(TSVN) – Trong thông báo kết luận Hội nghị sơ kết công tác chỉ đạo điều hành 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết ngoài việc tập trung phát triển thị trường xuất khẩu vẫn cần chú trọng thị trường trong nước.
Cụ thể, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, để đạt được các chỉ tiêu Chính phủ giao năm 2023 trong hoàn cảnh ngành phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cũng như liên tục phát sinh những vấn đề mới trong từng lĩnh vực, các đơn vị tiếp tục nỗ lực, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, quản lý, đồng thời xây dựng kế hoạch làm việc hợp lý, sử dụng thời gian hiệu quả… Mỗi đơn vị cần chủ động đề xuất các giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn trong từng lĩnh vực phụ trách.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ đạo cần quản lý tốt việc cấp mã vùng trồng, vùng nuôi trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh minh họa.
Về phát triển thị trường xuất khẩu, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị chủ động cập nhật chính sách nông nghiệp của các quốc gia, đưa ra các giải pháp ứng phó linh hoạt, phù hợp. Tăng cường xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường, xuất khẩu nông sản đa giá trị; tận dụng các hiệp định thương mại tự do; hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng mới; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xuất khẩu.
Cùng đó, chú trọng thị trường trong nước; đẩy mạnh bán hàng trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội tương tác, các kênh thương mại điện tử, thông qua đó vừa giới thiệu, quảng bá nông sản vừa hỗ trợ người nông dân cập nhật, mở ra những con đường mới đưa nông sản ra thị trường bên cạnh những phương thức truyền thống, quen thuộc.
Về chỉ đạo sản xuất, Bộ trưởng cho biết cần thực hiện Kế hoạch hành động nói không với IUU, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của EC. Bên cạnh đó, quản lý tốt việc cấp mã vùng trồng, vùng nuôi, hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc.
Bộ trưởng cũng giao Cục Thú y khẩn trương hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Kế hoạch quốc gia triển khai Đề án ngành Thú y, giai đoạn 2022 – 2030”; Tập trung tham mưu, chỉ đạo và tổ chức kiểm soát tốt các dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản; hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, các doanh nghiệp tổ chức xây dựng các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh, phục vụ xuất khẩu…
Cục Thủy sản khẩn trương hoàn thiện và trình Chính phủ Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Văn phòng Chính phủ trình ban hành các đề án: Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐCP ngày 8/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuỷ sản; Nghị định thay thế Nghị định 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; Nghị định thay thế Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản; Đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai có hiệu quả chương trình giống.
Cục Kiểm ngư tiếp tục tổ chức các đoàn kiểm tra các địa phương triển khai thực hiện Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 13/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, chuẩn bị làm việc với Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 4 và Công điện số 265/CĐ-TTg ngày 17/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản; thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; chống khai thác IUU.
Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường chủ trì, phối hợp với Thanh tra Bộ tổ chức các đoàn đi kiểm tra một số điểm về vệ sinh an toàn thực phẩm, dựa trên các kết luận của đoàn kiểm tra châu Âu đã đi kiểm tra về an toàn thực phẩm sau mùa dịch Covid 19.
PV