(TSVN) – Cộng đồng doanh nghiệp thủy sản mới đây đã có một số kiến nghị đến Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu.
Thứ nhất, về nguyên liệu và duy trì năng lực sản xuất nguyên liệu. Trước tình hình người dân ngại thả nuôi vụ mới do chi phí tăng cao và e ngại thị trường tiếp tục xấu, xin kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét để sớm có một chương trình kích cầu để tạo tâm lý yên tâm cho nông dân, ngư dân duy trì sản xuất nguyên liệu. Xin đề xuất có gói tín dụng khoảng 10.000 tỷ đồng với lãi suất thấp (bằng với mức vay ngoại tệ) cho doanh nghiệp thủy sản vay, thu mua và trữ nguyên liệu khi vào vụ thu hoạch (nếu thị trường lúc đó vẫn không tốt).
Thứ hai, liên quan đến chứng nhận hải sản khai thác và khơi thông xuất khẩu. Xin kiến nghị Bộ NN&PTNT và các tỉnh ven biển quyết liệt chỉ đạo gỡ “thẻ vàng” IUU của EC, ưu tiên lớn nhất là không còn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; cải tiến cơ sở dữ liệu quản lý tàu, thuyền khai thác; đẩy nhanh việc số hóa quy trình kiểm tra – cấp xác nhận, chứng nhận khai thác.
Thứ ba là vấn đề tín dụng và lãi suất. Xin kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét chỉ đạo: Điều chỉnh lãi suất vay USD xuống dưới 4% để hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu. Có chính sách hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, bao gồm thủy sản. Rà soát thủ tục và xem xét có các gói tín dụng ưu đãi dành cho hộ nuôi tôm nhỏ lẻ. Cho các doanh nghiệp thủy sản được giãn nợ 3 – 5 tháng cho các khoản vay đến hạn phải trả trong quý I – II/2023. Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đối với doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản theo NĐ số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ.
Thứ tư, liên quan đến việc tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm thủy sản Việt Nam. Kiến nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo duy trì một số chính sách giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, bao gồm: Các chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất và miễn, giảm các loại phí, lệ phí, giảm mức đóng quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho doanh nghiệp đến hết 2023. Kiến nghị Bộ Tài chính đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế GTGT, nghiên cứu sửa đổi, đề xuất mức đóng kinh phí công đoàn từ 2% xuống tối đa 1% quỹ lương. Kiến nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo: Các đơn vị liên quan tập trung kiểm soát các cơ sở sản xuất giống thủy sản, kiểm soát chất lượng tôm giống bố mẹ, cũng như có các biện pháp giúp bình ổn giá thức ăn, thuốc thú y. Kiến nghị Bộ Tài chính xem xét giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương từ 2% xuống 0% để hỗ trợ ngành NTTS Việt Nam. Kiến nghị Bộ Tài chính đưa vào văn bản quy phạm pháp luật xác định rõ hoạt động chế biến thủy sản được thực hiện chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp theo đúng tinh thần văn bản số 2550 ngày 12/3/2021 của Bộ Tài chính.
Thứ năm, liên quan đến khơi thông và phát triển thị trường. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, Bộ NN&PTNT chủ trì cùng với VASEP triển khai đề án xây dựng thương hiệu cho trước hết 3 sản phẩm chủ lực của Việt Nam là tôm, cá tra và cá ngừ, bắt đầu từ quý IV/2023. Có thể nói thị trường Trung Quốc sẽ là động lực quan trọng cho tăng trưởng xuất khẩu thủy sản, xin kiến nghị Chính phủ có sự quan tâm cho xây dựng một chiến lược dài hạn 10 năm với mục tiêu tăng gấp đôi thị phần xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc. Trước mắt đẩy mạnh xúc tiến thương mại vào các địa phương lớn của Trung Quốc, các thị trường giáp biên. Kiến nghị Bộ Công thương bổ sung ngân sách cho Hội chợ thủy sản hàng năm tại Thanh Đảo. Kiến nghị Chính phủ rà soát và làm việc với phía Chính phủ Hàn Quốc xem xét việc bãi bỏ quota nhập khẩu tôm từ Việt Nam hoặc có các giải pháp liên quan đến việc điều chỉnh thuế suất về 0% cho tôm Việt Nam trong hiệp định VKFTA.
H.C