(TSVN) – Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng đối với sự thành thục của cả tôm đực và tôm cái. Dưới đây là một số loại thức ăn được sử dụng phổ biến trong quá trình nuôi vỗ tôm bố mẹ.
Giun nhiều tơ là một nhóm lớn của ngành giun đốt với nhiều hình dạng khác nhau. Chúng dành hầu hết thời gian sống bên dưới nền đáy trong những hang tự đào có dạng hình chữ U. Giun nhiều tơ Perinereis nuntia var. brevicirris (Grube, 1857) được sử dụng rộng rãi như là một loại thức ăn tươi sống cho tôm bố mẹ nuôi trong các trại sản xuất nhằm mục đích nâng cao mức độ thành thục, chất lượng trứng và tinh trùng, đặc biệt là khi giun đang trong giai đoạn sinh sản, do chất lượng của giun trong giai đoạn này giúp tăng khả năng sinh sản của tôm. Giun nhiều tơ được xem là loại thức ăn ưa thích nhất của tôm bố mẹ bởi chúng có thể cung cấp đủ dinh dưỡng cho tôm bố mẹ khỏe mạnh với lượng trứng nhiều và tỷ lệ nở cao hơn. Theo nhiều nghiên cứu, giun nhiều tơ cung cấp nguồn enzyme cần thiết, các axit amin thiết yếu và kích thích tố để kích thích sinh sản. Theo Tirado (1996), việc sử dụng giun nhiều tơ làm thức ăn kết hợp với thức ăn công nghiệp đã cải thiện thời gian hồi phục lượng tinh trùng và các đặc điểm sinh dục đực khác ở tôm thẻ chân trắng. Từ đó, việc sử dụng giun nhiều tơ làm thức ăn cho các loài cá và tôm bố mẹ đã được tăng lên mạnh mẽ. Trong nuôi tôm, giun nhiều tơ thường được sử dụng để kích thích thành thục tôm bố mẹ do chúng có chứa nguồn đạm cao, chất béo thiết yếu PUFA (ARA và EPA) và các hợp chất hỗ trợ hoạt động nội tiết tố khác. Giun nhiều tơ sống cát (Perinereis nuntia) được cho là có khả năng thúc đẩy tăng trưởng, tỷ lệ sống, chất lượng dinh dưỡng và chất lượng tinh trùng của tôm sú (Penaeus monodon) so với sử dụng thức ăn công nghiệp (Leelatanawit et al., 2014).
Mực ống là thức ăn tươi sống được sử dụng trong các cơ sở sản xuất tôm giống. Đây là loài động vật biển giàu dinh dưỡng, chứa nhiều protein và các chất khoáng, giàu chất béo giúp tôm phát triển nhanh chóng, đồng thời tăng sức đề kháng cho tôm. Mực ống có hàm lượng protein cao nhất nhưng lại chứa hàm lượng lipid thấp; tuy nhiên, tỷ lệ HUFA trong tổng lượng lipid cao. Thịt mực là một nguồn cholesterol tuyệt vời, là một chất dinh dưỡng thiết yếu trong chế độ ăn cho sự tăng trưởng và năng suất sinh sản thành công của tôm. Trong tổng số protein và lipid của thức ăn tươi sống, mực có hàm lượng 84,5% protein và 3,1% lipid, hàm lượng HUFA đạt 26,86% (AA: 5,35%; EPA: 9,12%; DHA: 12,39%) (Shailender & cs., 2012). Khi sử dụng mực làm thức ăn cho tôm bố mẹ, mực tươi hoặc đông lạnh thường được cắt nhỏ trước khi cho tôm bố mẹ ăn.
