(TSVN) – Tình trạng nắng nóng như thiêu đốt và ít mưa ở Bangladesh vào đầu mùa hè năm nay đã gây ra những tác động tàn phá đối với ngành tôm nuôi Bangladesh, đặc biệt là ở huyện Satkhira, thuộc khu vực Khulna.
Người nuôi tôm trong vùng Satkhira đã bị thiệt hại nặng nề do nắng nóng gay gắt và hạn hán kéo dài hơn một tháng rưỡi qua. Ông Rajyaswar Das, một nông dân nuôi tôm ở làng Sarappur, cho biết ông đã thiệt hại khoảng 27.000 USD ngay trước khi thu hoạch và xuất bán. Nhiều hộ nuôi tôm trên địa bàn huyện cũng bị ảnh hưởng tương tự.
Việc nạo vét sông Mirichchap cũng đóng góp một phần vào tình trạng thiếu nước trong ao nuôi tôm. Ông Abdul Bari, một nông dân và thương nhân nuôi tôm khác, cho biết 70 – 80% tôm nuôi của ông chết do nhiệt độ bất thường khi vẫn còn nhỏ. Những thiệt hại mà những người nông dân Bangladesh như ông Das và ông Bari phải chịu đã có tác động đáng kể đến sản lượng tôm chung của huyện.
Trang trại nuôi tôm ở Satkhira, Bangladesh. Ảnh: Seafood Network Bangladesh
Tổng thư ký Hiệp hội những người nuôi tôm huyện Satkhira, ông Abul Kalam Babla, cho biết đã có khoảng 40% tổng số tôm chết trong đợt nắng nóng gay gắt, dẫn đến thiệt hại hơn 1,8 triệu USD. Ngoài ra, Ủy ban Phát triển Nước đã nạo vét sông và các đập tạm thời cũng đã gây cản trở dòng chảy của nước. Do đó, nông dân không thể duy trì mực nước thích hợp, làm trầm trọng thêm vấn đề do nắng nóng gây ra và dẫn đến tôm chết nhiều hơn.
Cán bộ thủy sản địa phương, ông Anisur Rahman cho biết hiện có khoảng 60.000 ao nuôi tôm, bao phủ 68.000 ha đất ở Satkhira. Tuy nhiên, người nuôi tôm đang phải đối mặt với nhiều thách thức khác nhau, bao gồm thiếu nguồn tôm hậu ấu trùng (PLs) chất lượng, dẫn đến tôm sinh trưởng kém và bị bệnh. Ông Rahman khuyên nông dân nên tăng mực nước trong ao nuôi và nuôi tôm trong một môi trường sạch bệnh và có kế hoạch chi tiết.
Trong khi đó, khu vực Koyra Upazila ở huyện Khulna, phải đối mặt với sự bùng phát virus nguy hiểm khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn đối với các trang trại nuôi tôm sú. Nguyên nhân chủ yếu là do hạn hán và thiếu nước trong các khu trang trại nuôi. Theo chính quyền địa phương, sự gia tăng độ mặn do biến đổi khí hậu và hạn hán cũng đã làm trầm trọng thêm vấn đề.
Tôm sú chết hàng loạt trên khắp Koyra Upazila đã gây ra mối đe dọa đối với thu nhập ngoại hối của chính phủ Bangladesh khi Koyra Upazila có khoảng 4.000 ao nuôi tôm với nhiều diện tích khác nhau. Mục tiêu sản lượng tôm sú là 6.000 tấn nhưng tỷ lệ tôm chết hàng loạt này sẽ gây khó khăn cho việc đạt được mục tiêu.
Ông Aminul Haque, Cán bộ thủy sản cấp cao của Koyra Upazila, giải thích rằng nhiệt độ tăng do biến đổi khí hậu đã góp phần gây ra những thách thức mà nông dân phải đối mặt. Ngoài ra, mực nước không đủ trong các khu vực nuôi đã làm tăng độ mặn. Cục Thủy sản Upazila đang tích cực hướng dẫn nông dân giải quyết những vấn đề này và giảm thiểu các tác động bất lợi đối với việc nuôi tôm.
Thảo Giang
Theo TFS