THỨ HAI, ngày 20/1/2025

Phát huy hiệu quả mô hình nuôi cá lồng trên hồ Hòa Bình

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Thời gian qua, nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình luôn được các cấp, các ngành của tỉnh quan tâm và tạo điều kiện để nông dân mở rộng sản xuất. Một trong những yếu tố then chốt để đưa nghề nuôi này phát triển là phải sản xuất theo hướng bền vững.

Nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình. Ảnh: Hoàng Hải

Khai thác tiềm năng

Tỉnh Hòa Bình có diện tích nuôi cá ao hồ nhỏ, nuôi cá ruộng, nuôi cá hồ chứa là 2.695 ha, số lồng nuôi cá 4.900. Tận dụng tiềm năng mặt nước hồ thủy điện, trong những năm qua, tỉnh đã đẩy mạnh nuôi trồng và khai thác thủy sản. Khai thác thủy sản diễn ra chủ yếu là trên hồ thủy điện sông Đà và các sông suối lớn, hồ, đập. Phương tiện khai thác gồm thuyền các loại 1.470 chiếc, lưới các loại 1.250 chiếc và 445 cái vó đèn, sản lượng khai thác hàng năm ước đạt khoảng 2.000 tấn, riêng trong quý I/2023 đạt khoảng 500 tấn. Đối tượng khai thác chủ yếu là các loại cá tạp và tôm sông, các loài cá có giá trị kinh tế chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Bên cạnh đó, các cơ sở, hộ dân sản xuất cá giống đang cho sinh sản nhân tạo và ương nuôi cá bột, cá hương, cá giống phục vụ cho sản xuất vụ xuân. Sản lượng cá giống ước đạt trên 31 triệu con giống các loại.

Tận dụng tiềm năng mặt nước hồ thủy điện để nuôi trồng thủy sản. Ảnh: VNN

Để phát triển nghề nuôi cá lồng trên hồ thủy điện, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình đã triển khai nhiều mô hình nuôi theo hướng đa dạng hóa giống loài, hình thức nuôi, tận dụng một số vùng phù hợp để nuôi thủy đặc sản, có giá trị kinh tế như: cá lăng, cá chiên; cá trắm đen, cá chép, cá bỗng, rô phi… Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua các lớp tập huấn, hội nghị kết hợp tuyên truyền, phát tờ rơi, pano áp phích người khai thác thủy sản về sử dụng ngư cụ phù hợp, không khai thác khu vực cá tập trung đến đẻ trứng vào mùa sinh sản, việc sử dụng xung điện, chất nổ, chất độc để khai thác thủy sản. Tăng cường công tác dự báo phòng ngừa dịch bệnh, hướng dẫn kỹ thuật cho người nuôi.

Hiện toàn tỉnh đã có 25 cơ sở nuôi trên 20 lồng cá, 4 cơ sở nuôi trên 100 lồng cá, 7 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đã ký kết liên danh với các hộ nuôi cá lồng đạt quy chuẩn VietGAP, mỗi năm cung cấp trên 2.000 tấn cá thương phẩm ra thị trường. Có 3 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ cá sông Đà tại TP Hà Nội.

Phát triển đồng bộ

Tại xã Thung Nai, huyện Cao Phong khu nuôi cá của anh Nguyễn Xuân Sang có 20 bè cá, 6 lồng trắm đen, 6 lồng nuôi cá lăng còn lại là cá rô, chép và cá trê. Trong các loại cá anh Sang nuôi, anh “kết” nhất là cá trắm đen. Giống này ít bệnh, ăn khỏe lại lớn nhanh. Hơn nữa, đây luôn là mặt hàng được săn lùng nhiều nhất vào mỗi dịp lễ, Tết và làm quà biếu.

Người nuôi có thu nhập ổn định hơn so với làm nương rẫy. Ảnh: VNN

Anh Sang cho biết: “Cách đây 3 năm, nhận được chương trình hỗ trợ nuôi cá lồng từ Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình, tôi đã mạnh dạn thả nuôi. Tôi nuôi chủ yếu cá trắm đen, rô phi, lăng… Trong mỗi lồng cá, tôi thả 300 – 400 con. Tôi nuôi cá trắm đen đạt trên 7 kg, bán với giá 200.000 đồng/kg. Thường thì cá đạt trọng lượng trên 10 kg tôi mới bán. Cá lăng có giá từ150.000 -170.000 đồng/kg. Bình quân 1 năm tôi lãi gần 500.000 triệu đồng. Sau một thời gian ngắn cuộc sống của gia đình tôi đã thoát nghèo và dư giả lên hẳn”.

Còn anh Bùi Văn Long, xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc phấn khởi cho biết, từ khi nuôi cá lồng thu nhập của gia đình ổn định hơn, không phải chật vật như thuở làm nương rẫy. Anh gắn bó với nghề nuôi cá lồng gần chục năm, nuôi chủ yếu là cá trắm cỏ, chép, rô phi. Mỗi năm anh thu lãi hơn 200 triệu đồng.

Đại diện Trung tâm Khuyến Nông Hòa Bình cho biết, sự phát triển mô hình nuôi cá lồng bè hiện nay có được là một phần nhờ vào chủ trương, chính sách của tỉnh, sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo các cấp và những chính sách phù hợp, kịp thời của tỉnh Hòa Bình. Trong những năm qua, Trung tâm đã thực hiện hàng chục lớp tập huấn kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho cá. Xây dựng các mô hình khuyến ngư gồm mô hình nuôi cá tầm trong lồng, nuôi cá điêu hồng, lăng, ngạnh, trắm đen trong lồng; nuôi cá trắm cỏ thâm canh năng suất cao trong ao, hồ chứa. Trung tâm đã thực hiện thành công các mô hình này, được người nuôi cá lồng bè trong vùng hưởng ứng và nhân rộng, tới nay đã có hàng trăm hộ dân nuôi theo và cho thu nhập ổn định.

Tuy nhiên, để nghề nuôi cá lồng phát triển đồng bộ hơn nữa, Trung tâm Khuyến nông tỉnh và chính quyền địa phương đang tích cực phối hợp với các đơn vị đầu mối, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ để tìm đầu ra cho sản phẩm, giúp bà con vùng lòng hồ khai thác tốt lợi thế về mặt nước, yên tâm sản xuất. Tạo điều kiện cho nghề nuôi cá lồng phát triển bền vững, giúp đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng sông nước giảm nghèo và làm giàu chính đáng trên quê hương.

>> 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh Hòa Bình có 4.930 lồng nuôi cá, năng suất đạt khoảng 1,2 tấn/lồng, với nhiều loài có giá trị kinh tế cao như: trắm đen, lăng, rô phi, diêu hồng, ngạnh, tầm… Hiện nay, nuôi cá lồng trên hồ Hòa Bình đang phát triển, mở ra hướng đi mới, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. 

Anh Vũ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!