Nuôi thâm canh cá rô phi trong ao đất

Chưa có đánh giá về bài viết

Những năm gần đây cá rô phi đơn tính được người dân Hà Nam đưa vào ao nuôi, chủ yếu theo phương pháp thâm canh nuôi ghép với đối tượng khác, chưa phát huy tối đa tiềm năng. Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Hà Nam đã xây dựng thành công mô hình nuôi thâm canh cá rô phi.


Mô hình triển vọng

Mô hình được thực hiện tại xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, với sự tham gia của 3 hộ, diện tích mặt ao trung bình mỗi hộ 2.000m2 (tổng 6.250m2), được tập huấn cùng 30 hộ khác nắm chắc về kỹ thuật như: đặc điểm sinh học của cá rô phi; công tác cải tạo chuẩn bị ao nuôi; kỹ thuật thả cá giống; chăm sóc và quản lý chất lượng nước; biện pháp kiểm soát dịch bệnh trên cá nuôi; phòng trị một số bệnh thường gặp…

Mô hình đã hỗ trợ giống, thiết bị, vật tư với 100% số lượng giống rô phi tính đực theo quy định (25.000 con); hỗ trợ 10 bao thức ăn nuôi cá giai đoạn đầu, thuốc xử lý nước, phòng bệnh. Hộ tham gia phải đối ứng 50% lượng giống. Mô hình xây dựng cũng dựa theo các chỉ tiêu kỹ thuật và theo dõi như: mật độ 4 con/m2; thời gian nuôi khoảng 7 tháng; cỡ cá thu hoạch 0,5 kg/con. Ngay sau khi được chọn tham gia mô hình, các hộ đã thực hiện các biện pháp theo đúng quy trình kỹ thuật từ khâu cải tạo vệ sinh ao nuôi, sử dụng thức ăn, ổn định pH, định kỳ bón vôi bột và thay nước thường xuyên…

 

Hiệu quả cho người nuôi

Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Ngọc Lũ, ông Trần Đình Thiện cho biết: Ngay từ khi tiếp nhận dự án, HTX đã rà soát 30 hộ xã viên tham gia tập huấn để chọn ra được 3 hộ có đủ điều kiện thuận lợi và khả năng tốt tham gia mô hình. HTX kiên quyết chỉ đạo theo đúng nội dung chương trình Dự án, phối hợp các bên liên quan thường xuyên cập nhật thông tin, nắm bắt thực tế theo định kỳ để giám sát việc nuôi cá, đồng thời hỗ trợ giải quyết khó khăn.

Nuôi thâm canh cá rô phi lãi 152 triệu đồng/ ha – Ảnh: Thanh Nhã

Nhờ tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, mô hình cá rô phi của các hộ tính đến 10/9/2012 sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ sống trung bình khoảng 80%, trọng lượng cá trung bình 0,5 kg/con. Qua theo dõi, thấy cá rô phi thích nghi điều kiện tự nhiên địa phương, năng suất khoảng 20,8 tấn/ha, cao hơn dự kiến 6,8 tấn trên cùng diện tích. Nuôi thâm canh cá rô phi lãi khoảng 152 triệu đồng/ha, trong đó nuôi ghép cá rô phi lãi 88 triệu đồng/ha. Tốc độ tăng trưởng bình quân đều qua từng giai đoạn, tuy nhiên mật độ thâm canh cao nên cá rô phi trong mô hình tăng trưởng chậm hơn so cá trong các mô hình nuôi ghép bán thâm canh khoảng 1 – 2%.

Ông Trần Văn Long, một trong những chủ hộ tham gia, cho biết: Từ khi tiếp nhận giống cá cho thả, thấy cá phát triển đều. Gia đình nhận thả 8.800 con, đến lúc thu hoạch tỷ lệ đạt 80%, khoảng 700 con, tương đương sản lượng 4.500kg; với giá bán 33.000 đồng/kg trừ chi phí còn lãi gần 30 triệu đồng. Để nuôi được cá rô phi thâm canh, chủ nuôi phải mạnh dạn đầu tư, nguồn nước sạch, mật độ nuôi vừa phải.

Mô hình nuôi thâm canh cá rô phi là mô hình mới, đầu tiên được triển khai ở huyện Bình Lục theo phương thức nuôi mới, đòi hỏi người nuôi phải có trình độ thâm canh cao. Bên cạnh đó, nguồn cung cấp cá giống rô phi đơn tính đực cũng như một số giống cá khác của Hà Nam phụ thuộc hoàn toàn vào tỉnh khác. Hơn nữa giá đầu vào như con giống, thức ăn, thuốc phòng trị bệnh cao, đầu ra lên xuống thất thường, tiêu thụ chủ yếu phụ thuộc thương lái. Đặc biệt, các gia đình tham gia phải có đủ nguồn lực lao động, vốn đối ứng, có kinh nghiệm, trình độ thâm canh cao, có nguồn nước thuận tiện cấp hoặc thay và có hệ thống tiêu thoát dễ dàng. Tất cả những điều kiện khắt khe này khiến mô hình nuôi cá rô phi thâm canh trong ao đang khó nhân ra trên diện rộng.

>> Cá rô phi đơn tính có giá trị kinh tế cao, tăng trưởng nhanh, chất lượng thịt thơm ngon, có đặc tính nổi trội là ăn tạp, có khả năng thâm canh cao, dễ áp dụng cho các hình thức nuôi khác nhau.

Hoa Mai

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!