(TSVN) – Không chỉ khác biệt so với cá hồi truyền thống về hệ thống nuôi, nguồn thức ăn dành riêng cho cá hồi Atlantic hữu cơ cũng phải tuân thủ những quy định khắt khe để đảm bảo chất lượng phù hợp.
Lấy trứng và tinh cá hồi Atlantic bố mẹ để thụ tinh trong các trại sản xuất giống nước ngọt (RAS, hồ nước hoặc hệ thống dòng chảy) đến khi phát triển thành ấu trùng. Sau khi nở, cá hồi được nuôi bằng thức ăn khởi đầu để đạt cỡ 100 – 250 g. Cá hồi hữu cơ trong giai đoạn này cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định về mật độ, thời gian sử dụng hệ thống chiếu sáng nhân tạo, ôxy hoặc thuốc thú y. Cá con phải có nguồn gốc từ đàn bố mẹ được hữu cơ và được nuôi trong các trại đạt chứng nhận này. Mật độ thả cá hồi giai đoạn nước ngọt không quá 20 kg/m3 và chỉ sử dụng hệ thống RAS trong 1/3 vòng đời.
Việc sử dụng ôxy trong giai đoạn nước ngọt chỉ được phép vì lý do vận chuyển và phúc lợi, yêu cầu sức khỏe hoặc ở giai đoạn sản xuất quan trọng như xử lý và điều trị bằng hóa chất. Khi xảy ra bệnh, nhiễm ký sinh trùng hoặc virus, trại nuôi được phép thực hiện hai phương pháp điều trị dị ứng mỗi năm; khi chu kỳ sản xuất dưới 1 năm thì chỉ được phép thực hiện một phương pháp điều trị. Tất cả phương pháp này phải được chứng minh bằng đơn thuốc liên quan và số lần chẩn đoán thú y. Trại nuôi tiêm phòng cho đàn cá theo yêu cầu và tất cả các giai đoạn ngừng hóa chất phải được thuân thủ nghiêm ngặt.
Châu Âu cũng đưa ra một danh sách chất được phép sử dụng để khử trùng hệ thống và thiết bị nuôi thủy sản hữu cơ, ví dụ iodophors chỉ dành cho trứng, canxi carbonate (pH), hydrogen peroxide, axit hữu cơ (acetic, lactic, peracetic và citric) và danh sách các chất sử dụng khi không có vật nuôi (ozone, sodium hypochlorite, canxi hypochlorite và caustic soda)
Cá hồi non được đánh giá bằng nhiều phương pháp gồm thử thách nước mặn; hoạt tính của enzyme Na+/K+ ATPase (NKA) trong mang; hóa mô miễn dịch (mang) hoặc qPCR đo NKA trong mang. Sau khi thích nghi tốt với môi trường nước biển, cá non được chuyển sang lồng. Cá thường được tiêm phòng trước khi vận chuyển ra biển. Đây là bước đệm để hoạt động nuôi cá đáp ứng được các tiêu chuẩn hữu cơ sau này. Các loại vaccine điển hình cho cá hồi gồm tuyến tụy (PD), hoại tử tụy truyền nhiễm (IPN), truyền nhiễm thiếu máu (ISA), viêm cơ tim và cơ xương (HSMI), hội chứng bệnh cơ tim (CMS). Các đợt bùng phát PD và IPN vẫn khá phổ biến sau khi tiêm vaccine.
Các quốc gia khác nhau có giới hạn mật độ thả nuôi dựa theo năng suất, phúc lợi và hiệu quả sử dụng thức ăn. Na Uy thường thả cá trong lồng tròn, đường kính 50 m và sâu 20 – 50 m với sinh khối tối đa 200.000 con và mật độ ≤25 kg/m3. Trong tiêu chuẩn hữu cơ, mật độ không vượt quá 10 kg/m3. Theo tiêu chuẩn của châu Âu, nếu địa điểm sản xuất trên 20 tấn cá mồi năm thì phải đánh giá môi trường hàng năm dựa trên phụ lục IV Council Directive 85/337/EEC (IOA, 2022). Đánh giá này gồm mọi tác động tích cực hoặc tiêu cực đối với sinh vật đáy và hệ sinh thái xung quanh. Người nuôi phải bỏ trống lồng trong thời gian tối thiểu 12 tháng sau khi thu hoạch hoặc vận chuyển cá, kiểm tra định kỳ để loại bỏ cá chết và tính toàn vẹn cấu trúc của lồng nuôi, ngăn chặn nguy cơ cá trốn thoát khỏi lồng.
Một yếu tố quan trọng của quy tắc hữu cơ là lựa chọn thành phần thức ăn. Theo đó, bột cá và dầu cá phải được lấy từ nguyên liệu có nguồn gốc hữu cơ và được chứng nhận từ nghề cá bền vững. Các sinh vật biến đổi gen và dẫn xuất của chúng, ví dụ tinh chất protein đậu tương bị nghiêm cấm sử dụng làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (Naturland, 2021, EC, 2018). Sự khác biệt này trong công thức thức ăn dẫn đến sự khác biệt về thành phần dinh dưỡng của cá hồi lúc thu hoạch. Ví dụ, thành phần axit béo omega-3 trong cá hồi hữu cơ khác cá hồi nuôi thông thường.
Theo tiêu chuẩn của Naturland, các thành phần thức ăn cho cá hồi hữu cơ được phép sử dụng gồm cholesterol, thực vật phù du, động vật phù du (để nuôi ấu trùng) và histidine. Histidine thức ăn phải được sản xuất bằng phương pháp lên men tự nhiên và là chất dinh dưỡng cần thiết ngăn ngừa các bệnh về mắt của cá hồi. Chế độ ăn chứa hàm lượng histidine quá thấp đã được chứng minh là gây đục thủy tinh thể cá hồi, ảnh hưởng đến hiệu quả cho ăn. Astaxanthin (Asx) cũng được phép sử dụng nếu có nguồn gốc hữu cơ hoặc tự nhiên để thay thế men Phaffia.
Mức lipid và cholesterol trong chế độ ăn, kích thước cá, chất xơ và thành phần axit béo đều ảnh hưởng đến sự hấp thụ Asx ở cá hồi. Trong một số ngoại lệ, có thể sử dụng thành phần thức ăn phi hữu cơ thông thường, nhưng phải đảm bảo các thành phần này không nằm trong danh sách bị cấm.
Vũ Đức
Theo Aquafeed