(TSVN) – Cá hồi Coho, từng chủ yếu dành cho thị trường Nhật Bản, đang ngày càng tìm được chỗ đứng mới tại Mỹ và các nước khác, từ đó thúc đẩy người nuôi cá hồi Chilê đa dạng hóa sản xuất.
Những người nuôi cá hồi Chilê đang đẩy mạnh sản xuất cá hồi coho do loài này có chu kỳ sản xuất nhanh hơn, hiệu quả hơn và cần ít biện pháp điều trị y tế hơn. Chilê là một trong những nhà sản xuất fillet cá hồi tươi và đông lạnh lớn nhất thế giới, trong đó Mỹ là thị trường tiêu thụ cá hồi hàng đầu, chiếm 35,9% sản lượng. Tuy nhiên, do các quy định về môi trường được đưa ra ở quốc gia Mỹ Latinh trong những năm gần đây, các nhà sản xuất cá hồi bị hạn chế trong việc tăng sản lượng.
Nguồn cung cá hồi Đại Tây Dương nuôi toàn cầu được dự báo sẽ tương đối ổn định vào năm 2023, ngay cả khi nhu cầu được dự báo sẽ tăng. Đầu năm nay, Kontali dự đoán rằng sản lượng cá hồi của Chilê sẽ giảm 2% trong năm 2023 so với năm ngoái khi đạt 750.000 tấn.
Nhiều nhà sản xuất cá hồi của Chilê tăng cường nuôi cá hồi Coho do nhu cầu tăng lên từ thị trường. Ảnh: WWF-US
Một số người nuôi cá hồi Chilê gần đây đã chọn chuyển đổi một số giấy phép nuôi cá hồi Đại Tây Dương – loài cá hồi chính được nuôi ở Chilê – sang cá hồi coho nhằm thúc đẩy sản xuất loài này.
Cá hồi Coho có làn da chắc khỏe hơn, có khả năng chống lại rận biển và virus truyền nhiễm bệnh thiếu máu cá hồi (ISA) cao hơn. Đồng thời, loài này cũng có thể thu hoạch trước thời kỳ mùa hè khi nhiệt độ cao hơn dẫn đến nguy cơ tảo nở hoa.
Theo một công ty sản xuất cá hồi tại Chilê, thời gian nuôi trên biển của cá hồi Coho ít hơn, giảm nguy cơ mắc bệnh và chu kỳ sản xuất nhanh gần gấp đôi so với cá hồi Đại Tây Dương. Công ty này cho biết việc sản xuất cá hồi Coho ngày càng tăng này sẽ đánh dấu một xu hướng mới trong ngành thủy sản Chilê.
Cá hồi Coho tiếp cận thị trường nhanh hơn sẽ cho phép các nhà sản xuất tăng sản lượng cá hồi nhiều hơn. Sản phẩm ban đầu chỉ phổ biến ở Nhật Bản, sau đó đã lan sang Mỹ và các thị trường khác nhờ sự nổi tiếng của các nhà hàng Nhật Bản.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất có thể chuyển đổi giấy phép nuôi cá hồi Đại Tây Dương sang nuôi cá hồi Coho, nhưng lại không thể chuyển ngược lại ngay lập tức. Hiện giá cá hồi Coho có giá thấp hơn 1 USD/pound so với cá hồi Đại Tây Dương cùng loại.
Sản lượng cá hồi Coho của Chilê dự kiến sẽ tăng từ mức dự kiến 160.000 tấn năm ngoái lên hơn 200.000 tấn trong năm nay. Trong đó, sản lượng cá hồi Coho của Công ty AquaChile chiếm gần 100.000 tấn.
Công ty AquaChile không xác nhận số liệu sản xuất dự kiến năm 2023 do các chính sách cạnh tranh tự do nội bộ. Tuy nhiên, Công ty này cho biết năm 2022, họ đã thu hoạch được 78.000 tấn cá hồi coho WFE (tương đương cá nguyên con).
Cá hồi coho đang mở ra cơ hội mới cho người nông dân Chilê khi nước này khó cạnh tranh cá hồi tươi ở châu Âu bởi thời gian vận chuyển chậm hơn so với Na Uy hoặc các trung tâm sản xuất khác của châu Âu, nhưng họ lại có thể cạnh tranh với các sản phẩm đông lạnh. Kim ngạch xuất khẩu cá hồi Chilê sang châu Á cũng đang tăng lên sau sự sụt giảm nghiêm trọng trong đại dịch COVID-19.
Hội Cá hồi Chile, nơi tập hợp các nhà sản xuất cá hồi lớn của Chilê với hơn 50% tổng sản lượng, cho biết xuất khẩu của họ giảm 1% trong quý đầu tiên của năm 2023 so với cùng kỳ năm trước.
Các công ty khác như Salmones Camanchaca, Salmones Aysen, Invermar, Marine Farms và Salmones Blumar, cũng đang tăng cường sản xuất cá hồi Coho. Riêng Salmones Camanchaca đã và đang đa dạng hóa hoạt động xuất khẩu cá hồi Coho ra khỏi Nhật Bản. Camanchaca dự kiến thu hoạch cá hồi Coho từ 10.000 tấn đến 12.000 tấn WFE cho mùa vụ năm 2023, tăng từ 4.000 tấn vào năm 2022. Sản lượng cá hồi coho sau đó sẽ ổn định vào năm 2024.
Ông Ricardo Garcia, Phó chủ tịch của Camanchaca, cho biết sản lượng cá hồi Coho tăng là do khả năng thích ứng của loài này. “Chúng tôi nhìn thấy những cơ hội tuyệt vời ở coho vì loài cá này thích nghi tốt với các điều kiện của Chilê và có khả năng chống lại các bệnh hiện có tốt hơn”, ông nói.
Linh Linh
Theo Undercurrent News