(TSVN) – Ngành thủy sản và 28 địa phương ven biển đang nỗ lực thực thi nhiều giải pháp gỡ “thẻ vàng” cho nghề cá đánh bắt theo yêu cầu của EC.
“Không phải là chỉ của EC mà Việt Nam cần phát triển một nghề cá bền vững và có trách nhiệm”, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam nhấn mạnh trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí. Đó là nghề cá phát triển trên cơ sở bảo tồn nguồn lợi biển, phát triển kinh tế biển trên nền tảng biển xanh.
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi so sánh, chặt một cây rừng có thể rũ tù nhưng phá tan lòng biển lại không ai biết và tình trạng ấy kéo dài nhiều năm nên bây giờ “nhiều rừng dưới đáy biển đang cháy rụi”. Ông kể, các năm 1975 – 1980, ông tham gia điều tra tổng hợp vùng biển ven bờ Quảng Ninh – Hải Phòng, mắt thường cũng thấy được cá tôm bơi đầy, hải sâm và rong tảo rất nhiều. Năm 1995, có cuộc thi chụp ảnh dưới nước do quốc tế tổ chức ở Hòn Mun trong vịnh Nha Trang, thấy cá rạn san hô đủ màu sắc bơi dày đặc, ken thành đàn đẹp như tranh vẽ. Cũng thời đó, những mẻ lưới buông xuống bắt được rất nhiều cá, nhưng nay đã giảm khoảng 8 – 20 lần so với trước năm 1980, trữ lượng cá biển giảm khoảng 14 – 16% so với trước năm 2010. “Vị trí các bãi cá cũng di biến động do mất nền tảng hệ sinh thái và biến đổi khí hậu. Biển đã cạn kiệt như vậy đấy”, ông nói.
Gần nửa thế kỷ gắn bó với khoa học nghiên cứu biển, sinh thái biển Việt Nam, PGS.TS Hồi cho hay, biển nước ta có đa dạng sinh học thuộc loại cao trên thế giới, là một trong những trung tâm đa dạng sinh học biển của thế giới. Ở xứ sở nhiệt đới ấm nóng, đa dạng sinh học biển gắn rất chặt với rạn san hô. Cho nên, có thể nói có rạn san hô là có thủy sản, có thủy sản mới có nghề cá và kinh tế biển, có nghề cá mới có ngư dân và có ngư dân mới có lực lượng bám biển tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo. Nên, đôi khi, bảo vệ được rạn san hô cũng là góp phần vào bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Những năm 1998 – 1999, PGS.TS Hồi và các nhà khoa học được giao làm luận cứ để quy hoạch hệ thống 16 khu bảo tồn biển Việt Nam nhưng trình lên Chính phủ thì bị trả lại vì chưa xác định được cơ quan thực thi. Cho đến năm 2003, Thủ tướng giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về các khu bảo tồn biển cho Bộ Thủy sản (sau này nhập vào Bộ NN&PTNT) thì thực trạng đã rất xấu như một câu hát “còn gì nữa đâu”.
Sự suy giảm nhanh chóng, theo PGS.TS Hồi, do đánh mìn và dùng xyanua bắt tôm hùm làm san hô nhiễm chất độc. Bên cạnh, việc khai hoang lấn biển thiếu nghiên cứu góp phần tàn phá biển, bởi lẽ vùng đất ven biển và vùng biển ven bờ là thể thống nhất cho sự bền vững hệ sinh thái biển. “Bởi vì, vùng bờ biển là nơi giàu có nhất của biển, là nơi cung cấp nguồn giống, dinh dưỡng mà lấp hết thì sinh thái tự nhiên còn cái gì, kinh tế xanh cái gì?”, PGS.TS Hồi nêu câu hỏi.
Trở lại yêu cầu gỡ “thẻ vàng” EC, PGS.TS Hồi nêu loạt câu hỏi tiếp: “Gỡ “thẻ vàng” là gỡ chuyện đánh cá bất hợp pháp ở nước ngoài, còn đánh cá bất hợp pháp ở trong nước đang xảy ra thì sao? Và khi ngư dân nghiêm túc chấp hành rồi thì biển Việt Nam có cá không để họ đánh? Ai chuyển đổi nghề nghiệp cho họ? Ai là người bảo vệ hiệu quả các khu bảo tồn biển? Chính sách đặc thù cho ngư dân để vừa tham gia làm kinh tế vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo có không?”.
Tình trạng bảo tồn xấu đi, cá tôm đang cạn kiệt, ô nhiễm từ đất liền theo sông suối ra biển ngày càng nhiều, rừng ven biển bị mất. Những giải pháp tiên tiến trên thế giới đều không áp dụng hoặc đã thử nghiệm nhưng không duy trì được. Tất cả đặt ra nhiều vấn đề cấp bách cho công tác quản lý nhà nước. Trước mắt là giảm cường lực đánh bắt bằng cách cương quyết giảm các tàu nhỏ, cũ kỹ, không thể chần chừ nữa khi chưa quá muộn. “Nhà nước phải hỗ trợ cho ngư dân thông qua ưu tiên giải quyết đồng bộ ba vấn đề: Ngư dân, ngư nghiệp và ngư trường, hướng tới xây dựng một nghề cá bền vững và có trách nhiệm ở nước ta”, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi kết luận.
Sáu Nghệ