(TSVN) – Chất lượng môi trường nguồn nước cấp cho nuôi tôm nước lợ đang có hiện tượng ô nhiễm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của tôm; tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện bệnh. Ngày 21/7, ở tỉnh Bạc Liêu diễn ra Hội thảo “Giải pháp môi trường phát triển bền vững ngành tôm”, Cục Thủy sản có tham luận về ĐBSCL, vùng nuôi tôm trọng điểm của nước ta với các kiến nghị đồng bộ bảo vệ môi trường.
Theo đó, tại ĐBSCL: Tôm sú chiếm 84 – 86% diện tích, 31 – 39% sản lượng, năng suất bình quân 0,42 – 0,47 tấn/ha/năm; TTCT chiếm 14 – 16% diện tích, 61 – 72% sản lượng, năng suất bình quân 4,2 – 5,7 tấn/ha/năm. Năm 2022 diện tích nuôi 737.000 ha (sú 622.000 ha, TTCT 115.000 ha), sản lượng 745.000 tấn (sú 271.000 tấn, TTCT 474.000 tấn), xuất khẩu 4,3 tỷ USD. Mục tiêu đến 2025 diện tích nuôi 750.000 ha, sản lượng 1.153.000 tấn, xuất khẩu các sản phẩm tôm 10 tỷ USD.
Để quản lý môi trường, Bộ NN&PTNT đã có Quyết định số 513/QĐ-TCTS-NTTS ngày 28/12/2021 về việc hướng dẫn quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường giai đoạn 2021 – 2030. Việc triển khai quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường thường xuyên tại vùng nuôi tôm cả nước có 460 điểm, trong đó ĐBSCL có 36 điểm.
Diễn biến môi trường ở ĐBSCL giai đoạn 2021 – 2023 cho thấy, có hiện tượng ô nhiễm, tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh. “Rõ nhất là hiện tượng phú dưỡng ở nguồn nước cấp vùng nuôi tôm nước lợ (một số thông số như N-NH4+, P-PO43-, COD, mật độ vi khuẩn Vibrio, coliform… vượt giới hạn cho phép). DO thấp xảy ra thường xuyên ở các điểm quan trắc thuộc tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau. Chất thải trong quá trình nuôi tôm đang gây hại cho chính việc nuôi tôm, tăng dịch bệnh, giảm năng suất”, tham luận nhấn mạnh.
Cùng đó là những bất cập như hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên ngành thiếu đồng bộ, đang sử dụng các văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chưa có hướng dẫn về quản lý môi trường trong nuôi tôm. Cơ sở dữ liệu môi trường trong nuôi tôm còn mỏng, dữ liệu đơn lẻ chưa liên tục, cảnh báo diễn biến môi trường chưa kịp thời. Hạ tầng thủy lợi chủ yếu vẫn dùng chung với hệ thống thủy lợi phục vụ nông nghiệp.
Tham luận cho rằng, cần chủ động phòng, kiểm soát nguồn ô nhiễm từ hoạt động nuôi tôm, gồm đánh giá tổng thể nguồn thải, sức tải tại một số vùng. Quan trắc môi trường thường xuyên tại các vùng nuôi. Xây dựng mô hình thí điểm phòng ngừa, kiểm soát và cảnh báo nguy cơ sự cố môi trường; nâng cao năng lực, trang thiết bị về phòng ngừa, cảnh báo ô nhiễm môi trường cho các đơn vị quan trắc. Thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong nuôi tôm; phát triển sản xuất thủy sản hữu cơ, công nghệ cao, thân thiện với môi trường.
Tham luận kiến nghị sự vào cuộc đồng bộ các cấp. Ở Trung ương cần xây dựng quy chuẩn chất lượng nước thải riêng cho nuôi tôm để phù hợp với tình hình thực tế. Các địa phương phê duyệt kế hoạch quan trắc, giao cho Chi cục Thủy sản triển khai thực hiện, phối hợp với các đơn vị quan trắc chuyển tải các bản tin thông báo tới vùng nuôi, người nuôi kịp thời. Các cơ sở nuôi chủ động quan trắc, giám sát, kiểm soát môi trường tại vùng nuôi, ao nuôi; thực hiện nghiêm các quy định bảo vệ môi trường; áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ, cải tiến quy trình kỹ thuật nuôi, thân thiện với môi trường.
Sáu Nghệ