Nhận được tin 162 ngư dân tỉnh Thanh Hóa đi làm việc trái phép cho tàu cá Trung Quốc, Sở NN&PTNT Thanh Hóa có công văn gửi Tổng cục Thủy sản và UBND tỉnh Thanh Hóa, xin ý kiến chỉ đạo. Đại diện Sở cũng trực tiếp làm việc với địa phương có ngư dân làm việc trái phép, nhằm giúp họ sớm hiểu và quay về.
Sớm ngăn chặn việc làm trái luật
Ông Lê Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa, cho biết: Ngay sau khi nhận được thông tin này, Sở đã có công văn gửi Tổng cục Thủy sản và UBND tỉnh Thanh Hóa, xin ý kiến chỉ đạo. Tỉnh đã chỉ đạo Sở phối hợp địa phương, ngăn chặn việc đi làm thuê trái phép; đồng thời chỉ đạo rà soát tình hình ngư dân. Sở cũng đang chờ ý kiến Tổng cục Thủy sản.
Sở đã cùng UBND tỉnh động viên, chỉ đạo, nêu rõ hướng phát triển ngành và phương án để người dân yên tâm làm việc trong nước, đảm bảo đời sống, khẳng định việc làm trong nước tốt hơn làm thuê trái phép ở nước ngoài. Làm việc trên biển nước ngoài nhiều rủi ro, có người chết trên tàu… Đến thời điểm này, tuy chưa có thống kê cụ thể nhưng lượng ngư dân đi làm việc trái phép đã giảm.
Ngư dân cần tích cực khai thác, kết hợp bảo vệ nguồn lợi vùng biển Việt Nam – Ảnh: Phan Thanh Cường
Sở đã cùng các đơn vị liên quan trong ngành nông nghiệp và chính quyền các xã, phường, thị trấn ven biển, làm phương án hoạt động trên biển hợp lý với từng nghề, số lượng tàu cá ở địa phương, để ngư dân hiểu rõ lợi ích và yên tâm sản xuất. Cùng đó, cơ quan chức năng tăng cường phối hợp lực lượng biên phòng, thanh tra, kiểm tra giám sát việc ngư dân xuất bến, nắm bắt phương tiện cụ thể, xem xét tình hình ngư dân làm thuê cho tàu cá Trung Quốc thế nào, nhằm đưa ra giải pháp phù hợp.
Phát huy ưu thế trong nước
Theo ông Lê Anh Dũng, Trung Quốc hiện có nhiều phương tiện khai thác thủy sản trên biển kích cỡ lớn, nhưng rủi ro trên biển thường xuyên. Một số ngư dân Việt Nam làm thuê cho tàu cá Trung Quốc thu nhập cao hơn trong nước nhưng vất vả, nguy hiểm, bị động nhiều hơn. Ông Dũng đề nghị ngư dân yên tâm cùng chính quyền địa phương bàn phương án tổ chức sản xuất tại nơi họ sinh sống. Theo ông Dũng, đây là hướng tốt nhất nâng cao đời sống ngư dân. Trong 162 ngư dân làm thuê trái phép, một số đã bày tỏ ân hận. Ông Dũng khuyến nghị ngư dân nắm vững chủ trương chính sách pháp luật, chủ động học tập, tu dưỡng nghề nghiệp trong nước để bám biển, bám nghề trong nước. Hơn nữa, khai thác thủy sản tại Việt Nam hợp pháp, có điều lệ; ngư dân cần tích cực khai thác, kết hợp bảo vệ nguồn lợi vùng biển Việt Nam, không nên sang vùng biển nước khác làm thuê trái phép.
Ông Dũng đồng thời lưu ý: Ở tỉnh Thanh Hóa một số ngư dân làm ăn theo phương thức lạc hậu, kém hiệu quả, đã sang Trung Quốc tìm hiểu, học tập kinh nghiệm, bước đầu về Việt Nam làm việc khá hiệu quả. Một số ngư dân Việt Nam khác sang đó được người Trung Quốc thuê, đã nhận lời làm việc luôn. Nhưng điều nguy hiểm nhất ở đây là: Nếu người Việt Nam sang Trung Quốc vì giác ngộ không đủ, đã hướng dẫn tàu Trung Quốc sang khai thác tại vùng biển Việt Nam, làm thất thoát tài nguyên Việt Nam, đồng thời tạo cớ giúp Trung Quốc tiếp tục thực hiện mưu đồ lấn chiếm vùng biển Việt Nam. Hành xử của phía Trung Quốc nhiều mục đích, vừa được sử dụng nguồn lao động Việt Nam giá rẻ, vừa đẩy đến tình huống: Nếu phía Việt Nam xử phạt những ngư dân này thì phía Trung Quốc cũng không bị ảnh hưởng nhiều. Cùng đó, ông Dũng đề nghị chính quyền các xã, phường, thị trấn ven biển, tăng cường giải thích rõ chính sách của đảng và nhà nước Việt Nam, phân tích cho ngư dân hiểu, làm việc trong nước đúng pháp luật có lợi nhất, làm thuê trái phép cho nước ngoài thiệt đủ đường; sao cho ngư dân sớm trở lại tâm lý làm việc ổn định tại phương, không còn tư tưởng làm thuê trái phép; những ai đã đi làm thuê trái phép cho nước ngoài nhanh chóng quay về, học nghề và ổn định việc làm trong nước.
>> Ông Trần Cao Mưu, Tổng thư ký Hội Nghề cá Việt Nam: Người lao động Việt Nam đi làm thuê cho người nước ngoài không có hợp đồng là sai. Thêm nữa, không thể nhân danh đảm bảo thu nhập cho một số cá nhân nào đó mà gây ảnh hưởng tiêu cực, bất lợi cho an ninh quốc gia. |