Hàu là một trong những nguồn thức ăn dinh dưỡng cho tôm bố mẹ. Ảnh: ST
Hàu là một trong những nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng, chúng cung cấp một lượng lớn protein và các chất khoáng như canxi, sắt, kẽm và magie, đặc biệt là giàu axit béo omega 3, tăng cường chức năng miễn dịch cho tôm bố mẹ. Hàm lượng dinh dưỡng của hàu cao, với protein khô đạt 48%; chất béo đạt 10,8%, hàm lượng HUFA đạt 2,98%. Để đảm bảo về sản lượng hàu cung cấp cho sản xuất, không phụ thuộc vào nguồn hàu tự nhiên, nhiều dự án và nghiên cứu về tối ưu hóa sản xuất hàu được đưa ra nhằm thiết lập một giao thức cho quá trình chuẩn bị giống trong nhà máy, giúp đạt được số lượng ấu trùng sống tốt nhất trong suốt cả năm, đặc biệt là ngoài mùa tự nhiên. Điều này giúp cho việc tạo nguồn thức ăn đầy đủ và giàu dinh dưỡng để nuôi vỗ tôm bố mẹ.
Ở Việt Nam, các nhà sản xuất giống đã sử dụng ốc ký cư để nuôi vỗ tôm sú bố mẹ từ khoảng năm 1993. Những con ốc này có thể được tìm thấy với số lượng lớn trong các vũng đá dọc theo bờ đá hoặc trên các thảm cỏ biển đầy cát. Người nuôi thường đập vỡ vỏ và ngâm vào chậu nước biển, nơi cua sẽ bò ra khỏi vỏ và dễ dàng thu gom. Trung bình một con tôm bố mẹ khỏe mạnh có thể tiêu thụ từ 8 đến 10 con ốc ký cư mỗi ngày. Ốc ký cư được xem là nguồn thức ăn đặc biệt không thể thiếu được sử dụng nuôi vỗ tôm sú bố mẹ. Là loài mang lại tỷ lệ sống và khả năng sinh sản tốt cho tôm bố mẹ nhờ hàm lượng chất dinh dưỡng Omega 3 và Omega 6 cao. Thành phần axit béo trong ốc ký cư có hàm lượng omega 6 cao (tỷ lệ omega 3: omega 6 là 1,96) có vai trò quan trọng trong việc kích hoạt sự thành thục buồng trứng của tôm bố mẹ. Mặc dù ốc ký cư là một trong những loại thức ăn tươi sống tốt cho tôm bố mẹ tuy nhiên, thế nhưng, trong nghiên cứu của Chan & cs, (2012) cho thấy ốc ký cư có thể là vật chủ trung gian mang mầm bệnh do virus đốm trắng gây ra trên tôm. Vì vậy, không khuyến cáo sử dụng thức ăn tươi sống để nuôi vỗ tôm bố mẹ và cần kiểm tra, quản lý, đảm bảo nguồn thức ăn sạch bệnh trước khi cho tôm bố mẹ ăn để hạn chế lây lan mầm bệnh.
Có rất nhiều bằng chứng cho thấy, các loại thức ăn tươi sống có thể có rủi ro an toàn sinh học cao do có thể đưa mầm bệnh tiềm tàng vào các trại sản xuất giống. Ngoài ra, thức ăn tươi sống còn có nhiều mặt hạn chế như giá cao, nguồn cung cấp không ổn định về số lượng, chất lượng dinh dưỡng, khó bổ sung thêm các dưỡng chất cần thiết. Vì vậy, cần nghiên cứu phát triển thức ăn viên tổng hợp để thay thế một phần hoặc toàn phần thức ăn tươi sống nhằm giảm thiểu những hạn chế của thức ăn sống. Hơn nữa việc sử dụng thức ăn công nghiệp còn cung cấp đầy đủ các thành phần dinh dưỡng cho giai đoạn sinh sản của tôm bố mẹ, giảm chi phí, dễ dàng lưu trữ, có thể cho ăn chủ động và ít ảnh hưởng đến chất lượng nước.
Hiện, có nhiều loại thức ăn công nghiệp dành cho tôm bố mẹ, người nuôi cần lựa chọn các cơ sở sản xuất có uy tín, chất lượng để thức ăn mang lại hiệu quả cao.
Nguyễn An