(TSVN) – Mức cân bằng hợp lý giữa bột cá và methionine trong khẩu phần ăn có ảnh hưởng quan trọng đến năng suất tăng trưởng và hiệu quả kinh tế của TTCT.
Nunes, A.J.P. và K. Masagounder. 2022 đã tiến hành đánh giá mức độ tối ưu của bột cá và Methionine (Met) trong chế độ ăn của TTCT giống giúp đạt hiệu quả tăng trưởng tối đa, khả năng tiêu hóa thức ăn, hiệu quả kinh tế khi giảm bột cá thông qua bổ sung DL-methionyl-DL-methionine (DL-Met-Met) trong điều kiện nuôi thâm canh.
Nghiên cứu được tiến hành tại LABOMAR, Brazil với hai giai đoạn thử nghiệm riêng biệt. Giai đoạn đầu đánh giá hiệu suất tăng trưởng của tôm khi được cho ăn các mức bột cá và Met. Giai đoạn hai xác định hệ số tiêu hóa biểu kiến (ADC) đối với protein thô (ACPDC) và axit amin (AAADC) của chế độ ăn có hàm lượng Met cố định.
Chuẩn bị 4 khẩu phần với tỷ lệ bột cá lần lượt 0, 6, 12 và 18%. Mỗi khẩu phần được bổ sung DL-methionyl-DL-methionine (DL-Met-Met) để tạo ra tổng hàm lượng Met (Met+Cys) trong chế độ ăn là 0,58 (1,05); 0,69 (1,16) và 0,82% (1,29%). Tôm con (1,00 ± 0,08 gram) được thả trong 60 bể ngoài trời thể tích 1 m³, mật độ 100 tôm/m². Mỗi nghiệm thức lặp lại 5 lần. Tôm được cho ăn 10 lần/ngày trong 70 ngày. Trong thử nghiệm tiếp theo, đánh giá tỷ lệ tiêu hóa protein và axit amin (AAs) trong 4 khẩu phần.
Tỷ lệ sống cuối cùng của tôm (92,85 ± 4,82%), tăng trọng hàng tuần (1,17 ± 0,08 g), lượng thức ăn tiêu thụ biểu kiến (13,3 ± 0,5 g) và FCR (1,18 ± 0,06) không bị ảnh hưởng bởi mức bột cá trong khẩu phần ăn và hàm lượng Met. Tuy nhiên, sản lượng thu hoạch bị ảnh hưởng bất lợi khi bột cá giảm từ 18% và 12% (1.156 và 1.167 g/m²) xuống 0%. Nhưng không có sự thay đổi nào được ghi nhận ở mức bột cá 6% (1.121 g/m²).
Trong điều kiện 0 – 6% bột cá, lượng Met yêu cầu phải cao hơn, tương ứng 0,69% và 0,82% để tối đa hóa trọng lượng thân tôm. Trong điều kiện 12% và 18% bột cá, hàm lượng Met trong chế độ ăn chỉ 0,58% là đủ.
Các kết quả nghiên cứu đã chứng minh mức độ bột cá và Met (Met+Cys) tác động đáng kể đến trọng lượng thân tôm thành phẩm. Ở khẩu phần Met thấp nhất 0,58%, bột cá chỉ có thể giảm từ 18% xuống 12%. Nếu giảm thêm sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến trọng lượng cơ thể tôm khi thu hoạch.
Ở chế độ Met vừa phải (0,69%), có thể loại bỏ hoàn toàn bột cá mà không ảnh hưởng đến trọng lượng thân tôm, nhưng bất lợi đến năng suất thu hoạch. Ở mức độ Met cao nhất (0,82%), có thể giảm bột cá từ 18% xuống 6% mà không ảnh hưởng tiêu cực đến trọng lượng thân. Do đó, mức Met trong chế độ ăn 0 – 6% bột cá dao động 0,68 – 0,82%; trong khi ở khẩu phần 12% và 18% bột cá thì chỉ cần 0,58% Met.
Đáng chú ý, hệ số tiêu hóa biểu kiến Met không bị ảnh hưởng bởi bột cá trong các chế độ ăn. Do đó, giảm bột cá trong khẩu phần của TTCT phụ thuộc vào mức độ Met thích hợp trong khẩu phần. Người nuôi tôm có thể bộ sung Met tinh thể hoặc tăng các thành phần protein giàu Met.
Trong điều kiện bể nuôi trong nhà hay ngoài trời, mức độ bột cá tối ưu trong chế độ ăn không ảnh hưởng đến hiệu suất tăng trưởng của TTCT là 6%. Muốn loại bỏ hoàn toàn bột cá khỏi khẩu phần, tỷ lệ khô đậu phải tăng lên 46,08%. Khi đó, đạm động vật chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ (4%), hầu hết có nguồn gốc từ mực hoặc krill. Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện dù ở mức khô đậu cao (45%), hệ số ADC đối với protein và axit amin đều trên 80%. Do đó, hiệu suất tăng trưởng của tôm giảm khi sử dụng 0% bột cá là do các yếu tố khác, bao gồm khả năng hấp thụ thức ăn kém.
Met cần thiết để tối đa hóa hiệu suất tăng trưởng của tôm phụ thuộc vào lượng bột cá trong chế độ ăn. Lượng bổ sung DL-methionyl-DL-methionine cao hơn giúp giảm sự phụ thuộc vào bột cá. Bổ sung 0,34% DL-Met-Met làm giảm tỷ lệ bột cá từ 18% xuống 6% mà không tác động tiêu cực đến năng suất của tôm. Như vậy, có thể giảm hoặc loại bỏ hoàn toàn bột cá mà không tác động bất lợi đến năng suất của tôm, miễn là đáp ứng được nhu cầu methionine bằng bổ sung AAs phù hợp.
TS Karthik Masagounder
Evonik Operations GmbH, Đức