(TSVN) – Hiện, cùng với nhiều ngành sản xuất khác thì các doanh nghiệp ngành thủy sản đang cùng lúc đối mặt với những khó khăn chưa từng có khi bị bủa vây bởi các chi phí sản xuất, vận chuyển tăng, vốn cạn, lãi suất vay ở mức cao và đơn hàng giảm. Điều này khiến phần lớn doanh nghiệp rơi vào cảnh chật vật để duy trì hoạt động sản xuất – kinh doanh; rất cần các giải pháp tháo gỡ kịp thời.
Những tháng đầu năm 2023, do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng, lãi suất ngân hàng cao, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay; việc mở rộng thêm thị trường mới của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu vẫn còn hạn chế; suy thoái, lạm phát ở một số thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn làm cho họ thiếu các hợp đồng lớn; người dân thắt chặt chi tiêu… khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng sản xuất kinh doanh vô cùng ảm đạm.
Công ty TNHH Thực phẩm thủy sản Minh Bạch (thị xã Giá Rai) là doanh nghiệp chuyên sản xuất, chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản. Từ tháng 10/2022 đến nay, Công ty rơi vào tình cảnh sản xuất, xuất khẩu hết sức khó khăn, lượng đơn hàng giảm mạnh, hàng tồn kho nhiều. Hiện doanh nghiệp chủ yếu nhận gia công, sơ chế để duy trì việc làm cho công nhân và hoạt động bộ máy. Ông Hồ Văn Bạch, Giám đốc Công ty chia sẻ: “Trước áp lực tiền lương, lãi suất ngân hàng, tiền điện… ngày càng dồn dập, trong khi sản xuất, kinh doanh lại không khả quan, tôi đang kêu bán Công ty vì không còn kham nổi”.
Thời gian qua đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, mở rộng thị trường và thu hút đầu tư; tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ để đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Ảnh: Vũ Mưa
Còn đối với Công ty TNHH MTV Chế biến Thủy sản XNK Thiên Phú (cũng tại thị xã Giá Rai), thị trường xuất khẩu chính là các nước Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan, Nga, Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… Theo đại diện lãnh đạo Công ty, khó khăn lớn nhất hiện nay là chi phí cước tàu vận chuyển tăng gấp 10 lần so với trước, trong khi các loại chi phí xăng dầu, điện, tiền nhân công cũng tăng; giá tôm xuất khẩu thì cạnh tranh… đã làm ảnh hưởng nhiều đến kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Tại tỉnh Bình Định, nhiều ngành sản xuất chủ lực của địa phương trong đó có thủy sản đang gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới công ăn việc làm, giảm nguồn thu ngân sách. Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình Định cho rằng, khi thực hiện một số quy định trong gỡ “thẻ vàng” của EC đã khiến việc nhập nguyên liệu, xuất khẩu sản phẩm thủy sản một số thị trường cũng gặp khó khăn. Hạ tầng cảng cá ở tỉnh Bình Định chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của EC, đề nghị tỉnh sớm nâng cấp cảng cá đạt tiêu chuẩn để doanh nghiệp thuận tiện mua nguyên liệu. “Hiện nay cảng cá quá chật, chỉ cấp cho một cơ sở nhưng chỉ có 25 m2. Cảng cá chật như vậy, tàu bè vào rất khó khăn. Chờ đợi xếp lớp kể cả ngày trời mới cân được cá. Cảng cá lớn cũng đang đầu tư. Nếu đang đầu tư thì xem lại tất cả quy định của EU đối với cảng cá để chúng ta làm một lần luôn”, bà Lan chia sẻ.
Tại buổi đối thoại chiều 26/6 của UBND tỉnh Bình Định với hơn 400 doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng trong tỉnh; các doanh nghiệp đề nghị đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế VAT, thực hiện hoàn thuế trước, kiểm tra sau, cho doanh nghiệp nợ, giãn nộp thuế theo thời gian quy định, gia hạn tiền thuê đất. Các cơ quan chức năng tỉnh Bình Định cần tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các thủ tục cấp phép phòng cháy chữa cháy, xem xét giảm đến mức thấp nhất việc lập dự án và thiết kế xây dựng mới hoặc cải tạo, hoặc thay đổi tính chất sử dụng của công trình; giảm tần suất kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy tại doanh nghiệp.
Để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành ban hành chính sách hỗ trợ về nhiều mặt như: giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, giãn nợ, giảm tiền thuế, tiền thuê đất… tạo động lực để doanh nghiệp vượt khó. Riêng với tỉnh Bạc Liêu, ngoài triển khai thực hiện đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho doanh nghiệp theo đúng quy định, Tỉnh ủy, UBND tỉnh còn đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương triển khai thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Theo đó, tổ chức các cuộc đối thoại, gặp gỡ, khảo sát, tìm hiểu hoạt động doanh nghiệp, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng thời tạo thêm niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp. Mới đây, tỉnh đã thành lập đoàn xúc tiến đầu tư sang Nhật Bản và Hàn Quốc nhằm giới thiệu môi trường đầu tư và thu hút đầu tư của tỉnh đến các nhà đầu tư, doanh nghiệp, các tổ chức, hiệp hội của 2 nước.
Cùng đó, xác định điều các doanh nghiệp cần nhất lúc này là kích cầu tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu; Bạc Liêu đã tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu theo hướng bền vững, làm động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chế biến các mặt hàng mới nhằm đáp ứng nhu cầu các thị trường mới và tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Khuyến khích các doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, tránh phụ thuộc nguồn nguyên liệu vào một thị trường. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường; triển khai có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; chỉ đạo các chi nhánh, tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện các giải pháp huy động vốn để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn tín dụng đối với nền kinh tế; tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh để tháo gỡ các rào cản, giúp doanh nghiệp gia tăng năng lực cạnh tranh…
Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã hành văn bản thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về những nhiệm vụ, giải pháp lớn ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình hiện nay. Tại văn bản này, Thường trực Chính phủ yêu cầu rà soát các cơ chế, chính sách hiện hành để có giải pháp, biện pháp thúc đẩy các động lực tăng trưởng cả phía cung và phía cầu. Trong đó: Tăng cường hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, giữ vững, củng cố các thị trường truyền thống, thực hiện hiệu quả các FTA đã ký kết; tiếp tục mở rộng các thị trường mới (Trung Đông, châu Phi…), đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới; có giải pháp hiệu quả nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu, nhất là hàng nông sản xuất khẩu sang các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc… Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đơn giản hóa, chuẩn hóa các thủ tục về đầu tư, xây dựng để thực hiện trên môi trường điện tử; tiếp tục hoàn thiện các thủ tục về đấu thầu, đấu giá; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ; nâng cao năng lực sản xuất của doanh nghiệp, ngành, khu vực và của toàn nền kinh tế.
Hồng Hạnh