(TSVN) – Selenoprotein là phụ gia thức ăn chống lại kích ứng ôxy hóa cho TTCT nuôi siêu thâm canh. Ở những liều lượng bổ sung khác nhau, Selenoprotein sẽ tác động lên tiêu hóa, tăng trưởng và sức khỏe tổng thể của tôm.
Người nuôi tôm thâm canh có thể sử dụng nhiều loại phụ gia thức ăn để khắc phục kích ứng ôxy hóa và một trong những phụ gia hiệu quả nhất là selenoprotein. Sele – noprotein gồm cả hai thành phần selen (Se) và peptide. Selen là một nguyên tố vi lượng cần thiết cho sự tăng trưởng và các chức năng sinh lý ở các loài cá nuôi, giáp xác, đồng thời là thành phần thiết yếu của thức ăn, giúp ngăn ngừa ôxy hóa, tăng cường hệ thống miễn dịch và khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng.
Selenoprotein là một trong những selen mạnh nhất để bổ sung cho tôm. Phụ gia này dễ dàng liên kết với peptide (protein) giúp tôm tăng trưởng toàn thân. Selen hữu cơ dễ hấp thụ, dễ tiêu hóa và hoạt tính sinh học cao hơn so với selen vô cơ. Selenoprotein chứa các peptide bao gồm 2 hoặc nhiều axit amin. TTCT hấp thụ axit amin dạng peptit hiệu quả hơn so với hấp thụ axit amin đơn lẻ. Nhiều nghiên cứu cũng đã khẳng định tính chất vật lý và hóa học của peptide vượt trội hơn so với các axit amin đơn lẻ.
Để đánh giá hiệu lực của Selenoprotein, nhóm nghiên cứu tai Khoa NTTS, thuộc Đại học IPB Indonesia đã thực hiện 4 nghiệm thức gồm 1 khẩu phần đối chứng và 3 khẩu phần thử nghiệm bổ sung Selenoprotein theo các tỷ lệ 2,5; 5 và 7,5 g/kg thức ăn. Các nghiệm thức đều được lặp lại 4 lần. Tôm (1,5 g) nuôi trong 70 ngày và thử thách trong 14 ngày bằng vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus (107 CFU mL-1). Riêng nhóm tôm dùng để đánh giá hiệu suất tiêu hóa có trọng lượng lớn hơn (6,1 g) và được nuôi đến khi đạt điều kiện phân tích.
Sau thử nghiệm, nhóm chuyên gia nhận thấy các nhóm tôm được cho ăn bổ sung Selenoprotein thể hiện khả năng tiêu hóa, tăng trưởng và sức khỏe vượt trội so với nhóm đối chứng. Sử dụng Selenoprotein với liều lượng 7,5 g/kg thức ăn (2,72 mg Se/kg thức ăn) được đánh giá hiệu quả nhất để tăng năng suất và ngăn ngừa dịch bệnh cho tôm nuôi thâm canh.
Cụ thể, hệ số tiêu hóa biểu kiến (ADC) của TTCT được cho ăn các liều lượng Selenoprotein 5 và 7,5 g/kg thức ăn cao hơn đáng kể so với nhóm đối chứng trong khi ở liều lượng 2,5 g không có sự khác biệt đáng kể. Hệ số tăng trưởng và khả năng hấp thụ thức ăn của nhóm tôm được ăn bổ sung Selenoprotein 5 và 7,5 g/kg thức ăn cũng vượt trội so với hai nhóm còn lại. Ngoài ra, trong thử nghiệm gây nhiễm Vibrio, nhóm TTCT ăn bổ sung Selenoprotein 5 và 7,5 g/kg cũng thể hiện khả năng miễn dịch tốt hơn hẳn so với hai nhóm còn lại.
Tăng trọng của nhóm tôm bổ sung Selenoprotein 7,5 g/thức ăn tương đương mức tiêu thụ 2,72 mg Se/kg thức ăn và cao hơn 12,04% so với nhóm đối chứng. Kết quả này cho thấy liều lượng Selenoprotein bổ sung càng nhiều thì tốc độ tăng trọng của tôm càng cao, miễn là liều lượng selen vẫn nằm trong ngưỡng giới hạn chịu đựng của tôm.
Điều này chứng minh bổ sung selen hữu cơ ở dạng hydroxyl methionine selenium (HMSe) với liều lượng 3,6 mg Se kg/thức ăn giúp TTCT tăng trọng đáng kể so với nhóm đối chứng hoặc các nghiệm thức liều lượng khác. Thức ăn bổ sung Selenoprotein ẩm hơn thức ăn đối chứng. Do đó, cần phải tính trọng lượng khô của thức ăn để cân bằng độ ẩm.
Vũ Đức
Theo Aquaculture Nutrition