(TSVN) – UBND huyện Vạn Ninh vừa tổ chức họp Hội đồng khoa học và công nghệ cấp cơ sở đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài “Tiếp nhận kỹ thuật và nhân rộng mô hình nuôi thương phẩm sá sùng trong ao đất tại địa phương”.
Cách đây hơn 10 năm, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III triển khai đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất giống và nuôi thương phẩm sá sùng tại Khánh Hòa”. Sau khi tiếp nhận đề tài và tiến hành khảo sát, tháng 3 năm 2022 Phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh đã chọn ao đất nuôi thủy sản của ông Trần Văn Trung (thôn Nhơn Thọ, xã Vạn Khánh) làm nơi triển khai.
Cán bộ kỹ thuật kiểm tra sự phát triển của sá sùng trong ao đất ở huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Đồng Xuân.
Mô hình được thực hiện trên 2 ô đìa diện tích 2.000m2 với khoảng 120.000 con giống có size từ 3-5cm. Ông Trung cho biết: chi phí đầu tư cho nuôi sá sùng chủ yếu là thức ăn tận dụng như cá, cám nấu chín và trộn lẫn cùng nhau. Chi phí làm đất trước khi nuôi không đáng kể, sá sùng thu hoạch đến đâu thì có người thu mua trong ngày đến đó. Sau 5 tháng nuôi, ông Trung thu hoạch được 1.180kg sá sùng thương phẩm; trừ chi phí mang về lãi ròng bằng 60% so với chi phí đầu tư.
Được biết, sá sùng là thực phẩm giàu dinh dưỡng, có giá trị kinh tế cao, nhu cầu của thị trường ngày càng nhiều; hơn nữa nuôi sá sùng còn góp phần cải thiện môi trường ao nuôi. Sau 18 tháng triển khai đề tài, sá sùng đạt tỷ lệ sống từ 84,16% đến 87,43%. Trong quá trình thực hiện, Phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh cũng đề xuất các giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả khi nuôi sá sùng như: điều chỉnh thời gian cho ăn, chọn con giống có kích thước từ 3cm để nâng cao tỷ lệ sống cho sá sùng.
Những con sá sùng được nuôi trong ao đất tại huyện Vạn Ninh. Ảnh: Đồng Xuân.
Ông Nguyễn Ngọc Ý – Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh, cũng là chủ nhiệm của đề tài chia sẻ: sá sùng là đối tượng mới trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện. Để triển khai đề tài, đơn vị đã tiến hành khảo sát các khu vực có điều kiện phù hợp với việc nuôi sá sùng là vùng ao đất phía bắc cầu Ngòi Ngàn (xã Vạn Khánh) trở ra. Đây là vùng có điều kiện sinh thái phù hợp do sá sùng đã sinh trưởng rất tốt trong điều kiện tự nhiên tại khu vực trên. Dự kiến, Phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh sẽ nhân rộng mô hình, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân sử dụng có hiệu quả các diện tích ao đìa bỏ hoang, phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.
Khánh Nguyễn