(TSVN) – Thế mạnh của tôm Việt Nam là có chất lượng ổn định, sản phẩm đa dạng. Việt Nam là quốc gia có lợi thế về trình độ chế biến cao, tạo ra một lượng hàng có giá trị gia tăng tốt; chuỗi giá trị con tôm khá cân bằng, diện tích nuôi lớn, Chính phủ quan tâm đến vấn đề nuôi tôm.
Các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký với những nền kinh tế lớn là cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu; xu thế người tiêu dùng chuộng thủy sản, bao gồm tôm; xu hướng tiêu dùng xanh nên tôm sinh thái Việt Nam được thế giới quan tâm. Tiềm lực về khoa học công nghệ, nhân lực và điệu kiện tự nhiên khác khiến Việt Nam hội tụ đầy đủ yếu tố để có thể tiếp tục phát triển ngành tôm. Bên cạnh đó, sự liên kết chuỗi dây chuyền, chọn giống, sản xuất giống… đến chế biến xuất khẩu ngày càng được đẩy mạnh…
Tuy nhiên, điểm yếu là chúng ta gặp vấn đề nuôi nhỏ lẻ, tự phát nhiều khiến cho việc áp dụng khoa học công nghệ, quản lý vùng nuôi, các vấn đề đầu tư… khiến cho việc giảm giá thành khó khăn, chi phí chế biến cao. Cùng với đó, hạ tầng cơ sở chưa đồng bộ; chưa có thương hiệu xứng tầm hay vấn đề chất lượng tôm giống kém vẫn chưa được kiểm soát và kiểm dịch tốt trên thị trường. Về vấn đề tôm giống, công tác quản lý sản xuất tôm giống vẫn còn lỏng lẻo, nên khó đánh giá về tiêu chuẩn cũng như chất lượng, quy hoạch vùng nuôi còn tràn lan. Những thực tế này đã đặt ra nhiều khó khăn cho nguồn cung tôm giống chất lượng, phát sinh dịch bệnh trên tôm, ô nhiễm môi trường ao nuôi.
Thách thức hiện nay của ngành tôm rất lớn, trong đó năm 2023 lạm phát, suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng sức tiêu thụ của các thị trường lớn. Kế đến là chúng ta phải cạnh tranh trực tiếp với Ecuador và Ấn Độ là những nước có giá thành thấp hơn Việt Nam. Điển hình, hiện nay chi phí để sản xuất một kilogram tôm (loại 50 con/kg) của Việt Nam ở mức từ 3,5 – 4,2 USD/kg, trong khi đó tại Ecuador chỉ từ 2,2 – 2,4 USD/kg, còn Ấn Độ là 2,7 – 3 USD/kg.
Các doanh nghiệp, nhà quản lý làm sao cần có chiến lược, chương trình để đến năm 2025, tôm Việt Nam có giá thành thấp hơn tôm Ecuador tạo lực đẩy nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới. Ngoài ra, còn một số thách thức khác là rào cản thuế chống bán phá giá tại thị trường Mỹ, hay dịch bệnh, lao động nhân công.
Về một số thị trường xuất khẩu, với thị trường Mỹ, do lạm phát cao, nhập khẩu phụ thuộc nhiều vào lượng hàng tồn kho của năm 2022; xuất khẩu tôm sang EU không được đánh giá tích cực trong năm 2023 do tác động chiến tranh Nga – Ukraine; xuất khẩu tôm sang Nhật Bản dự kiến vẫn ổn định trong năm 2023; nửa đầu năm 2023, nhập tôm của Hàn Quốc sẽ chậm lại do kinh tế khó khăn, sau đó sẽ phục hồi.
Xuất khẩu tôm năm 2023 của Việt Nam dự kiến khó khăn, nhu cầu chỉ phục hồi từ quý II/2023 trong xu hướng giá thấp hơn năm 2022. Theo đó, khuyến nghị doanh nghiệp cần tối ưu chi phí; tập trung phát triển giá trị gia tăng, nâng cao chất lượng sản phẩm làm chìa khóa xâm nhập mở rộng thị trường; chuyển hướng xuất khẩu sản phẩm đặc thù quốc gia như tôm – rừng, tôm – lúa; chủ động thay đổi cơ cấu sản phẩm để đáp ứng nhu cầu từng phân khúc thị trường.
Tổng thư ký VASEP