túi chiếm khoảng 4/5 thể tích của túi khi đã đóng. Nếu thời gian vận chuyển quá 8 giờ thì thể tích nước trong túi chiếm 2/3 sau khi đóng túi.

Buộc túi và bơm ôxy: Sau khi cho cá vào túi, dùng tay vuốt không khí trong túi ra, rồi tiến hành bơm ôxy. Khi bơm ôxy, vòi xả ôxy được cắm sâu vào trong nước. Tốc độ bơm ôxy vào túi phải được tăng lên từ từ. Khi đóng túi thấy cá nổi đầu trong túi thì không được vận chuyển vì tỷ lệ hao hụt lớn. Kiểm tra cá trong túi trước khi vận chuyển bằng cách vỗ tay nhẹ trên túi thấy cá có phản ứng nhanh là cá khỏe. Ngược lại thấy cá không có phản ứng gì chứng tỏ cá yếu.

Ban KHKT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!