(TSVN) – Tôm châu Á như Ấn Độ, hay Việt Nam không hề thua kém tôm của Ecuador về chất lượng. Nhưng điều khiến cho tôm của Ecuador “tỏa sáng” hơn các đối thủ trên thị trường quốc tế chính là chiến lược tiếp thị hình ảnh tôm Ecuador đã thành công và đưa sản phẩm này lên tầm cao giống như một sản phẩm hảo hạng.
Từ những công ty tư nhân, đến nhà quản lý ngành tôm hay Chính phủ Ecuador, tất cả đều nỗ lực truyền tải cùng một thông điệp đến đối tác quốc tế: “Các sản phẩm tôm của Ecuador đều tốt cho sức khỏe, hương vị tươi ngon và được sản xuất bằng phương pháp bền vững và khẳng định đây là loại tôm ngon nhất thế giới (The best shrimp)”. Điều này đã được chứng minh bằng một loạt câu chuyện xung quanh hoạt động nuôi tôm bền vững, liên kết dọc và quy mô lớn cùng với đạo đức kinh doanh chuẩn mực tại Ecuador.
Mặc dù, các công ty tôm của châu Á đã tạo dựng được thương hiệu riêng và cải thiện chiến lược marketing nhưng vẫn thiếu câu chuyện về sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp tôm tại châu Á cho biết họ từng xem nhẹ việc xây dựng “câu chuyện sản phẩm” nhưng giờ đây phải đối mặt cạnh tranh gay gắt với tôm của Mỹ Latinh, họ mới nhận thức được tầm quan trọng của chiến lược marketing này. “Câu chuyện sản phẩm” phát triển theo thời gian và được thay đổi để phù hợp với thị trường, văn hóa và khách hàng. Một chiến lược tiếp thị “câu chuyện sản phẩm” hiệu quả sẽ tạo sự khác biệt cho sản phẩm đó với các đối thủ cạnh tranh.
Mặc dù sự tăng trưởng cũng có giới hạn và ngành tôm Ecuador không ngoại lệ nhưng quốc gia này vẫn có thể tiếp tục tăng sản lượng và xuất khẩu tôm với tốc độ vũ bão ít nhất trong vài năm tới. Tuy nhiên, diễn biến thị trường toàn cầu trong thời gian tới ra sao còn phụ thuộc vào sức hấp thụ của thị trường tôm Trung Quốc đối với các sản phẩm của Ecuador. Tôm Ecuador có tấn công những thị trường mới hay không cũng phụ thuộc vào sức mua của thị trường Trung Quốc. Tuy vậy, sự trỗi dậy của ngành tôm Ecuador dù trong ngắn hạn cũng tạo ra những áp lực rất lớn đối với ngành tôm của nhiều quốc gia châu Á khác.
Đối với ngành tôm của châu Á, vấn đề quan trọng trước mắt là duy trì sản lượng hiện tại chứ không phải chạy đua tăng trưởng sản lượng với Ecuador. Tại những thị trường phải đối đầu trực tiếp với tôm Ecuador, cần phải có chiến lược duy trì giá bán cạnh tranh và chú trọng xây dựng dựng hình ảnh sản phẩm.
Rabobank dự báo thương mại ngành hàng cá hồi và tôm sẽ vượt gia cầm và heo vào năm 2030. Về lâu dài, nhu cầu tiêu thụ protein toàn cầu ngày càng tăng, đòi hỏi sản phẩm phải được đa dạng hóa và chế biến sâu. Đây sẽ là động lực tăng trưởng đồng thời cũng là thách thức cho ngành tôm của nhiều quốc gia.
Chuyên gia thủy sản, Shrimpinsight