(TSVN) – Cá da trơn lai được nuôi thử nghiệm bằng phụ gia nấm men Candida utilis (C.utilis) trong 9 tuần đạt hiệu suất tăng trưởng và hiệu quả sử dụng thức ăn cao hơn. Điều này chứng tỏ C.utilis có khả năng thay thế các thành phần thức ăn thực vật trong khẩu phần của cá da trơn lai.
AquaBioTech Group, một thành viên trong Dự án “Đối tác đa bên Horizon 2020 iFishIENCi” đánh giá tính khả thi của những thức ăn mới và bền vững, vừa thực hiện thử nghiệm đánh giá hiệu suất tăng trưởng và sử dụng thức ăn của cá da trơn lai (Calaris gariepinus và Heterobranchus longifilis) thông qua phụ gia nấm men mới có nguồn gốc từ nấm Candida utilis nuôi cấy. Thử nghiệm nuôi tăng trưởng kéo dài 9 tuần. Các kết quả ban đầu cho thấy C.utilis có khả năng thay thế các thành phần thức ăn thực vật trong khẩu phần của cá da trơn lai.
Thức ăn thử nghiệm được so sánh với thức ăn đối chứng (42% protein, 12% lipid). Trong đó, 80% protein là thành phần thực vật trên cạn (lúa mỳ, khô đậu, gluten mỳ) và 17% từ động vật (bột lông vũ, bột cá, dầu cá, dầu gia cầm). Hai nghiệm thức bổ sung nấm C.utilis theo tỷ lệ lần lượt 10 và 20%. Tiến hành phân chia ngẫu nhiên 140 cá da trơn thành 3 nhóm trong các bể nuôi RAS thể tích 0,65 m3 và lặp lại thử nghiệm 3 lần. Các kết quả cho thấy, xu hướng tăng trưởng tương tự giữa các nghiệm thức. Cả ba khẩu phần được xây dựng theo các công thức isonitrogenous (42% protein thô) và isolipidic (12% béo thô). Cá da trơn non có trọng lượng ban đầu 0,4 g, được cho ăn khẩu phần thương mại đến khi đạt cỡ phù hợp mới tiến hành thử nghiệm.
Cá có trọng lượng 77,7±0,25 g được thả ngẫu nhiên theo mật độ 140 cá thể trên mỗi lần lặp lại và cho ăn vừa đủ 3 lần/ngày trong 9 tuần. Khối lượng tổng của số cá này được cân vào tuần thứ 4 và tuần cuối cùng của thử nghiệm. Hiệu suất tăng trưởng (FCR, SGR, PER, SFR) giữa các nghiệm thức được đánh giá cùng với các dữ liệu bổ sung thu được từ hình thái sinh học (K, sản lượng thịt, VSI, SSI, HSI) và cường độ màu sắc thân cá.
Hiệu suất tăng trưởng, chỉ số hình thái sinh học và cường độ màu sắc thân được phân tích. Cá dung nạp tốt cả ba khẩu phần và không có dấu hiệu chán ăn. Các nghiệm thức bổ sung nấm men cho kết quả tăng trưởng tương tự và không làm giảm hiệu suất tăng trưởng của cá. Thực tế, bổ sung 20% nấm men giúp cá tăng trưởng tốt hơn so với nhóm đối chứng và nhóm bổ sung 10% nấm. Tỷ lệ sống nhìn chung đều đạt trên 98% cho thấy các nghiệm thức không gây ra bất kỳ tác động tiêu cực nào. Cuối cùng, chỉ số sinh trắc học và hình thái học giữa các nghiệm thức không có sự khác biệt đáng kể, trong khi cường độ màu sắc thân (tọa độ màu đỏ/xanh) của nhóm cá ăn bổ sung 20% nấm men cao hơn hẳn so với nhóm đối chứng.
Ngành thức ăn thủy sản đã có nhiều sự lựa chọn hơn và giảm dần phụ thuộc vào bột cá và đạm thực vật. Nấm C.utilis có giá trị dinh dưỡng quan trọng, với thành phần giàu protein (55%) và axit amin cân bằng, gồm lysine (4,5%), threonine (3%), histidine (2%) và arginitie (4,9%) cùng B-complex vitamin, giúp cắt giảm khoảng 14 – 28% đạm thực vật trong khẩu phần của cá da trơn. Độ ngon miệng của các khẩu phần chứa nấm men trái ngược với nhiều nghiên cứu trước đây trên cá trê phi khi bổ sung 30% nấm men làm thức ăn kém hấp dẫn và giảm lượng ăn vào (Solomon et al, 2017).
Sử dụng nấm C.utilis và nấm men nói chung như một nguồn protein mới đã được nghiên cứu rộng rãi trên nhiều loài cá có giá trị kinh tế như cá hồi, cá biển và cá nước ngọt. Các kết quả cho thấy sự cải thiện hiệu suất tăng trưởng, đáp ứng miễn dịch và khả năng kháng bệnh. Mặc dù, các kết quả của thử nghiệm của AquaBioTech Group khả quan, nhưng vẫn cần phải nghiên cứu thêm để đánh giá sự tương tác giữa các thành phần trong công thức, ảnh hưởng lên tiêu hóa và đường ruột của cá da trơn lai.
Vũ Đức
Theo Feednavigator