(TSVN) – Vào mùa mưa, các yếu tố như nhiệt độ, độ mặn, pH, ôxy hòa tan… trong ao đều bị thay đổi, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất người dân, đặt biệt là loại hình nuôi tôm siêu thâm canh. Dưới đây là một số khuyển cáo giúp người nuôi có biện pháp quản lý, chăm sóc phù hợp, hạn chế thiệt hại.
Kiểm tra, gia cố hệ thống điện, hệ thống ôxy đáy, quạt nước, đảm bảo không ảnh hưởng đến vận hành cho ao nuôi trước những cơn mưa lớn, kéo dài đặc biệt vào thời điểm ban đêm.
Dự trữ các vật tư như: Vôi, khoáng, ôxy viên, Yucca,… đầy đủ để quản lý tốt môi trường nước khi có mưa kéo dài hoặc bổ sung khi cần thiết.
Theo dõi chặt chẽ các yếu tố môi trường ao nuôi, đảm bảo nằm trong ngưỡng thích hợp; đặc biệt chú ý các yếu tố độ mặn, pH, nhiệt độ, độ kiềm, hàm lượng ôxy hòa tan, khí độc rất dễ biến động theo hướng bất lợi cho tôm sau những cơn mưa lớn.
Sử dụng vôi, EDTA để ổn định pH và độ kiềm, đồng thời trung hòa các kiềm loại nặng giúp cho ổn định chất lượng nước.
Thường xuyên dụng chế phẩm sinh học để xử lý nền đáy, chất thải trong ao nuôi, làm sạch môi trường giúp chất lượng nước được tốt hơn và sạch hơn.
Tăng cường chạy quạt vào ban đêm cung cấp đủ hàm lượng ôxy hòa tan và tránh hiện tượng phân tầng nước gây sốc cho tôm (đặt biệt vào những lúc mưa).
Sử dụng khoáng tạt để tăng cường khoáng dưỡng cho môi trường nước giúp tôm cứng vỏ và hạn chế tối đa tôm bị sốc trong thời điểm lột xác khi thay đổi môi trường, đặt biệt vào thời điểm mưa.
Tăng cường, chủ động sử dụng thêm các nhóm Yucca để chống sốc và hạn chế khí độc phát sinh trong quá trình nuôi cũng như sau khi mưa.
Lấy mẫu nước ao nuôi đến các phòng xét nghiệm kiểm tra mật độ vi khuẩn Vibrio trong ao nuôi. Nếu mật độ vi khuẩn vượt ngưỡng giới hạn cho phép thì tiến hành diệt khuẩn hoặc có biện pháp xử lý phù hợp.
Tăng cường chạy quạt nước tránh hiện tượng phân tầng nước. Ảnh:ST
Chế độ cho ăn và quản lý thức ăn trước và sau khi mưa là rất quan trọng, cần giảm 30 – 40% lượng thức ăn trong thời điểm này, tránh vấn đề thức ăn dư sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường và chất lượng nước.
Thay vào đó là nên chú trọng vào việc tăng cường sức đề kháng cho tôm, đặc biệt là các nhóm Vitamin C, giảm lượng thức ăn nhưng vẫn đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho tôm, quá trình tác động như thế sẽ làm giảm áp lực ăn cũng như tiêu hóa từ đó tôm ít bị ảnh hưởng đến cơ quan nội tạng đặc biệt là chức năng gan; nếu cho tôm ăn nhiều thì quá trình tiêu hóa diễn ra nhiều, gan tôm làm việc nhiều kết hợp với biến động về mặt môi trường sẽ làm suy gan, teo gan, vàng gan vì thế tôm dễ bị bệnh.
> Việc xử lý ao cũng đòi hỏi người nuôi phải chú trọng, trước mùa mưa, đối với ao, đầm, nạo vét kênh mương, đặt ống xả tràn, phát quang cành cây quanh bờ ao. Đồng thời gia cố bờ ao, đầm, các công trình phụ trợ tại cơ sở đảm bảo an toàn khi mưa, bão đến.
Thường xuyên theo dõi, quan sát hoạt động, tình hình sức khỏe của tôm nuôi (màu sắc, các phụ bộ, đường ruột, khả năng bắt mồi, tốc độ tăng trưởng…) để có hướng xử lý kịp thời.
Bổ sung Vitamin C, men tiêu hóa vào thức ăn cho tôm để tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ tiêu hóa cho tôm.
Đối với những ao chuẩn bị thả giống, cần cập nhật thông tin diễn biến thời tiết, môi trường, dịch bệnh để chủ động hơn trong sản xuất.
Để giảm áp lực trong ao nuôi tôm siêu thâm canh, người dân nên áp dụng mô hình nuôi 3 giai đoạn nhằm giảm áp lực về môi trường, giảm chi phí trong khâu xử lý nước đầu vào, nuôi tôm size về lớn, rút ngắn thời gian nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm chi phí giá thành… từ đó phát triển nghề nuôi tôm theo hướng bền vững trong thời gian tới.
Trung tâm Khuyến nông Cà Mau