(TSVN) – Phát triển du lịch gắn với làng nghề đang là định hướng của nhiều tỉnh, thành trong thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương và an sinh của người dân, trong đó, du lịch biển cũng rất được chú trọng, mà điểm tựa cho chương trình này là những làng chài. Đây được coi là “một mũi tên trúng hai đích”, khi vừa duy trì một nét văn hóa biển, vừa tạo sinh kế cho đông đảo ngư dân trong bối cảnh chuyển đổi nghề đang rất được quan tâm.
Việt Nam có đường bờ biển dài 3.260 km trải dài từ Móng Cái đến Hà Tiên và hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ, bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Với tiềm năng và lợi thế lớn về tài nguyên, Việt Nam có địa lý chính trị và địa kinh tế rất quan trọng mà không phải quốc gia nào cũng có.
Việc phát triển du lịch làng chài được các tỉnh, thành ven biển chú trọng. Bởi đây là một lợi thế rất lớn của nước ta. Hiện, ở Việt Nam có rất nhiều làng chài đẹp, vẫn giữ nguyên được bản sắc văn hóa từ những thế kỷ trước như: Cửa Vạn (Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh), Cái Bèo (Hải Phòng), Nhơn Lý (Quy Nhơn), Lăng Cô (Huế), Mũi Né (Phan Thiết)… Dựa trên tiềm năng đó, một số địa phương đã và đang nỗ lực trong công tác bảo tồn làng chài, trong đó có bảo tồn kiến trúc và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng của các làng chài, đồng thời phát triển du lịch, nhằm phát huy tối đa thế mạnh và tạo sinh kế cho ngư dân.
Làng chài Mũi Né nổi lên như một điểm du lịch hút khách bậc nhất ở tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Hoài Phương
Tại Bình Định, năm 2020, UBND tỉnh chính thức phê duyệt Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng tại thôn Lý Lương, Lý Hưng (xã Nhơn Lý) và khu vực Bãi Xép (phường Ghềnh Ráng), TP Quy Nhơn đến năm 2025”.
Làng chài Nhơn Lý vừa có sức hút từ vẻ đẹp như các làng chài Duyên hải Nam Trung bộ nhưng có một số đặc trưng kiến trúc riêng có, nhờ vậy Nhơn Lý nổi lên như một điểm du lịch hút khách bậc nhất ở Bình Định và du lịch cộng đồng được lựa chọn cho địa phương này. Chính vì thế, UBND xã Nhơn Lý sẽ phối hợp với các sở, ngành để triển khai kế hoạch cụ thể; đồng thời, hướng dẫn cho cộng đồng chung tay xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng ở địa phương tốt theo hướng hiệu quả nhất.
Còn tại Quảng Ninh, tỉnh đã sớm có Đề án “Bảo tồn và phát triển các sản phẩm du lịch tại các làng chài trên Vịnh Hạ Long giai đoạn 2014 – 2020”. Theo đó, 4 làng chài là Ba Hang, Hoa Cương, Cửa Vạn, Vung Viêng và khu tái định cư Cái Xà Cong đã được đề xuất xây dựng những sản phẩm du lịch, gắn với đặc trưng văn hóa của từng làng chài.
Tại làng chài Vung Viêng hiện có gần 100 lao động đang làm việc cho HTX Dịch vụ du lịch vạn chài Hạ Long, với khoảng 60 thuyền nan thường xuyên hoạt động, đưa đón khách tham quan làng chài. HTX được thành lập từ năm 2008 và ngư dân làng chài là nguồn nhân lực chính tham gia. Người dân làng chài trở thành một hướng dẫn viên giới thiệu cho du khách…
Còn tại khu vực Cửa Vạn, ngoài dịch vụ chèo đò, người dân làng chài còn tham gia vào các hoạt động biểu diễn hát giao duyên, trình diễn đan lờ, đan lưới, sửa chữa ngư cụ phục vụ du khách… Những mô hình du lịch như thế này không chỉ tạo việc làm cho ngư dân, giúp du lịch Quảng Ninh không phụ thuộc mùa vụ mà còn góp phần phát triển du lịch cộng đồng từ vùng lõi di sản và để người dân hưởng lợi ích từ du lịch theo đúng chủ trương của tỉnh.
Đồng quan điểm, đại diện ngành du lịch tỉnh Bình Định cũng cho biết, mục tiêu của mô hình du lịch cộng đồng làng chài ven biển Quy Nhơn là đem tới cho du khách trải nghiệm đúng nghĩa của trong hoạt động lưu trú, sinh hoạt và tham gia với các hoạt động kinh tế của người dân ở làng chài. Trong các hoạt động sẽ đặt người dân vào vị trí là người chủ động, liên kết để phát triển du lịch; chính quyền địa phương giữ vai trò quản lý Nhà nước. Chỉ có vậy, du lịch cộng đồng mới thực sự thể hiện đúng nghĩa.
Không chỉ gia tăng kinh tế và an sinh xã hội cho người dân mà mô hình du lịch cộng đồng còn nâng cao ý thức bảo vệ môi trường vùng biển. Ông Vũ Văn Hồng, HTX Dịch vụ du lịch Vạn Chài Hạ Long chia sẻ, khi mô hình du lịch cộng đồng trên Vịnh phát triển, mọi người dân làng chài đều rất tích cực tham gia chở khách du lịch và có ý thức hơn trong việc dọn rác để làm sạch môi trường Vịnh Hạ Long.
Bảo Hân