(TSVN) – Từ đầu năm đến nay, giá cá tra nguyên liệu chỉ tăng được mấy ngày cuối tháng 3, còn lại liên tục giảm ở mức thấp, cùng với kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh gây ra nhiều khó khăn cho cả người nuôi và doanh nghiệp.
Những ngày giữa tháng 5/2023, giá cá tra đã “chạm đáy” trong hai năm qua. Tỉnh Đồng Tháp có diện tích nuôi cá tra lớn nhất ĐBSCL, giá tại ao nuôi vào ngày 24/3 đạt mức cao nhất với 30.000 – 31.000 đồng/kg nhưng sau đó giảm xuống, đến ngày 16/5 chỉ còn 26.500 – 27.000 đồng/kg. Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Đồng Tháp, ông Võ Bé Hiền cho hay, các hộ nuôi cá tra đang rất lo lắng vì giá cá thấp kéo dài, bán cũng lỗ mà không bán càng lỗ.
Ông Nguyễn Văn Mửng ở xã Bình Hưng (TP Hồng Ngự, Đồng Tháp) cho biết, gia đình ông có gần 600 tấn cá đã lớn mỗi con gần kg nhưng chưa kiếm được người mua. Các doanh nghiệp lớn không mua, nếu có mua cũng chỉ với giá 28.000 đồng/kg, còn doanh nghiệp nhỏ thì chỉ mua… thiếu. “Bán giá 27.500 – 28.000 đồng/kg là người nuôi dễ bị lỗ khoảng 2.000 đồng/kg”, ông Mửng nói.
Ở tỉnh An Giang nuôi cá tra lớn thứ hai vùng ĐBSCL, giá cá “tuột dốc” hơn tháng qua cũng đang làm người nuôi điêu đứng, vì càng nuôi càng lỗ mà bán lại không có người mua. Ông Trần Quang Vinh ở thị trấn An Châu (huyện Châu Thành) cho hay, gia đình ông còn bốn ao cá tra lớn một con cả ký mà chưa bán được, “phải giá trên 30.000 đồng/kg mới có lời, còn dưới là lỗ và càng nuôi càng lỗ”. Ông than thở, năm 2022 giá thức ăn ở mức thấp mà bán cá giá trên 29.000 đồng/kg nên có lời, nay thức ăn tăng giá thì giá cá lại tuột hoài, nên người nuôi chỉ có lỗ.
4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cá tra của Việt Nam mới chỉ đạt gần 570 triệu USD. Ảnh: LHV
Ở TP Cần Thơ, quận Thốt Nốt trong hơn 4 tháng đầu năm nay nuôi cá tra chỉ 287,3 ha (giảm gần 27% so cùng kỳ năm trước); sản lượng đã thu hoạch 32.534 tấn (giảm 1.401 tấn). Chỉ những người có vốn và kỹ thuật cao mới dám nuôi, giá thành cá khoảng 28.000 đồng/kg, với giá bán trong nhiều tháng qua hầu như không có lời.
Số liệu của Bộ NN&PTNT, trong 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cá tra đạt 558 triệu USD, giảm 39,9% so cùng kỳ năm trước. Đáng lo ngại, trong 3 tháng đầu năm đã giảm mạnh và dự báo sang quý II/2023 sẽ phục hồi nhưng tháng 4 tiếp tục giảm mạnh, ở tất cả thị trường chính.
Theo VASEP, từ tháng 1 đến tháng 3, kim ngạch xuất khẩu cá tra 422 triệu USD, giảm 35% so cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường chính đều giảm: Trung Quốc chỉ đạt 143 triệu USD, giảm 22%; Mỹ 58 triệu USD, giảm 64%; Brazil 20 triệu USD, giảm 40%; Thái Lan 16 triệu USD và Mexico 15 triệu USD đều giảm 47%. Chỉ có thị trường Anh đạt 16 triệu USD, tăng 34%.
Sang tháng 4/2023, xuất khẩu cá tra tiếp tục giảm sản lượng 42% và kim ngạch 52% so với cùng kỳ năm trước. Thống kê của AgroMonitor, trong tháng này giảm sản lượng và kim ngạch ở thị trường Trung Quốc là 65% và 68%, Mỹ là 54% và 66%, ASEAN là 16% và 34%, EU là 10% và 20%, Nam Mỹ là 15% và 19%, riêng Trung Đông sản lượng tăng 28% nhưng kim ngạch cũng giảm 5%.
Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam Dương Nghĩa Quốc cho rằng, do khủng hoảng kinh tế nên sức mua tại các thị trường chính của cá tra giảm rất mạnh. Dự báo phải đến cuối năm 2023, xuất khẩu cá tra mới có thể phục hồi. Phân tích của VASEP, thị trường Mỹ có lượng cá tra tồn kho nhiều và đối mặt với sự cạnh tranh từ một số nước khác cũng đang phát triển nuôi cá tra. Thị trường Trung Quốc có hai dòng sản phẩm chính là fillet, cắt khúc đông lạnh và cá tra tươi/đông lạnh/khô nguyên con, cắt khúc; trong 3 tháng đầu năm nay đã có gần 100 doanh nghiệp Việt Nam xuất cá tra sang Trung Quốc nhưng thị trường này đang đối mặt vấn đề “giảm phát”, có nguy cơ rơi vào suy thoái và người tiêu dùng giảm chi tiêu hơn nữa.
Đại diện Công ty CP XNK Thủy sản Cá Biển Hồ (An Giang) cho biết, hơn tháng nay nhập khẩu của Trung Quốc giảm nên Công ty phải giảm lượng xuất khẩu hơn 50% so cùng kỳ. Đại diện Công ty CP Đầu tư và Phát triển đa quốc gia (IDI) thuộc Tập đoàn Sao Mai cũng thông tin, lượng xuất khẩu đã giảm 20% so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường nội địa tiêu thụ số lượng cá tra lại không đáng kể. Tập đoàn Nam Việt đặt mục tiêu đưa vào thị trường nội địa 15% sản phẩm giá trị gia tăng cá tra, nhưng từ đầu năm đến nay chỉ đưa được khoảng 7%, do thiếu sức mua. Một số doanh nghiệp đang mở hướng đưa cá tra sang thị trường Campuchia và vài nước lân cận.
Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hòe phân tích, cá tra cũng như các ngành khác đang phải chịu chi phí đầu vào tăng cao, trong tình hình thiếu vốn nên càng khó khăn. “Cộng đồng doanh nghiệp cá tra hy vọng Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành kịp thời tháo gỡ khó khăn như ưu tiên vốn cho sản xuất và giảm lãi suất vay để hỗ trợ vượt khó. Đặc biệt là những biện pháp hỗ trợ có thể triển khai ngay như giảm giá thuê đất, giá điện… để doanh nghiệp cá tra không lâm vào cảnh kiệt quệ, phá sản”.
Sáu Nghệ